Chuyên gia Sergei Palmasov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ rằng thông qua kế hoạch trên, Mỹ gửi một thông điệp tới Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rằng Washington đang muốn tăng cường sự hiện diện cũng như thể hiện ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Chuyên gia này nhấn mạnh kế hoạch mới nhất của Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với chủ quyền của Syria và làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Cũng trả lời phỏng vấn với hãng tin Anadolu, chuyên gia về Trung Đông Anatoly Nismian cho rằng Mỹ sử dụng người Kurd ở Syria như một công cụ để gây sức ép lên nhiều nước trong khu vực. Chuyên gia này cũng cảnh báo những hậu quả do kế hoạch của Mỹ gây ra đối với sự thống nhất của Syria. Anadolu dẫn các nguồn địa phương cho biết Lầu Năm Góc, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã hoàn thành việc huấn luyện 400 thành viên ở khu vực miền Nam tỉnh Hasaka.
Ảnh minh họa. (Nguồn: NDTV) |
Trong khi đó, nhà phân tích Yuri Mavashev, trưởng bộ phận nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại có trụ sở tại Moscow (Nga) nhận xét rằng ý định của Mỹ thiết lập một lực lượng an ninh biên giới ở miền Bắc Syria là để đảm bảo rằng Washington đang kiểm soát các khu vực chiến lược quan trọng tại Syria.
Ông Mavashev chỉ ra rằng Mỹ cũng có ý định cản trở Hội nghị đối thoại dân tộc Syria, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga, đồng thời gây trở ngại đối với tiến trình đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria.
Trước đó, ngày 14/1, liên minh chống khủng bố quốc tế do Mỹ đứng đầu thông báo đang phối hợp với các đồng minh Syria, chủ yếu là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đứng đầu, để thành lập một lực lượng an ninh dự kiến lên tới 30.000 binh lính hoạt động dọc các khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq cũng như bên trong Syria.
Bộ Ngoại giao Syria lên án kế hoạch của Mỹ là hành động xâm lược, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Syria và vi phạm luật pháp quốc tế. Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố "sẽ tiêu diệt lực lượng mới này và đuổi binh sĩ Mỹ ra khỏi lãnh thổ Syria". Nga, đồng minh thân cận của Syria, coi kế hoạch mới của liên minh do Mỹ đứng đầu là âm mưu chia cắt đất nước Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ mô tả lực lượng mới nói trên là một "đội quân khủng bố".
Cùng ngày, Trung tâm nghiên cứu sự nổi dậy và chủ nghĩa khủng bố thuộc viện nghiên cứu Jane IHS công bố báo cáo ghi nhận số người thiệt mạng trong các vụ tấn công tại Iraq và Syria giảm mạnh trong năm ngoái, bất chấp tình hình bạo lực leo thang tại hai quốc gia này.
Theo báo cáo của tổ chức có trụ sở tại London trên, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công tại Iraq đã giảm 60%, xuống còn hơn 3.700 người so với con số 8.437 người của năm 2016. Tương tự, con số thương vong tại Syria đã giảm từ 6.477 người trong năm 2016 xuống còn 3.641 người trong năm vừa qua, tương đương với mức giảm là 44%.