TIN LIÊN QUAN | |
Quyền sở hữu thời công nghệ số | |
Tiêu chí trở thành người lao động 4.0 |
Diễn ra trong hai ngày 27 và 28/11, VIF17 do Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, tập trung trao đổi những nội dung xung quanh việc sử dụng internet như một phương thức cung cấp thông tin, thúc đẩy sự phát triển và mở ra những cơ hội nhiều tiềm năng cho toàn xã hội.
Với chủ đề "Công nghệ số cho những điều tốt đẹp", sự kiện năm nay xoay quanh các vấn đề chính như “Chính phủ điện tử”, “Dữ liệu mở”, “Thành phố thông minh” hay “Truyền thông Mạng xã hội”...
Cần biết cách chọn lọc thông tin trên internet
VIF17 được kỳ vọng trở thành sự kiện thường niên, để các thành viên chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, đại diện cộng đồng, giới học giả, lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân xã hội, nhà đầu tư và các bên liên quan thảo luận về những tiềm lực của internet trong việc đóng góp và phát triển cộng đồng tạo ra một xã hội cởi mở, bền vững và sáng tạo.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: T.T) |
Tại phiên khai mạc ngày 27/11, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg nhấn mạnh, ngày nay công nghệ internet đã và đang phát triển vượt bậc theo cách mà trước đây chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới, trở thành phương tiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam, Thụy Điển cũng như toàn thế giới.
Không thể phủ nhận rằng những tác động tích cực này đã kiến tạo nên hàng loạt những đổi mới trong kinh doanh, tạo ra các phương thức kinh tế mới, mở thêm cơ hội để mỗi người dân có thể liên tục cập nhật và nắm bắt nhiều vấn đề, cũng như giúp các cơ quan công quyền có thể cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao hơn.
Tuy nhiên, ông Pereric Hogberg cho rằng, việc chọn lọc thông tin trên internet rất quan trọng. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần phải tỉnh táo, có sự kiểm chứng giữa những luồng thông tin khác nhau và người dùng phải có trách nhiệm khi chia sẻ thông tin trên internet, đặc biệt là mạng xã hội.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, Việt Nam hiện có khoảng trên 50 triệu người dùng internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới, nằm trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, bên cạnh những lợi ích, thay đổi to lớn, mạnh mẽ, thế giới cần quan tâm và lưu ý hơn về mặt trái, những thách thức bao gồm, an ninh thông tin, thông tin độc hại...
Hướng tới hệ sinh thái internet văn minh và an toàn
Chia sẻ với báo chí tại sự kiện, Tổng Thư ký Hiệp hội internet Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh, VIF 2017 là cơ hội tốt để có được những góc nhìn đa chiều về “cuộc sống trên internet” trong một cộng đồng cởi mở, từ đó có thể hướng tới thiết lập một hệ sinh thái internet văn minh, minh bạch, đa dạng và an toàn. Ông cho rằng cách tiếp cận thú vị từ những nước phát triển như Thụy Điển và các bài học, kinh nghiệm từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) sẽ giúp Việt Nam phần nào giải quyết vấn đề này.
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam Akiko Fujii nêu bật tác động tích cực của doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ và kỹ thuật số, trong việc đảm bảo quyền cho người dân.
Phát biểu công bố Quy tắc hướng dẫn về doanh nghiệp và nhân quyền tại VIF17, bà Fujii nói: “Các công ty công nghệ và kỹ thuật số đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tự do bày tỏ ý kiến, tạo điều kiện cho việc trao đổi ý kiến trên mạng đồng thời thúc đẩy bình đẳng và tiếp cận trong xã hội. Thông qua những sáng kiến đổi mới, người nghèo và người dễ bị tổn thương được hưởng lợi từ những tiến bộ đột phá về khoa học và công nghệ”.
Các diễn giả trao đổi tại phiên khai mạc. (Ảnh: T.T) |
Với Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam Michael Croft, công nghệ thông tin truyền thông và internet có khả năng biến đổi các nền kinh tế và xã hội. "Với cách tiếp cận đa phương, VIF17 tạo nên sức mạnh tổng hợp khai thác công nghệ thông tin truyền thông vì sự phát triển bao trùm, sáng tạo và bền vững”, ông nói.
Được biết, mở rộng quyền truy cập vào internet vẫn luôn được đề cao như một phần không thể thiếu, góp phần thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Vì vậy, diễn đàn lần này dù là bước khởi đầu nhưng sẽ giúp Việt Nam định hướng và xây dựng các chuẩn mực linh hoạt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay.
Trong khuôn khổ các hoạt động của VIF2017, Ban Tổ chức còn vinh danh một cá nhân hoặc doanh nghiệp của Việt Nam cho những cống hiến của mình cho đổi mới xã hội thời đại kỹ thuật số thông qua Cuộc thi #InnovationForGood (Sáng tạo vì mục tiêu phát triển).
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Thụy Điển đồng hành cùng Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (Save The Children) cho ra mắt cuốn cẩm nang NetSmart (Sử dụng Internet Thông minh). Đây là cuốn sổ tay dành cho các bậc phụ huynh về nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ xâm hại tình dục trên môi trường mạng.
Anh thành lập trung tâm phòng chống tội phạm mạng Thời đại công nghệ số và truyền thông mạng bùng nổ cũng là lúc các nhóm tội phạm mạng hình thành và phát triển thành ... |
Hãy là một phụ huynh "low-tech” Trong kỷ nguyên công nghệ số, không ai có thể phủ nhận rằng mọi công việc đều trở nên nhanh, gọn và tiện lợi hơn, ... |
ASEAN: Con đường hướng tới nền kinh tế số hóa Công nghệ số là một trong những ưu tiên hàng đầu của ASEAN để Hiệp hội trở thành một trong 5 nền kinh tế số ... |