📞

Giới quản lý quỹ ‘cộm cán’ Anh: Việt Nam - 'con hổ châu Á' duy nhất còn lại để đầu tư

Hoàng Nam 18:57 | 28/10/2020
TGVN. Việt Nam đang là một trong những “con cưng” của thị trường đầu tư mới nổi, nền kinh tế cận biên năng động nhất thế giới.
Khi đầu tư vào Việt Nam, đâu là cơ hội tốt nhất và những cơ hội này có điểm gì khác so với ở các nước châu Á khác? (Nguồn: Zing)

Trang wealthbriefingasia.com ngày 28/10 đăng bài tổng hợp nhận định của một loạt nhân vật “cộm cán” trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư có trụ sở tại Vương quốc Anh về triển vọng đầu tư ở Việt Nam.

Theo bài viết, Việt Nam đang là một trong những “con cưng” của thị trường đầu tư mới nổi. Với một nửa dân số dưới 35 tuổi và tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, Việt Nam là một trong những nền kinh tế cận biên năng động nhất thế giới và không phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Coid-19 như các quốc gia khác.

Một số nhà quản lý quỹ đầu tư tỏ ra quan tâm đến thị trường Việt Nam và hiện có hoạt động kinh doanh ở đây, chẳng hạn như ngân hàng tư nhân của Thụy Sỹ Bordier & Cie.

Khi đầu tư vào Việt Nam, đâu là cơ hội tốt nhất và những cơ hội này có điểm gì khác so với ở các nước châu Á khác? Và mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến triển vọng của khu vực?

Hiệp hội các công ty đầu tư tại Vương quốc Anh đã thu thập ý kiến của các nhà quản lý quỹ đầu tư của các công ty đang hoạt động ở Việt Nam.

Tại sao chọn Việt Nam?

Theo ông Khanh Vu, đồng quản lý của Quỹ Vietnam Opportunity thuộc VinaCapital, điểm chính làm nên sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam là Việt Nam đang theo chân các nền kinh tế “con hổ châu Á” đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Vì vậy, quỹ đạo tương lai của thu nhập bình quân đầu người, chi tiêu tiêu dùng và của cải nói chung của người dân Việt Nam là khá rõ ràng.

Hơn nữa, về cơ bản, Việt Nam là “con hổ châu Á” duy nhất còn lại để đầu tư - xét trên mức độ phát triển kinh tế của các “con hổ châu Á” khác.

Trong khi đó, bà Emily Fletcher, Giám đốc đầu tư của BlackRock Frontiers, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong thị trường cận biên, đã trải qua quá trình phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ trong 2 thập kỷ qua. Việt Nam nhận thấy lợi ích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá hơn 149 tỷ USD trong 20 năm qua, một phần nhờ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Điều này thúc đẩy lĩnh vực sản xuất chế tạo, giúp xuất khẩu hằng năm tăng trưởng ở mức 2 con số, trung bình đạt 15,8%. Trong nước, nhân khẩu học cũng tạo thuận lợi cho tăng trưởng bền vững.

Còn Giám đốc Vietnam Holding Craig Martin cho biết, GDP bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến đạt 5.000 USD vào năm 2025 và đến năm 2035 có thể có thêm 35 triệu người vào nhóm có thu nhập trung bình trên cả nước.

“Chúng tôi cho rằng điều này mang lại triển vọng thú vị cho các nhà đầu tư. Việt Nam là một nền kinh tế rất cởi mở từ góc độ thương mại, với hơn 200% GDP là xuất khẩu và nhập khẩu. Trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một nhà xuất khẩu nguyên liệu thô thành nhà sản xuất hàng hóa thành phẩm và bán thành phẩm, cũng như xuất khẩu các dịch vụ - chẳng hạn như công nghệ thông tin”.

Xử lý Covid-19 thành công

Ông Ewan Markson-Brown, Giám đốc Pacific Horizon, đánh giá: “Cho đến nay, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia thành công trong việc đối phó với Covid-19. Họ chỉ ghi nhận hơn 1.000 trường hợp nhiễm bệnh và 35 trường hợp tử vong. Ban đầu, Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc di chuyển trong và ngoài nước và giảm số ca mắc Covid-19 xuống không còn ca nào. Tuy nhiên, sau 99 ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, dịch lại tái phát ở Đà Nẵng”.

Lãnh đạo quỹ Pacific Horizon cũng khẳng định: “Với mức thu nhập tương đối thấp, Việt Nam nổi bật là một trong những trường hợp thành công về chống dịch”.

Còn theo ông Craig Martin, Giám đốc Vietnam Holding, công tác dập dịch của Việt Nam đã nhận được sự khen ngợi và ngưỡng mộ từ nhiều quốc gia khác: “Còn quá sớm để kết luận đâu là yếu tố then chốt làm nên thành công, song chắc chắn sự gắn kết xã hội và sự chung sức của mọi người là một phần quan trọng tạo nên phản ứng kiên cường”

“Đừng quên Việt Nam là một trong những nạn nhân đầu tiên của dịch SARS năm 2003 và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh do cúm gia cầm và cúm lợn, vì vậy, Việt Nam đã chuẩn bị các biện pháp ứng phó, quy trình và truyền thông tốt để đối phó với các dịch bệnh mới”, Giám đốc Vietnam Holding nhấn mạnh.

(theo wealthbriefingasia.com)