📞

Giữ được mình sẽ giữ được văn hóa

14:00 | 18/02/2018
 “Văn hóa là một phần bản thể của mình, vì thế giữ mình thì sẽ giữ được văn hóa”.

Đó là quan niệm của tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Phương (ảnh bên), Nghiên cứu viên Đại học Genève & Paris Diderot; Giám đốc Mạng lưới giáo dục (Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn cầu) chia sẻ với báo TG&VN.

Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại Pháp, theo chị bí quyết hòa nhập thành công ở nước sở tại là gì?

Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề sống ở trong nước hay nước ngoài. Bởi ở đâu cũng là cuộc sống, là con người, là quan hệ liên cá nhân, mỗi người muốn sống tốt cũng cần phải hòa nhập.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Phương.

Đối với tôi, việc sống ở nước ngoài hay Việt Nam để thành đạt thì bản thân phải có năng lực, kiến thức mới khẳng định được mình. Thứ hai là khả năng thích nghi, cũng giống như từ nông thôn ra thành thị, tôi chỉ chuyển địa bàn từ Việt Nam sang một quốc gia khác mà thôi.

Được biết chị là Giám đốc Mạng lưới giáo dục của Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn cầu?

Từ bốn năm nay, tôi tham gia vào Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn cầu. Trong Hội, các thành viên đã khẳng định và định vị được vị trí của mình trong nghề nghiệp tại ngoại quốc. Những thành viên trụ cột của Hội đa phần đều làm việc và sinh sống tại châu Âu. Mục đích của Hội là sử dụng đúng kiến thức, chuyên môn của các thành viên để quay trở về làm việc, hợp tác với các đồng nghiệp, đối tác Việt Nam.

Trong Hội có nhiều mảng (tài chính, công nghệ, giáo dục, xây dựng…), mỗi lĩnh vực hoạt động tạo thành một mạng lưới với những cộng tác viên tại Việt Nam và những chuyên gia cố vấn bậc cao ngoại quốc. Chúng tôi tham gia hoạt động cho Hội một cách tự nguyện và tình nguyện.

Hiện nay, tôi điều phối Mạng lưới giáo dục, gọi là EduNet. Chúng tôi đang tiến hành thực hiện về tự chủ đại học với Bộ Giáo dục và Đào tạo và với một số trường đại học. Chúng tôi xem những trường đại học đó là các đối tác cơ sở, để cùng đồng hành với họ trong lộ trình tự chủ hóa.

Nhóm đang thực hiện dự án và sẽ cho ra mắt cuốn sổ tay kinh nghiệm quốc tế về tự chủ đại học?

Công việc và sản phẩm đầu tiên của nhóm sẽ là một cuốn sổ tay về tự chủ đại học. Sổ tay đó sẽ tập hợp kinh nghiệm quốc tế về tự chủ của các trường đại học ở các quốc gia trên thế giới. Tham gia viết cuốn sổ tay này có 10 đến 12 người. Đối tượng độc giả chính là các trường đại học Việt Nam. 

Thực tế, trong nhiều trường đại học, có những đối tượng là giảng viên, nhân viên chưa hiểu hết, hiểu sâu và hiểu toàn cảnh sự tự chủ. Bởi vậy, họ vẫn giữ thái độ ngờ vực. Tôi hy vọng cuốn sổ tay này dựng lên cho họ bức tranh toàn cảnh để họ hiểu hơn.

Phần việc thứ hai của mạng lưới giáo dục trong Hội là dựng lên Bộ chỉ số đánh giá khả năng tự chủ của các trường đại học. Đó là nhiệm vụ cao hơn, khó hơn, đòi hỏi nhiều hơn nên nhân lực sẽ phải nhân lên.

Để cho ra được “sản phẩm” luôn phải song hành hai khối nhân lực. Khối đầu là êkip thực hiện công việc. Khi ra được sản phẩm sẽ có một nhóm là các cố vấn, chuyên gia bậc cao sẽ đọc, phản biện, nhận xét.

Từng điều phối thành công chuỗi bàn tròn giáo dục của Hội chuyên gia Việt Nam tại Pháp, chị nhận định thế nào về tính tự chủ đại học ở nước ta hiện nay?

Nhiều trường  đại học nước ta đã và đang tiến hành tự chủ, đấy là một xu thế tất yếu. Có người chưa đồng tình tự chủ vì nhìn nhận vấn đề này ở khía cạnh hơi phiến diện. Tôi cho rằng, phải nhìn tự chủ trong thế tổng quan. Tức là, tự chủ giống như tạo năng lượng mới, tạo khả năng mới cho các trường đại học phát triển. Đấy như một chu trình giúp các trường tự định nghĩa lại mình và tự tìm ra cho mình một chiến lược phát triển trong tương lai.

Đã từng làm việc ở Bộ Giáo dục Pháp nên tôi biết, bất cứ quốc gia nào cũng có vấn đề riêng. Có những khủng hoảng họ vượt qua được, có những khủng hoảng trầm trọng và kéo dài, Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Tôi không nghĩ giáo dục của Việt Nam là nước có vấn đề nhất. Bản thân mình là người Việt cũng không nên quá bi quan về thực trạng này.

Cảm xúc của chị mỗi khi về nước và thực hiện các dự án tại Việt Nam, qua đó truyền lửa, truyền cảm hứng cho người Việt trẻ?

