1.900 tỷ USD là một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử nước Mỹ. Giới truyền thông bình luận, đây là chiến thắng lớn đầu tiên của ông Joe Biden tại Quốc hội Mỹ trong 50 ngày đầu làm tổng thống. Còn giới phân tích kỳ vọng, gói cứu trợ sẽ kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế.
Gói kích thích kinh tế Mỹ - ‘Canh bạc’ 1.900 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Người tin, kẻ ngờ
Ngày Tổng thống Biden đặt bút ký ban hành gói cứu trợ, những người ủng hộ đảng Dân chủ hồ hởi cho “đây là một ngày lịch sử, ngày khởi đầu cho sự kết thúc của cuộc đại suy thoái do Covid-19”. Nhưng không hiếm nhà kinh tế đã bày tỏ lo ngại nền kinh tế Mỹ có thể “bị sốc” vì gói kích thích kinh tế quá lớn. Đã không có Thượng nghị sỹ Cộng hòa nào ủng hộ gói cứu trợ, bởi theo họ nền kinh tế đang trên đà hồi phục một cách tự nhiên, vấn đề hàng triệu người mất việc hay gần 550.000 người chết do Covid-19 đã dần được giải quyết, không cần đến một khoản lãng phí và quá tốn kém như thế.
Tờ Foreign Policy mới đây nhận định, gói kích thích kinh tế báo hiệu bình minh của kỷ nguyên kinh tế mới ở Mỹ. Theo đó, sự phục hồi nhanh chóng mà chính quyền Tổng thống Biden dường như quyết tâm thực hiện sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Do vậy, Mỹ sẽ không chỉ làm gương, mà sẽ hỗ trợ vật chất cho sự phục hồi của phần còn lại của thế giới vào năm 2021.
Ngoài ra, trong vòng một năm phải ở nhà do những đợt giãn cách xã hội và không thể chi tiêu như bình thường, người tiêu dùng Mỹ đã tiết kiệm được thêm 1.600 tỷ USD và đang sẵn sàng “mở hầu bao” một khi nền kinh tế thực sự mở cửa trở lại.
Các gói kích thích kép được chính quyền ông Biden lên kế hoạch vào năm nay là một nỗ lực mạnh mẽ và được xây dựng tốt, với kỳ vọng phá vỡ “chu kỳ tuyệt vọng” trong chiến thắng của các Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ và thất bại trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Việc lặp lại các năm 1994 và 2010 sẽ là một thảm họa, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bầu cử vừa làm rung chuyển nền dân chủ Mỹ, rủi ro sẽ không thể cao hơn.
Điều này còn có nghĩa là gói kích thích được thiết kế để cố tình tạo ra một nền kinh tế áp lực cao, trong đó rủi ro lạm phát được cảnh báo là “vấn đề rất nguy hiểm”. Trên thị trường những xáo trộn cơ bản đã bắt đầu. Có thể nói rằng, cho đến nay, chính quyền Mỹ và hệ thống dự trữ liên bang nên được chúc mừng vì đã giữ vững tinh thần, chấp nhận “rủi ro khi làm quá ít sẽ lớn hơn khi làm quá nhiều”.
Trong khi The Economist nhận định, không rụt rè như trong suốt một thập niên sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, lần này, các nhà hoạch định chính sách của nền kinh tế số 1 thế giới đã sự phản ứng quyết liệt hơn nhiều, bắt đầu nhờ chính sách tài khóa siêu nới lỏng. Gói kích cầu 1.900 tỷ USD chính là “liều thuốc bổ” mới nhất mà Washington “tiếp” cho nền kinh tế.
