Chuyên gia Nga đề cập đến khả năng di dân lên vũ trụ. (Ảnh minh họa) |
Ông Ionin nói: "Nhiều người nghĩ rằng việc thám hiểm Mặt trăng, Sao Hỏa là nhiệm vụ khoa học kỹ thuật thuộc chuyên ngành hẹp. Trên thực tế không phải như vậy, đây không phải là vấn đề về nền văn minh, trong đó khoa học và kỹ thuật chỉ là các phương pháp để giải quyết nó. Trái đất hiện nay đang tích tụ một loạt vấn đề về sinh thái, cạn kiệt tài nguyên. Trong tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay còn có một nhiệm vụ khác cần được giải quyết để nền văn minh tồn tại".
Theo ông Ionin, số phận nền văn minh hiện đang "ngàn cân treo sợi tóc" và bất cứ lúc nào con người cũng có thể biến mất khỏi bề mặt Trái đất như loài khủng long trước đó: "Xuất phát từ lợi ích sống còn của giống loài, chúng ta cần suy nghĩ đến giải pháp cho vấn đề này. Việc tạo ra các khu định cư trên các hành tinh khác - trên Sao Hỏa, Mặt Trăng - là một yếu tố làm giảm nguy cơ loài người diệt vong do các vấn đề mà con người gây ra, vấn đề sinh học và các vấn đề khác".
Chuyên gia nêu rõ, nhiệm vụ thám hiểm vũ trụ không chỉ đặt ra đối với riêng các cơ quan vũ trụ của các quốc gia, các nhà khoa học hay doanh nhân, mà đối với toàn thể nhân loại.
Theo viện sĩ Viện hàn lâm Vũ trụ Nga, đây là một dự án xã hội toàn cầu, cần tập trung nỗ lực của các nước trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Ông còn ví von: "Tình huống đang xảy ra hiện nay mới chỉ là tiếng chuông nhỏ, chưa phải là hồi chuông để cảnh báo ta nghĩ về tương lai".
Theo ông, loài người hiện có những công nghệ tiên tiến có thể giúp bắt đầu chinh phục các hành tinh khác.