Mỗi lần về nước, vì làm việc có mục đích nên tôi rất hứng thú. Tôi muốn qua công việc được về hợp tác nhiều hơn với các đồng nghiệp ở Việt Nam.

Nếu nói việc truyền lửa, tôi mong muốn họ phải là nguồn cảm hứng cho chính họ đã. Khi mỗi người tự tìm thấy ý nghĩa cho chính những việc họ làm thì như một lẽ tự nhiên sẽ tự lan tỏa với người khác. Bạn không thể truyền cảm hứng cho người khác khi mà bản thân đang làm việc mà bạn không thích, không hứng thú.

Mỗi người có một cách để đóng góp cho quê hương. Chị làm cách nào cụ thể hơn để nuôi dưỡng tình cảm với quê hương?

Đã là quan hệ thì phải có tính hai chiều, dù đó là quan hệ giữa người với người hay quan hệ công việc. Tôi nghĩ, dùng chính khả năng chuyên môn của mình để cộng tác, hợp tác, làm việc với những đồng nghiệp tại Việt Nam cũng là cách đóng góp cho quê hương.

Muốn sự hợp tác đó bền vững và lâu dài, hiệu quả thì phải có tính hai chiều. Cũng giống bất cứ mối quan hệ nào từ tình bạn cho đến tình yêu, bạn muốn nó bền, đẹp thì cả hai người cùng cố gắng, cùng xây dựng một thứ gọi là văn hóa ứng xử. Trong công việc cũng vậy, để những người Việt Nam ở nước ngoài về cống hiến, song song đó, những đồng nghiệp ở Việt Nam có đồng lòng chung sức, có tạo điều kiện cho các bạn ở nước ngoài về hay không?

Cách giữ gìn tiếng Việt, “chất” Việt và văn hóa Việt của chị ngay trong gia đình?

Tôi nghĩ nhiều người Việt cũng giống tôi, văn hóa là một phần bản thể, mình giữ mình thì sẽ giữ được văn hóa bởi vì văn hóa nó nằm ở trong mình.

Hằng ngày, tôi vẫn nói chuyện bằng tiếng Việt với các con, không phải “dạy”. Tôi nghĩ, một trong những phương pháp giữ gìn tiếng Việt là đọc sách cho con nghe. Hiện nay, khả năng kết nối với Việt Nam quá dễ dàng, cứ mở mạng ra là đọc được nên việc giữ gìn tiếng Việt không còn là vấn đề nữa.

Là người đồng sáng lập nhóm Cánh Diều, chúng tôi muốn cho con cái nói tiếng Việt thông qua các hoạt động vui chơi. Nhóm hoạt động hai Chủ nhật trong một tháng, các cháu học múa, học vẽ, học võ, học đàn bằng tiếng Việt.

Nhưng công lao lớn thuộc về chính các phụ huynh nhiệt tâm, trách nhiệm, sáng tạo ra các hoạt động cho trẻ. Các “cánh Diều nhỏ” tham gia đều đặn múa hát trong các chương trình văn nghệ dịp Tết Trung thu và Nguyên đán tại Paris từ ngày thành lập đến giờ.

Chị cân đối, dung hòa thời gian thế nào để vừa có thể hoàn thành tốt công việc của một giảng viên vừa hoạt động ở Hội, lại có thể tròn vai một người vợ, người mẹ?

Bản thân tôi phải điều phối việc cơ quan, việc Hội, việc gia đình theo từng ngày, từng tuần. Sự sắp xếp thời gian phải nói là cực kỳ khoa học nếu không mình sẽ rối tung lên. Đôi khi còn là kỷ luật bản thân trong giờ giấc nữa.

Tôi nghĩ, trong công việc gì cũng vậy, cá nhân mình phải rất nghiêm túc và phải biết tính toán thời gian, nhưng đồng thời cũng phải có một người bạn đời rất thông cảm, biết chia sẻ. Tôi không phải là ngoại lệ.

Xin cảm ơn chị!

- Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương

- Nghiên cứu viên ĐH Genève & Paris Diderot; Giám đốc Education Network (Hội Chuyên gia và Khoa học Việt Nam Toàn cầu).

- Giảng dạy tại các trường ĐH: Paris Descartes, Paris Diderot, INALCO (Pháp), Giáo dục, Hoa Sen (Việt Nam).

- Tham gia nghiên cứu các dự án: Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục; Văn phòng Giáo dục quốc tế: nơi thể nghiệm phong trào quốc tế giáo dục.

- Tham gia các dự án đánh giá, thẩm định, hợp tác giáo dục và đào tạo: Cnesco, AgroParisTech, CIEP, Institut régional du Travail social… (Pháp)

- Tham gia hàng chục hội thảo, hội nghị quốc tế ngành Giáo dục học, Việt Nam học, Lịch sử GD…

- Giải thưởng: Marie Sklodowska-Curie Actions Seal of Excellence (2017), Robert Mallet Prize in History of Education (2015), Best Paper Award at 34th ISCHE (2012)…

- Tác giả cuốn sách “Trường Pháp tại Việt Nam 1945-1975: từ sứ mạng khai hóa đến ngoại giao văn hóa”.

(thực hiện)