Hiền Trang là một cây bút trẻ, đầy nhiệt huyết và đam mê. Cô luôn mang đến cho độc giả những lối viết mới lạ và độc đáo. Tác phẩm Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi dày 231 trang, do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành là tập hợp những bài cảm nhận về những cuốn sách mà cô đã đọc trong thời gian rảnh rỗi. Những cuốn sách đó đã trang bị cho cô những hành trang, kiến thức lý thú để sống ở đời, đồng thời mang đến cho cô nhiều bài học không thể nào quên. Mỗi cuốn sách có những vẻ đẹp riêng và giá trị riêng, với từng cuốn sách tác giả khai thác những giá trị cốt lõi nhất và tự rút ra bài học cho chính mình. 20 cuốn sách là 20 lời tâm sự, lời giãi bày chân thật của một trái tim trẻ khát khao sống, dám mơ ước và tự tin với những lựa chọn của mình.
Tuổi trẻ là độ tuổi đẹp nhất đời người, độ tuổi mang nhiều hoài bão khát khao, nhiều ước vọng cho tương lai. Thế nhưng sẽ có những lúc chúng ta mải miết chạy theo guồng quay tất bật của cuộc sống mà đánh rơi tuổi trẻ, đánh rơi ước mơ còn dang dở chưa thành hiện thực.
Chúng ta – mỗi thực thể bé nhỏ trong vũ trụ này luôn có khát khao khẳng định mình bằng tài năng và trí tuệ nhưng nhiều khi do những rào cản của xã hội, do áp lực từ phía gia đình, do định kiến từ đám đông, mà chúng ta không dám bộc lộ chính kiến suy nghĩ từ sâu thẳm bên trong trái tim mình. Điều đó thật đáng lo ngại!
Có những người đánh rơi tuổi trẻ trên những cung đường đầy gập ghềnh khúc khủyu của cuộc đời, có những người ném tuổi trẻ của mình vào ngọn lửa của sự hủy diệt muốn quên lãng nó, muốn cho nó lụi tàn, nhưng cũng có những người hướng tuổi trẻ của mình vào những trang sách nổi tiếng để có thể tự giãi bày cảm xúc của mình, tự vun vén cho mình những ước mơ xúc cảm, và đặc biệt bộc lộ cá tính của mình.
Hiền Trang là một bạn trẻ, nhiều hoài bão và đầy ước mơ, bạn trẻ ấy có những suy nghĩ rất riêng, rất trưởng thành nhưng so với lứa tuổi của mình thì bạn không dám phô bày những suy nghĩ đó mà bạn lặng lẽ đưa vào trong những trang sách. Qua từng tác phẩm văn học, tác giả cố gắng khai thác những khía cạnh rất đời trong cuộc sống con người.
Đọc Tuổi trẻ lạc lối và những cuốn sách của tôi chúng ta sẽ nhận ra những điều đó. Cuốn sách gây ấn tượng với người đọc bằng giọng văn trong trẻo, thanh khiết của độ tuổi 20 những chứa đựng những suy nghĩ rất trưởng thành, rất đời, có những băn khoăn, lo lắng không thể gọi thành tên tác giả mượn tâm trạng nhân vật, suy nghĩ của nhân vật để nói hộ lòng mình. Qua mỗi trang sách, tác giả mang đến cho người đọc những bài học, những bài viết thấm đẫm chất thơ, tình người và tình đời tha thiết. Mỗi chúng ta hãy dành chút ít thời gian, hãy bỏ chút công sức để cùng khám phá một tuổi trẻ sôi nổi, bồng bột đầy phiêu lưu và kịch tính qua từng phẩm văn học kinh điển để có thể chiêm nghiệm và thấu hiểu, bao dung và hòa đồng hơn với mọi người nhé.
Cuốn sách mở màn cho tác phẩm là cuốn Hoàng Tử Bé, đây là cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Antoine de Saint – Exupery một tác giả nổi tiếng, một phi công từng trải, nhưng đã mất tích trong một vụ tai nạn máy bay kì lạ, đến nay người ta vẫn chưa tìm thấy được di hài của ông. Cuốn sách là tiếng nói đầy lạc quan và tưởng chừng như ngây ngô của tác giả với mọi người. Một hoàng tử lạc đến một hành tinh lạ, cậu ta luôn bảo vệ bông hồng trong lồng kính và sợ nó mất đi không thương tiếc. Thế giới của cậu bé trong trẻo vô ngần, nhưng có những lúc cậu phải va chạm với những người lớn xấu xí và kì cục, không thể chung sống và dung hòa.
