Tàu Sun Arrows tại cảng Prigorodnoye, Nga. (Nguồn: AP) |
Dầu Nga tìm đường quay trở lại châu Âu
Theo Tạp chí kinh tế Handelsblatt của Đức, ngành kinh doanh dầu mỏ của Ấn Độ đang hoạt động tốt hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp nước này nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga và xử lý thành nhiên liệu thành phẩm, sau đó xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).
Hãng tin Bloomberg khẳng định, Ấn Độ mua dầu thô Nga giá rẻ, sau đó tinh chế thành dầu diesel và bán sang EU với giá cao.
Xét về lĩnh vực kinh doanh dầu mỏ, quan hệ giữa Ấn Độ và Nga đã phá vỡ mọi kỷ lục trước đó giữa hai nước.
Theo số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu Vortexa, vào tháng 4/2023, trung bình mỗi ngày Ấn Độ nhập khẩu 1,7 triệu thùng dầu thô từ Nga, nhiều hơn tổng số lượng dầu nhập khẩu từ Saudi Arabia và Iraq - các nhà cung cấp dầu mỏ chính cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới trước đây.
Sau khi xử lý tại các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ, các loại nhiên liệu thành phẩm thu được từ dầu thô của Nga sẽ được xuất sang châu Âu, bất chấp lệnh cấm vận của EU với dầu mỏ Moscow.
Số liệu từ Kepler cũng cho thấy, trong tháng 4/2023, Ấn Độ xuất khẩu lượng các sản phẩm dầu khoáng sang châu Âu lớn hơn bao giờ hết, bình quân 365.000 thùng/ngày. Con số này đưa Ấn Độ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu dầu mỏ tinh chế hàng đầu cho châu Âu. Năm ngoái, danh hiệu này thuộc về Nga.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, trong các loại dầu thành phẩm Ấn Độ cung cấp cho châu Âu, có nhiều sản phẩm nguồn gốc từ dầu thô của Nga.
Chuyên gia phân tích dầu mỏ Viktor Katona từ nhà phân tích số liệu Kepler khẳng định: "Bất chấp mọi lệnh trừng phạt, dầu mỏ của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu, trong đó Ấn Độ đóng vai trò là một con đường chính".
Lệnh trừng phạt từ EU đang bị phá vỡ
Lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga được vận chuyển bằng các tàu chở dầu đã có hiệu lực từ tháng 12/2022. Từ tháng 2/2023, lệnh cấm tương tự các sản phẩm dầu của Nga như dầu diesel và xăng cũng có hiệu lực.
Các nước châu Âu cấm các đơn vị vận chuyển, bên cho vay và công ty bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu thô của Nga cho các khách hàng khác, trừ khi dầu được bán dưới mức "giá trần" 60 USD/thùng do phương Tây đặt ra. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp mà châu Âu đưa ra để siết nguồn thu từ năng lượng Nga.
Nhưng theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan, lệnh cấm vận này đang bị phá vỡ với sự giúp đỡ của các nước thứ ba như Ấn Độ.
Theo một báo cáo mới được CREA công bố vài tuần trước, các nước phương Tây ban hành lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ Nga, bao gồm cả EU, đã ồ ạt tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu từ những quốc gia thứ ba - những nước giờ đây trở thành nhà nhập khẩu dầu thô chính của Nga.
Trung tâm CREA cho rằng, ngoài Ấn Độ, còn có Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Singapore. Những nước này đang biến dầu mỏ bị cấm vận của Nga trở thành dầu "sạch" (không bị cấm vận).
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung tâm phân phối khí đốt Nga, cho phép Nga chuyển tiếp khí đốt từ các đường ống dẫn khí Nord Stream đến khu vực Biển Đen.
Hệ thống TurkStream còn có thể mở rộng thêm hai đường ống với tổng khả năng vận chuyển 31 tỷ mét khối khí đến các khách hàng châu Âu, với kinh phí vào khoảng 10 tỷ USD. Blue Stream - đường ống xuyên Biển Đen khác cũng có khả năng vận chuyển 16 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía Nga, gần đây khi được hỏi về lệnh cấm vận phương Tây nhằm vào dầu mỏ nước này, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin nói: "Hầu hết các thị trường vẫn mở cửa (với dầu mỏ Nga). Ngành công nghiệp này của chúng tôi khá hiệu quả".
Chỉ trong vòng 1 năm sau khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bùng phát, giá trị các sản phẩm dầu mỏ mà những quốc gia này đã xuất khẩu tới các nước phương Tây tăng tổng cộng gần 19 tỷ Euro (21,3 tỷ USD). Theo CREA, các giao dịch hoàn toàn hợp pháp vì sản phẩm dầu mỏ giờ đây không còn được coi là có nguồn gốc từ Nga nữa.
EU sắp "ra tay"
Hãng tin Bloomberg tiết lộ, EU đang thảo luận về một cơ chế trừng phạt mới. Cụ thể, các lệnh trừng phạt nhằm ngăn chặn các quốc gia hiện đang giúp đỡ Nga đối phó với các lệnh cấm vận và cắt đứt các kênh thương mại mà Moscow có thể sử dụng. Các biện pháp có thể sẽ tập trung vào các quốc gia ở Trung Á và các nước láng giềng của Nga.
"Nếu cơ chế này không hiệu quả, bước tiếp theo sẽ là hạn chế có mục tiêu đối với các mặt hàng chủ chốt", hãng này đưa tin.
Trước đó Ủy viên EU phụ trách ổn định tài chính, dịch vụ tài chính và liên minh thị trường vốn, bà Mairead McGuinness cho biết, khối 27 thành viên đang lên kế hoạch triển khai gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga.
Gói trừng phạt thứ 11 chủ yếu tập trung khắc phục các kẽ hở trong các biện pháp áp đặt mà Moscow sử dụng để trốn tránh các hạn chế, đặc biệt là nhập khẩu hàng hóa bị cấm thông qua các nước thứ ba.
Trong gói trừng phạt mới, EU có kế hoạch mở rộng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu hiện có và cấm nhiều hàng hóa quá cảnh qua Nga.