📞

Giữ tiền như giữ lòng tin

13:00 | 04/09/2016
Tiền gửi Ngân hàng không cánh mà bay, vấn đề mà dư luận mong muốn được thỏa mãn là trách nhiệm của ngân hàng với các khách hàng của mình.   

Trường hợp của chị Hoàng Thị Na Hương, tiền bị chuyển một cách “bí ẩn” khỏi tài khoản 500 triệu đồng tại Ngân hàng Vietcombank ngày 4/8 chưa lắng xuống, ngày 16/8, lại có trường hợp thẻ MasterCard Debit của anh Vũ Thành Phương cũng của ngân hàng này tự động giao dịch tận Nhật Bản.

Đó chỉ là số ít các trường hợp được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Thời gian gần đây, nhiều chủ thẻ phản ánh bị mất tiền trong tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau, ít thì mấy triệu, nhiều lên đến cả chục tỷ đồng.

Mất tiền chưa biết nguyên nhân, nhưng đáng tiếc, các ngân hàng đều có ý chối bỏ trách nhiệm, thậm chí vội vàng đổ lý do cho các “thượng đế”. Trong khi quy định pháp luật còn chưa rõ ràng đối với những trường hợp này, người tiêu dùng lâm vào thế yếu. Vừa mất tiền lại vừa bị đổ cho “cái tội” từ trên trời rơi xuống, “các thượng đế” biết bấu víu vào đâu?

Còn Ngân hàng có vô tội không, khi nhận là người giữ tiền cho các “thượng đế” mà lại không làm tròn bổn phận của mình. Nào là tại khách hàng truy cập vào một website giả mạo, nào là tại khách hàng tự để lộ tài khoản giao dịch... nhưng chưa ngân hàng nào dám dũng cảm nhận lỗi do các lớp bảo vệ của mình còn sơ hở, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng, công nghệ, bảo mật kém, quản lý kém.

Theo ý kiến của các luật sư, ngân hàng không thể “phủi” trách nhiệm của mình trong các vụ việc, bằng cách thoái thác sự việc đang được cơ quan công an điều tra hay đổ lỗi cho khách hàng. Bởi khi nhận tiền gửi, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn tiền của người gửi. Việc các chứng từ chuyển tiền hay rút tiền không hợp lệ mà vẫn tiến hành thực hiện, ngân hàng phải có trách nhiệm trước tổn thất của khách hàng.

“Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng phải trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi của ai sẽ làm rõ sau đó”, đó là ý kiến của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm.

Lâu nay, ngân hàng là địa chỉ đáng tin cậy để gửi gắm niềm tin cũng như cất giữ tiền - nguồn tài sản có giá trị của nhiều người. Nhưng nay việc coi ngân hàng là địa chỉ an toàn, bất khả xâm phạm trong mắt nhiều người đã dần thay đổi.

Cách hành xử không sòng phẳng của ngân hàng cũng không phải là cách giải quyết thông minh. Nếu cứ khăng khăng là mình đúng, đẩy phần thiệt cho khách hàng, thì nguy cơ người dân quay lưng là rất cao. Nhìn thấy rõ nhất là giá cổ phiếu Vietcombank (VCB) trong những ngày tháng 8. Trước khi có kết luận về bảo mật, giới đầu tư chứng khoán đã bán ra cổ phiếu VCB ở mức giá thấp, giảm 1.500 đồng/CP, khiến vốn hóa thị trường Vietcombank “bốc hơi” gần 4.000 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch.

Trên thực tế, ngay cả cơ quan quan trọng có mức độ bảo mật hàng đầu của Chính phủ Nga hay My, vẫn có khả năng bị hacker xâm nhập, ăn cắp dữ liệu, việc có lỗ hổng bảo mật trong một số ngân hàng là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận mong muốn được thỏa mãn là trách nhiệm của ngân hàng với các khách hàng của mình.