📞

'Gỡ rối' thị trường xăng dầu thế nào?

Linh Chi 13:29 | 16/11/2022
Hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngưng kinh doanh, bán hàng cầm chừng... đang là những vấn đề “nóng” trên thị trường.
Tình trạng 'rối' ở thị trường xăng dầu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. (Nguồn: Thanh Niên)

Chia sẻ với phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình thế giới biến động khó lường, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung khan hiếm, từ đó, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, định mức lợi nhuận của các công ty xăng dầu.

Bên cạnh đó, cơ chế điều hành giá của cơ quan chức năng cũng dường như chưa thực sự bắt kịp "bước đi" của thị trường.

Còn theo Bộ Công Thương, trước những biến động bất thường của thị trường thế giới, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 20-30% lượng xăng dầu thành phẩm và nhập nguyên liệu dầu thô phục vụ hoạt động sản xuất tại các nhà máy lọc dầu. Các vấn đề của thị trường thế giới đã ảnh hưởng tới biến động của thị trường xăng dầu trong nước.

Mặt khác, nhu cầu xăng dầu trong nước tăng khá cao so với dự kiến do sự phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, trong khi nguồn cung chưa tăng tương ứng.

Trước tình trạng đó, các bộ, ban, ngành đã vào cuộc xử lý.

Mới đây, ngày 11/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, trước những diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu trong nước, những ngày qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp.

Thứ nhất, giao các nhà máy lọc dầu trong nước tăng sản lượng sản xuất; các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu tăng mức nhập khẩu và sẵn sàng cung ứng xăng dầu cho các địa bàn cần tăng cường (kể cả cho đơn vị ngoài hệ thống).

Thứ hai, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (liên Bộ đã áp dụng từ chiều 11/11) và giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, cập nhật chi phí định mức, chi phí phát sinh thực tế để phản ánh vào công thức tính giá cơ sở trong các kỳ điều hành tới.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét để có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn kinh doanh cho từng trường hợp cụ thể.

Thứ tư, Chính phủ giao các bộ, ngành phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, nhất là hành vi đầu cơ, trục lợi hoặc găm hàng chờ tăng giá.

Thứ năm, Chính phủ giao cho các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển, lưu thông mặt hàng xăng dầu trên phạm vi cả nước (kể cả trong giờ cao điểm).

Tuy nhiên, tình trạng "rối" tại thị trường xăng dầu vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Vậy, cần làm gì để thị trường xăng dầu ổn định trở lại?

Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, trước mắt, liên bộ Tài chính-Công Thương cần rà soát, cập nhật, phản ánh ngay định mức chi phí, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để giúp nhà kinh doanh vượt qua khó khăn.

Nếu không giải quyết ngay và thấu đáo, nguồn cung sẽ tiếp tục bất ổn dẫn đến nhiều hệ lụy bao gồm cả mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh năng lượng.

Nhìn ra thế giới, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định, trong điều kiện kinh tế bình thường, các quốc gia đều tránh can thiệp vào sự tự do của thị trường và quyền tự chủ kinh doanh. Điều này chỉ xảy ra khi có bất ổn, xung đột, gây ra các cú sốc hoặc khủng hoảng kinh tế...

Hiện tại, các nước ở châu Âu như Đức, Pháp… đang đưa ra các gói hỗ trợ, tài trợ để giúp kìm giá năng lượng và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Mỗi quốc gia đều phải cân đối các mục tiêu từ vĩ mô, lạm phát, an ninh năng lượng cho đến đảm bảo cuộc sống của người dân, sự phát triển của doanh nghiệp. Những giải pháp hỗ trợ của các chính phủ tương đối linh hoạt, thông qua chính sách thuế, chính sách trợ giá…

Phó Viện trưởng VEPR nhận thấy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các quốc gia này và tin vào khả năng tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn ai hết, chính từng doanh nghiệp qua cạnh tranh lành mạnh sẽ tối ưu hóa cung-cầu, tự xây dựng và vận hành chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí, giảm thiểu các rủi ro, qua đó bình ổn thị trường.

TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh: “Nhà nước có thể điều hành xăng dầu theo hướng linh hoạt hơn, chẳng hạn như nới biên độ giá, điều chỉnh giá xăng dầu từ ba ngày một lần, thay vì một tháng ba lần như hiện nay…”.