Mỹ sẽ gửi thêm lô vũ khí trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu USD cho Ukraine. (Nguồn: AP) |
Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một gói viện trợ quân sự mới cho Kiev trị giá 300 triệu USD, bao gồm đạn pháo, tên lửa phòng không, hệ thống chống thiết giáp và nhiều loại vũ khí, khí tài khác.
Động thái trên diễn ra sau nhiều tháng Washington cảnh báo nguồn quỹ viện trợ đã cạn kiệt.
Giải thích lý do tại sao Lầu Năm Góc có sẵn tiền để viện trợ Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao chia sẻ: “Chúng tôi có khoản tiết kiệm cho phép bù đắp chi phí cho gói rút vốn mới”.
Cơ quan này có khoảng 4 tỷ USD quyền rút vốn để gửi tới quốc gia Đông Âu, bao gồm vũ khí và thiết bị được lấy trực tiếp từ kho của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc phải miễn cưỡng sử dụng nguồn tài trợ đó vì không còn tiền để bổ sung vào kho dự trữ của Mỹ.
Với khoản tiết kiệm mới - vốn là kết quả của "các cuộc đàm phán hiệu quả" và tập hợp tài trợ cho nhiều hạng mục khác nhau - Lầu Năm Góc được "rót" thêm 300 triệu USD để sử dụng làm nguồn tài trợ bổ sung, nhằm bù đắp cho khoản viện trợ gửi tới Kiev.
Tuy nhiên, quan chức nói trên khẳng định, đây không phải là giải pháp lâu dài bền vững để cung cấp vũ khí rất cần thiết cho Ukraine trong bối cảnh các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện tiếp tục từ chối đưa một dự luật cung cấp viện trợ quân sự bổ sung ra bỏ phiếu.
Cùng ngày 12/3, The Kyiv Independent dẫn thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho hay, nước này sẽ quyên góp 2,3 tỷ Kronor (337 triệu USD) để mua pháo, súng cối và đạn dược cho Kiev.
Trong thông báo, Bộ trưởng Poulsen cho biết: “Các hệ thống pháo binh và súng cối rất được Ukraine chào đón. Những khoản quyên góp thế này được thực hiện với sự hợp tác của các đồng minh và là một tín hiệu quan trọng cho thấy, chúng tôi đang hỗ trợ Ukraine”.
Ngoài ra, Copenhagen cũng sẽ thanh toán cho cho các hệ thống pháo, súng cối và đạn dược Caesar do Pháp sản xuất và được tài trợ thông qua một quỹ được thành lập cho Kiev.
Chính phủ Đan Mạch cho biết, những mẫu Caesar được tài trợ với sự hợp tác của Pháp, trong khi đạn pháo 155mm đi kèm được tài trợ chung với Estonia và Cộng hòa Czech. Tuy nhiên, thông báo không cung cấp thêm chi tiết cụ thể về các thỏa thuận chuyển tiền và gửi vũ khí cho Ukraine.
Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, Copenhagen là nhà tài trợ viện trợ quân sự lớn thứ tư cho Kiev. Quốc gia Bắc Âu đã ký thỏa thuận an ninh 10 năm với đất nước Đông Âu vào cuối tháng trước, sau các thỏa thuận tương tự của Đức, Anh và Pháp.
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ukraine liên tục kêu gọi viện trợ quân sự và vũ khí, khi các gói tài trợ của phương Tây đang có xu hướng giảm dần. Nga đang chiếm ưu thế trên tiền tuyến, mà theo Ukraine, lý do là Kiev không có đủ vũ khí để chống trả các cuộc tấn công từ Moscow.