Hoàng tử bé khiến cho chúng ta được trở về tuổi thơ được trang bị một cách nhìn giản đơn về cuộc đời nhưng sâu sắc và đầy ý nghĩa. Cuốn sách cho phép chúng ta được trẻ lại được giải tỏa những căng thẳng buồn bực trong thực tại đầy phiền não để có thể sống đời sống cân bằng qua những trang sách bởi: “Hoàng tử bé không phải là cuốn sách để người ta có thể vào xâu xé bằng những lời ca tụng hay những lời chỉ trích. Nó chí là một cuốn sách chỉ để giữ trong giá tủ, vào một buổi tối sau khi đã thảm thương tám tiếng, ở thế giời bên ngoài, tình cờ tìm thấy, đọc từng câu chậm rãi, thi thoảng để dừng lại ngước nhìn lên những vì sao phía bên kía của sổ”. Mỗi chúng ta dều có những giấc mộng ngây ngô tuổi dại, nhưng chúng ta kín đáo giấu giếm nó đi không muốn cho ai biết, sợ bị họ chê cười, chỉ trích, bằng lăng kính rất tinh tế, rất đời, rất tinh anh Antoine de Saint – Exupery đã bộc lộ khẳng định con người mình, những khát vọng tự do trong cuốn sách của mình. Đây là tác phẩm dành cho những con người muốn lãngxquên thế giới trong phút chốc để được trở về thời thơ dại của mình.
Nguyễn Nhật Ánh là một cây bút được nhiều bạn trẻ đón nhận và ngưỡng mộ, bởi dưới sức mạnh của cây bút, tác giả đã lôi cuốn, hấp dẫn người đọc buộc họ trở về với thời thơ dại, thời áo trắng hồn nhiên trong trẻo đầy thi vị. Đọc truyện của Ánh người ta không nỡ dứt bỏ từng trang sách một, không nỡ buông lơi từng con chữ bởi giọng văn quá non trẻ như pha lê, như những giọt nước từ suối nguồn trong vắt khiến ai cũng bị mê hoặc. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là tấm vé khứ hồi mà tác giả tạo nên để mỗi người có cơ hội được trở mình về một thế giới mà đã có lúc mình vô tình quên lãng. Trở về với ước mơ của mình để được sống hết mình, được bùng cháy một cách cuồng nhiệt không bị định kiến và ánh mắt xem thường, nghi kị của người đời. Ước mơ to to ấy được gọi gọn trong câu nói thật hồn nhiên thật vô tư: “Thằng thứ nhất: Này hồi bé ước mơ của mày là gì? Thằng thứ hai: Tao á? Tao ước mơ lớn lên làm tổng thông Mỹ, to nhất thế giới luôn. Thằng thứ nhất: Công nhận to thật đấy, mày ước mơ to thật. Thằng thứ hai: Thế mày thì sao? Hồi bé mơ ước là gì? Thàng thứ nhất: Hồi bé tao chỉ có mỗi một ước mơ đấy là nhà tao bán hàng kem”.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là cuốn sách chúng ta có cơ hội soi chiếu bản thân mình để nhận ra nhiều điều tốt đẹp chúng ta đã bị lãng quên bỏ dở. Là cuốn sách cho chúng ta được phép mộng mơ về những điều tưởng như xa xăm sau những điều ngột ngạt, bức bí của cuộc sống: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ/ Vé hạng trung/ Người bán vé hững hờ/ Khe khẽ đáp: / Hôm nay hết vé!-/ Biết làm sao!/ Vé hết, biết làm sao!/ Đường tới Tuổi Thơ/ còn biết hỏi nơi nào?”