Còn với đối thủ hàng đầu - Trung Quốc, kế hoạch cứu trợ của ông Biden bị cho là một “cơn lũ dữ hay một tai họa ghê gớm", cảnh báo sẽ đặt ra thách thức to lớn đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Bắc Kinh. Nhưng nhiều tổ chức tài chính lại tin, với 1.900 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 có thể lần đầu tiên kể từ năm 1976, vượt Trung Quốc.
| Gói kích thích kinh tế Mỹ: Nhận cả cục tiền cứu trợ, dân Mỹ thích đổ vào cổ phiếu và bitcoin hơn chi tiêu TGVN. Cuối tuần này, gói "Giải cứu nước Mỹ" sẽ đến tay người dân. Có quá nhiều tiền một lúc được bơm vào thị trường ... |
Cuộc thử nghiệm công thức mới
Thực ra, nước Mỹ đang sử dụng một công thức kết hợp giữa ba yếu tố, gồm kích cầu ở quy mô chưa từng có tiền lệ, quan điểm cởi mở hơn của Fed về áp lực lạm phát gia tăng tạm thời; và lượng tiền tiết kiệm khổng lồ mà người tiêu dùng sẵn sàng mở ví chi tiêu.
Cuộc thử nghiệm công thức này là điều mà nước Mỹ chưa từng làm kể từ sau Thế chiến II. Với vai trò trụ cột trong hệ thống tài chính toàn cầu, triển vọng chính sách tiền tệ của nước Mỹ có tầm ảnh hưởng lan tỏa trên phạm vi rộng khắp.
Bởi vậy, lợi ích mang lại là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng đi cùng với đó là nguy cơ kinh tế Mỹ - và cả kinh tế toàn cầu - có thể rơi vào tình trạng tăng trưởng quá nóng. Đây cũng chính là vấn đề khiến giới đầu tư ở Phố Wall và thị trường tài chính toàn cầu lo lắng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - một “hàn thử biểu” về kỳ vọng lạm phát và kỳ vọng lãi suất - đã tăng 1 điểm phần trăm từ mùa Hè năm ngoái.
Trong những tuần gần đây, nhiều ngân hàng trung ương từ châu Âu, Australia… đến Brazil có lý do để lo sợ về sự thắt lại của các điều kiện tài chính trên toàn cầu, một khi chính sách tiền tệ của Mỹ chuyển từ mở rộng sang thắt chặt. Và không ít trong số đó đã phải quyết định hành động để ngăn đà tăng của lợi suất.
Tất nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn lập luận, triển vọng lạm phát dài hạn “chưa có gì thay đổi”. Fed vẫn quả quyết sẽ giữ lãi suất ở mức siêu thấp và tiếp tục mua tài sản cho tới khi nền kinh tế trở nên khỏe mạnh hoàn toàn.
Dù vậy, cả Fed và thị trường đều không thể đoán trước được kết quả cuối cùng của cuộc thử nghiệm công thức ba yếu tố nói trên. Có thể sẽ đến lúc Fed phải quyết định nâng lãi suất để chặn đà leo thang của lạm phát, giảm bớt “độ nóng” của nền kinh tế. Đó sẽ là một biện pháp bất đắc dĩ, ảnh hưởng tới sứ mệnh tạo việc làm tối đa trong nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất tăng cũng là một “cơn ác mộng” đối với thị trường chứng khoán Phố Wall và khiến khối nợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ càng trở nên lớn hơn.
Có thể nói, gói kích cầu của Tổng thống Biden như một “canh bạc” lớn. Nếu thành công, nước Mỹ sẽ thoát khỏi cái bẫy lạm phát thấp, lãi suất thấp mà Nhật Bản và châu Âu đang mắc kẹt. Các ngân hàng trung ương khác có thể học theo cách thiết lập mục tiêu lạm phát của Fed. Những gói kích cầu khổng lồ sẽ trở thành cách phản ứng chuẩn mực với các cuộc suy thoái.
Nhưng rủi ro nằm ở chỗ, khối nợ của Mỹ ngày càng lớn, lạm phát có thể bùng lên và Fed có thể phải đối mặt với một cuộc thử thách về niềm tin. “Canh bạc” của ông Biden được tung ra rõ ràng là tốt hơn việc ông khoanh tay đứng nhìn, nhưng quy mô của sự đặt cược này thực sự là một vấn đề.