G7 sẽ thảo luận kế hoạch cho vay đối với Ukraine. (Nguồn: Ukrinform) |
Các cuộc đàm phán nói trên sẽ diễn ra bên lề cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Brazil tập trung vào các vấn đề lớn hơn về kinh tế, khí hậu và phát triển. Cuộc đàm phán diễn ra giữa lúc Mỹ đang cần một sự chắc chắn, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu (EU), rằng các tài sản này sẽ bị đóng băng trong thời gian dài.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, cuộc họp của G7 có thể sẽ không đưa ra một thỏa thuận hay tuyên bố nào, nhưng điều quan trọng là các Bộ trưởng tài chính phải nghiên cứu kỹ lưỡng các chi tiết trong kế hoạch cho vay đối với Ukraine.
Cùng lúc đó, các đại sứ của các nước thành viên EU cũng đang thảo luận các lựa chọn để đáp ứng những lo ngại của Mỹ.
Hồi tháng 6, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về mặt nguyên tắc trong việc tận dụng số tiền thu được từ khoảng 300 tỷ USD tài sản quốc gia của Nga, bị đóng băng kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev vào năm 2022, để hỗ trợ Ukraine.
Kế hoạch này sẽ không tịch thu tài sản - tránh một tiền lệ mà EU cho rằng có thể gây mất ổn định hệ thống tài chính toàn cầu. Nhưng các chi tiết của khoản vay dường như phức tạp hơn so với dự kiến ban đầu.
Quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này muốn đảm bảo rằng các tài sản nói trên sẽ bị đóng băng trong một thời gian dài - ít nhất là cho đến khi có một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc xung đột và yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại cho Ukraine.
Điều này có phần trái ngược với chính sách trừng phạt Nga của EU, từ đó để ngỏ khả năng giải phóng các tài sản cơ bản. Chính sách này của khối 27 thành biên cần được gia hạn sáu tháng một lần.
Một tài liệu dự thảo của EU cho biết, các đại sứ của các nước thành viên khối đang thảo luận các phương án để kéo dài thời gian gia hạn các lệnh trừng phạt, cụ thể là đối với tài sản của Ngân hàng trung ương Nga, để đảm bảo cho kế hoạch cho vay nói trên.
Các phương án được đưa ra là gia hạn "vô thời hạn" hoặc gia hạn đến ba năm. Trong cả hai trường hợp đều cần sự nhất trí của các nước thành viên EU.