Trên hành trình trưởng thành của mỗi chúng ta cô đơn là điều không thể tránh khỏi, bởi có cô đơn, có mệt mỏi có lao lực vì công việc thì chúng ta mới có những bước tiến mới trong sự nghiệp. Những người chúng ta gặp qua, yêu mến , hờn giận, thù ghét đều là duyên của chúng ta từ trước những người đó luôn để lại cho chúng ta những kí ức, những ấn tượng những trải nghiệm không bao giờ quên, để chúng ta được lớn lên, phát triển như hôm nay, bằng sự khéo léo, tinh tế, tác giả đã khơi gợi sự cô đơn, buồn bã trên hành trình tri ngộ và trưởng thành của con người qua tác phẩm Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào của Ichikawa Takuji, dù chúng ta có nỗ lực, cố gắng kết nối mọi người thì chúng ta không thể giành lấy một phần ổn định trong trái tim của họ bởi mỗi người cơ bản có một số phận khác nhau và những mục tiêu sống khác nhau, mỗi bản thân chúng ta cũng vậy có những ước mơ và những mục tiêu chỉ chính ta mới có thể làm được chứ không thể dựa dẫm vào người khác. Vì thế khi viết về tác phẩm này, Hiền Trang xác định: “Ba nhân vật trong truyện của Ichikawa Takuji đã gắn kết với nhau từ sự cô đơn. Tớ và cậu cũng vậy. Có điều , mãi sau tớ mới biết, người ta đến bên nhau vì cô đơn quá mà cần có nhau, song người ta rời xa nhau lại vì có nhau nhiều quá mà cần cô đơn. Gía như tớ hiểu Citizen Kane sớm hơn một chút thì hay biết mấy”.
Thật sự khi gặp lại những người bạn cũ chúng ta thường có xu hướng lãng tránh, không muốn nhìn lại vì thế mà mỗi người đều có cho mình những khoảng trống vắng, những khoảng cô đơn không thể nói nên lời. Vì thế hãy đón nhận sự cô đơn như người bạn, như là một cách chúng ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn giữa cuộc đời đầy giông bão, nhiều cạm bẫy và khắc nghiệt này.
Đến với những cuốn sách của Patrick Modiano, chủ nhân của giải Nobel văn học năm 2012, người thừa kế đích đáng những nỗi u uẩn và mộng mơ của người Pháp đã cho chúng ta thấy thực sự những khoảng trống, những vết trượt dài, những nỗi u hoài vương vẫn sầu bi của tuổi trẻ. Người ta thường có xu hướng tìm kiếm những ảo ảnh, những hoài vọng đẹp đẽ trong quá khứ, lấy đó làm động lực để bước tiếp mà không để ý rằng chính những điều đó sẽ cản trở con đường thành công của mỗi người chúng ta. “Phố của những cửa hiệu u tối là một chuyến ngược dòng đi tìm ký ức của một vị thám tử tư, Guy Roland, mất trí nhớ. Đi xuôi những con phố Paris, những dọc đường nước Pháp, gặp gỡ rất nhiều loại người , anh mải miết triệu hồi quá khứ đã thất lạc trong những nẻo đường u tối, hay đúng hơn, đi tìm một cái gì đó lý giải mà minh chứng cho hiện hữu của anh”. Với Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối tác giả cho rằng: Quãng đời 20 tuổi là quãng đời người ta luyến quyến nhất với quá khứ. Khong phải là 30 tuổi hay 70 tuổi mà là 20 tuổi. Chỉ có tuổi 20 mới đủ bải hoải và ngây thơ, chỉ có tuổi 20 mới đủ thời gian và vô dụng, chỉ có tuổi 20 mới đủ buồn bã và bất mãn, chỉ có tuổi 20 mới muốn nhốt mình trong tòa tòa ốc hư vô của quá khứ phù mộng. Sau tuổi 20, người ta sẽ chán ngán với u ảnh quá khứ và vứt chúng vào cái sọt rác mang tên “bồng bột tuổi trẻ”.
Tuổi trẻ có thể lạc lối, có thể chán chường, có thể nông nổi những hiếm khi đánh mất mình, bởi tất cả chỉ là thử thách chỉ là một quãng thời gian trôi qua khiến cho con người thêm mạnh mẽ và cảm nhận được hạnh phúc có trong tay mình, biết trân quý những điều mình đang có ở hiện tại, biết an lòng với những gì mình đang có. Vì thế hãy sống một tuổi trẻ sôi nổi cuồng nhiệt để mỗi chúng ta khi ngoảnh nhìn lại quá khứ có thể tự hào, có thể đem những điều chúng ta thực hiên ở tuổi trẻ khẳng định với mọi người.
