Từ truyền thống đến hiện đại, từ thời Đinh - Lý - Trần - Lê đến thời đại Hồ Chí Minh trước sau liên tục và phát triển một đạo lý căn cốt của mỗi người Việt Nam đó là "Trên vì nước, dưới vì nhà, ấy là sự nghiệp, ấy là công danh". Đạo lý đó chính là lẽ sống, sống thì phải lập công, lập đức, làm trọn bổn phận của mình với dân với nước. Và lớp hậu sinh thì phải biết "uống nước nhớ nguồn", phải đền ơn đáp nghĩa bằng cách "con hơn cha là nhà có phúc". "Phúc" - hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, của cả dân tộc chính là sự trường tồn, là sức mạnh chiến thắng thù trong giặc ngoài và chế ngự bão giông nắng lửa.
Có nơi nào trên thế giới này như ở Việt Nam, cả dân tộc có chung một vị Quốc Tổ, một ngày Quốc giỗ. Và ngày thiêng liêng này, giờ đã là một ngày toàn dân được "nghỉ" để dành cho các các nghi lễ tưởng niệm thiêng liêng, là dịp để bày tỏ đạo lý "uống nước nhớ nguồn", giữ gìn cốt cách dân tộc để từ đó, thực hiện bổn phận gìn giữ và phát triển đất nước. Đau đáu với hoài vọng "Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không..." chính lớp trẻ phải trả lời câu hỏi lớn này và phía sau lớp trẻ là toàn xã hội, từ gia đình, nhà trường, là lớp ông bà, cha mẹ và phải coi đó là định hướng lớn nhất, là nghĩa vụ và phải được thể hiện bằng những việc làm thiết thực.
Đạo lý trung với nước, hiếu với dân, đáp nghĩa đền ơn luôn là một mạch nguồn truyền thống chảy mãi của dân tộc ta và đó cũng là lẽ sống của mỗi người Việt Nam bao đời nay.
Nguyễn Đức Thạc