Gặp Lê Xuân Đính ở bên lề chương trình Xuân Quê hương 2018, ông đang say sưa hát tặng các phóng viên với một làn điệu chèo mượt mà. Quê ông ở Thanh Hóa. Khi còn ở Việt Nam, ông công tác tại Văn phòng Bộ Quốc phòng. Thời còn trẻ ông cũng từng làm Phó Bí thư Đoàn nên việc say mê hoạt động hội đoàn đã thấm từ đó...
Duyên làm Chủ tịch các hội đoàn
Ông Lê Xuân Đính hiện tất bật với các hoạt động của các hội đoàn tại Đức. Ông kể ông làm trong Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội văn hóa khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Đức... Những hoạt động cộng đồng ý nghĩa này hàng ngày mang lại cho ông rất nhiều niềm vui và niềm vinh dự khi được đóng góp vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở Đức. Tại đây, không chỉ là người tổ chức, ông Lê Xuân Đính luôn mang đến cho các chương trình cộng đồng những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của mình.
Ông Lê Xuân Đính tại sự kiện Xuân Quê hương 2018 (Ảnh: H.A) |
Với vai trò khác là Chủ tịch Hội đồng hương Thanh Hóa tại Berlin và vùng phụ cận, ông Lê Xuân Đính cũng có đóng góp tích cực trong những việc làm thiết thực đưa Hội trở thành một mái nhà chung ấm áp cho hơn 120 gia đình hội viên. Bên cạnh các hoạt động từ thiện, ủng hộ các nạn nhân da cam, biên cương hải đảo, khuyến học.., Hội đồng hương cũng là nơi bà con chia sẻ buồn vui ở nơi đất khách quê người.
Ra đời từ năm 2011, chương trình Không gian văn hóa Việt mà ông Lê Xuân Đính làm Trưởng Ban Tổ chức đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cùng đông đảo bà con cộng đồng người Việt và các nghệ sĩ. Ngoài ra, các khách mời và đông đảo bà con cộng đồng tới tham dự chương trình còn được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống trong phần liên hoan ẩm thực và theo dõi gần 30 tiết mục văn nghệ đặc sắc với nhiều loại hình từ múa, hát quan họ, chầu văn, ảo thuật, thời trang áo dài... do các ca sĩ và ban nhạc biểu diễn.
Có thể nói, Không gian Văn hóa Việt là một sân chơi bổ ích và lý thú của cộng đồng người Việt tại Đức, qua đó giúp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, các hoạt động tại đây thu hút được nhiều tầng lớp, hội đoàn tham gia giao lưu, tăng cường đoàn kết, góp phần vào quan hệ đối ngoại với phía Đức.
Trăn trở với việc giáo dục con em kiều bào
Một lĩnh vực hoạt động mà ông Lê Xuân Đính dành rất nhiều tâm huyết chính là giáo dục. Từng là Giám đốc Trung tâm giáo dục đào tạo ở Trường dạy tiếng Việt Sao Mai, khi trở thành Chủ tịch Hội Văn hóa Khuyến học Việt Nam tại Đức, ông chú trọng đến việc đào tạo và dạy tiếng cho bà con cộng đồng. Không khỉ dạy tiếng Việt, Hội cũng thường xuyên tổ chức các lớp học tiếng Đức để giúp bà con hòa nhập tốt vào nước sở tại.
Ông Lê Xuân Đính chụp ảnh cùng các cháu kiều bào tại Đức. |
Ông Đính thấy tự hào vì việc các lớp dạy tiếng Việt ngày càng đông học sinh. Các cháu nói tiếng Việt ngày càng tốt hơn và tích cực học tập, tham gia các chương trình biểu diễn ca hát tiếng Việt và các điệu múa dân tộc Việt. Ông cho biết, hiện có hơn nghìn kiều bào trẻ tốt nghiệp đại học có trình độ tri thức cao ở Đức. Mong muốn của ông là sẽ tổ chức được cuộc gặp gỡ và trao đổi giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Đức với các em trong thời gian tới, bởi ông tin đây là nguồn nhân tài rất có ích cho đất nước.
Mỗi năm trở lại Việt Nam ông Đính đều cảm nhận được sự đổi thay tích cực của đất nước. Với ông, đó chính là động lực tạo nên niềm tin cho kiều bào. Ông cũng nghĩ đến ý tưởng sẽ tổ chức cho bạn trẻ kiều bào về Việt Nam vào dịp hè và có thể đưa các cô giáo sang dạy tiếng Việt cho các em.
“Hiện tại, giáo viên dạy tiếng Việt ở Đức còn rất thiếu nên việc dạy học còn gặp nhiều khó khăn. Nếu được Nhà nước quan tâm bằng hình thức gửi và đưa giáo viên Việt sang đây dạy học thì con em kiều bào sẽ học tiếng Việt chuẩn”, ông tâm sự.