Hóa thân và Vụ án là những câu chuyện của Frank Kafka kể về những con người lụi tàn trong xã hội, họ phải sống chui lủi, vô định, mất tự do mà không biết mình phạm tội gì để bị bắt. Nhân vật Samma một nhân viên giao hàng cần mẫn, một buổi sáng tỉnh dậy phát hiện mình bị biến thành một con bọ, bị mọi người xa lánh, ghẻ lạnh và khinh thường, họ tránh xa anh tìm mọi cách để tống cổ anh ra khỏi gia đình. Đây là một câu chuyện nói về sự lãnh đạm, lạnh lẽo của tình người trong xã hội tư bản. Vụ án là một câu chuyện phi lý kể về Joseph K không biết làm gì mà bị bắt vào trại giam một cách vô lý. Câu chuyện khiến người đọc xót xa về những điều bất hạnh ập đến bất ngờ với con người khiến mỗi chúng ta chưa kịp nhận diện được sự việc diễn ra và không chống lại được với những điều bất công ở trên cuộc đời này.
Hóa thân và Vụ án làm người đọc hoang mang tột độ, bởi những bất hạnh có thể liên tiếp xảy ra nếu con người không chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nó. Cuốn sách lồng ghép những cảm xúc nghẹn ngào của tác giả Hiền Trang khi trải nghiệm hai tác phẩm này, bởi lo lắng, bất an là điều thường trực hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi chúng ta không chỉ chống chọi với sự đơn độc mà còn chống chọi với những nguy biến, hiểm họa khôn lường từ cuộc đời nhiều cạm bẫy này mà không hiểu lý do vì sao chính mỗi chúng ta buộc phải đối mặt với chúng. Tác giả viết: “Điều đau khổ nhất đó là, dẫu cô đơn đến đâu, sự tồn tại của chúng ta vẫn là tổng hòa của các mối quan hệ. Và đó là nguồn gốc của mọi nỗi đau, nỗi đau không được thấu hiểu, nỗi đau bị ruồng bỏ, nỗi đau bị xa lánh”.
Ai cũng từng có một giấc mơ, và từng thề hẹn rằng mình sẽ đeo đuổi giấc mơ đó đến cuối cùng, nhưng không phải ai cũng thực hiện được, vì khi lớn lên chúng ta phải đối mặt với biết bao cám dỗ, biết bao ràng buộc nên khiến chúng ta bỏ quên đi những giấc mơ từ thuở bé. Để khơi dậy giấc mơ mãnh liệt, bùng cháy trong mỗi người, Hiền Trang đã đưa tác phẩm Nhà giả kim vào câu chuyện của mình. Đây là cuốn sách bán chạy nhất thế giới chỉ sau Kinh thánh, cuốn sách kể về một cậu bé chăn cừu đã đi ngược lại với mơ ước của bố mẹ là muốn cậu trở thành linh mục. Cậu đi theo tiếng gọi của trái , cậu trở thành cậu bé chăn cừu, được đi nhiều nơi và được sống một cuộc đời tự do, tự tại. Vậy khi đọc đến đây tôi tự hỏi, mỗi chúng ta liệu có can đảm và dũng cảm thậm chí có một chút gì đó bồng bột như cậu bé chăn cừu, buông bỏ hết những con đường thuận lợi để thực hiện giấc mơ của mình. Đây là một câu chuyện hư cấu và cũng là lời nhắc nhở cho mọi người biết về những điều mình đã bỏ lỡ trong cuộc sống này.
Những trang sách của Paulo Coelho đánh thức trong người trẻ những miền ký ức những giấc mộng bị lãng quên lâu ngày: “Vũ trụ chẳng hạn, nó đã sống 14 tỉ năm và sẽ sống nhiều lần 14 tỉ năm nữa, nhưng nó sẽ không bao giờ có một tuổi trẻ để mà buồn bã, để mà thất bại, để là khóc lóc cho những chuyện không đâu, để mà yêu một thân tượng ở xa lơ xa lắc, để mà vỡ mộng vì cuộc đời, để mà điên cuồng nổi loạn, để mà mệt nhoài và kiệt sức, để mà yêu ai đó một cách chân thành và ngây thơ hay mơ những giấc mơ ngây ngốc”.
Khép lại những câu chuyện từ những trang sách, từ những nỗi lòng gửi gắm qua từng con chữ, mỗi cuốn sách đều có giá trị riêng của nó đều gắn liền với những mảnh cảm xúc, những trải nghiệm bồng bột của tuổi trẻ mà tác giả từng trải qua. Đây không phải là cuốn sách review những cuốn sách khác mà đây là những lời chiệm nghiệm, những lời khuyên chân thành của tác giả dành tặng cho những ai yêu sách, yêu đời muốn hiểu hơn về cuộc sống, về tuổi trẻ về những điều bí ẩn của vũ trụ.