Tại Sydney, Nhà hát Opera và Cầu Cảng, hai công trình biểu tượng của Australia, đã đồng loạt tắt đèn để hưởng ứng Giờ Trái đất.
Người đứng đầu Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Australia - đơn vị tổ chức Giờ Trái đất - Dermot O'Gorman nhấn mạnh mục tiêu của sự kiện là nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đời sống hoang dã.
Nhà hát Opera và Cầu Cảng Sydney (Australia) trước giờ tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2018. |
Vào cuối thế kỷ này, hơn một nửa loài thực vật và động vật sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng tại những vùng đa dạng sinh học nhất nếu tốc độ nóng lên toàn cầu vẫn duy trì như hiện nay.
Từ Australia, chiến dịch Giờ Trái đất sẽ di chuyển tới châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Theo đó, hưởng ứng Giờ Trái đất, các chương trình nổi bật sẽ diễn ra tại Sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Tháp Eiffel ở Paris (Pháp), các Kim tự tháp của Ai Cập và tòa nhà Empire State tại thành phố New York (Mỹ).
Là một sự kiện quốc tế do WWF phát động, Giờ Trái đất khuyến khích mọi cá nhân và tổ chức tắt đèn điện trong một giờ đồng hồ, từ 20h30 đến 21h30 (giờ địa phương) trong ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hàng năm. Mục đích của sự kiện này là kêu gọi mọi người dân tập trung tìm ra những giải pháp để bảo vệ hành tinh và xây dựng một tương lai tươi sáng và bền vững.
Bắt đầu từ Sydney năm 2007, chiến dịch Giờ Trái đất tới nay đã phát triển đến hơn 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 7.000 thành phố, kết nối hàng triệu người trên thế giới vì mục tiêu hành động chống biến đổi khí hậu.
Ban tổ chức Giờ Trái đất không thu thập số liệu thống kê toàn cầu về số năng lượng tiết kiệm được trong 60 phút tắt đèn trên khắp thế giới. Sự kiện này mang ý nghĩa tượng trưng như một khoảnh khắc của sự đoàn kết toàn cầu cho một vấn đề toàn cầu.