📞

Gói trừng phạt Nga thứ 14 thêm điểm nghẽn, Pháp gửi tiền khủng mua hàng, khó 'chặn cửa' LNG Moscow

Linh Chi 14:16 | 13/04/2024
Hiện Ủy ban châu Âu bắt đầu chuẩn bị cho một gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga. Nhưng việc cấm LNG Nga khó có thể xuất hiện trong gói, bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Pháp đã trả hơn 600 triệu Euro cho Nga để mua LNG trong quý I/2024. (Nguồn: Sempra Infrastructure)

Theo dữ liệu được phân tích bởi tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), trong ba tháng đầu năm nay, việc cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang Pháp đã tăng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở EU.

Tổng cộng, Paris đã trả hơn 600 triệu Euro cho Điện Kremlin để mua LNG trong quý I/2024.

Hoạt động buôn bán khí đốt ngày càng tăng của Paris với Nga diễn ra khi Tổng thống Macron đang tìm cách có đường lối cứng rắn hơn để ủng hộ Kiev ở thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bước sang năm thứ ba.

Pháp khẳng định, việc mua khí đốt của họ là cần thiết để duy trì nguồn cung cấp cho các hộ gia đình trên khắp châu Âu và nước này đang vướng vào một thỏa thuận dài hạn với Nga - vấn đề rất phức tạp về mặt pháp lý.

Nhưng các nhà phê bình cho rằng, Paris có thể làm nhiều hơn để giảm lượng mua hàng nhưng đất nước không hành động một phần là do sự phản đối từ tập đoàn năng lượng quốc gia lớn TotalEnergies của Pháp.

Trong mọi trường hợp, việc nhập khẩu cho thấy Pháp chưa thể dập tắt nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Trong khi đó, Moscow tìm ra những cách ngày càng sáng tạo để phá vỡ các biện pháp trừng phạt hiện có.

Pháp tăng mua LNG Nga

Vài tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc của khối vào việc nhập khẩu hóa thạch của Moscow vào năm 2027.

Cho đến nay, khối 27 thành viên phần lớn đã thành công. Mặc dù một số nước ở EU vẫn tiếp tục mua nhiên liệu hạt nhân, dầu và khí đốt từ Nga nhưng khối đã cắt giảm khoảng 2/3 sự phụ thuộc vào khí đốt của Moscow. Không chỉ thế, EU còn áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với nhập khẩu than và dầu bằng đường biển.

Việc loại trừ LNG của Nga lại không đơn giản như vậy. Báo cáo mới của CREA cho hay, mặc dù LNG chỉ chiếm 5% lượng tiêu thụ khí đốt của EU vào năm 2023, nhưng các nước EU đã trả cho Moscow hơn 8 tỷ Euro để xuất khẩu.

Pháp không phải là "thủ phạm" duy nhất khiến "túi tiền" Điện Kremlin dày thêm.

Dữ liệu vận chuyển cho thấy, ít nhất 9 nước EU tiếp tục mua LNG của Nga. Nhưng Paris dẫn đầu khối cả về khối lượng nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2024.

Bỉ, Tây Ban Nha và Hà Lan là ba khách hàng mua LNG lớn nhất của Moscow sau Pháp. Ba quốc gia này cho biết sẽ ủng hộ các bước nhằm giảm số lượng mua nhưng tất cả phải cùng nhau hành động.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera nhấn mạnh: "Con đường duy nhất phía trước là một cách tiếp cận chung về việc giảm hoặc cấm nhập khẩu LNG Nga. Chúng tôi cần nó càng sớm càng tốt".

Lithuania thậm chí còn đề xuất lệnh cấm hoàn toàn đối với LNG của Nga.

Phía Pháp vẫn chưa có tuyên bố rõ ràng về vấn đề này.

Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nói với các nhà lập pháp rằng, việc chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Moscow nên được thực hiện “dần dần để tránh tác động quá tàn khốc đến thị trường” và giá cả tăng vọt.

Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Pháp cho rằng, việc tăng khí đốt của Nga một phần là do các cuộc đình công “làm gián đoạn mạnh mẽ” dòng chảy thị trường.

Phát ngôn viên trên nhấn mạnh: "Paris cũng thường xuyên thảo luận những nỗ lực nhằm giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga với các đồng minh EU. Lượng khí đốt của Nga đi qua Pháp và giúp cung cấp cho các quốc gia khác như Italy. Chính phủ đang nghiên cứu khả năng cung cấp nguồn thay thế… mà không gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng châu Âu”.

EU khó đạt được sự đồng thuận trong khối về vấn đề cấm LNG của Moscow. (Nguồn: Intellinews)

Thế khó của Pháp và EU

Tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp nắm giữ 20% cổ phần trong dự án Yamal LNG - dự án vận hành một nhà máy hóa lỏng ở tây bắc Siberia do công ty năng lượng tư nhân Nga Novatek sở hữu.

Theo hợp đồng dài hạn, công ty Pháp buộc phải tiếp tục mua ít nhất 4 triệu tấn LNG từ cơ sở này mỗi năm cho đến năm 2032.

Giám đốc điều hành TotalEnergies Patrick Pouyanne cho rằng, lệnh cấm LNG Nga trước năm 2025 hoặc 2026 của EU là vô lý. Đây là thời điểm các dự án LNG mới đi vào hoạt động trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ..

Bộ kinh tế Pháp cho biết, vấn đề LNG của Nga không phải là về hợp đồng hay hoạt động của TotalEnergies mà là về cơ hội và rủi ro khi áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với toàn bộ khối EU.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại không nghĩ như vậy.

Ông Nguyễn Phúc Vinh, một nhà phân tích năng lượng tại Viện Jacques Delors có trụ sở tại Paris (Pháp) nhận định, Paris vẫn có thể tìm được hàng nhập khẩu thay thế LNG Moscow. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp Pháp liên tục sử dụng ít khí đốt hơn kể từ năm 2022, trong khi đó, mức dự trữ quốc gia năm 2024 đang cao hơn năm ngoái. Điều này làm giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Ở cấp độ EU, ông Aura Sabadus, nhà phân tích thị trường khí đốt cấp cao tại công ty tình báo thị trường ICIS cho hay, ngay cả khi lệnh cấm LNG được ban hành, khối có thể tăng cường mua hàng từ Mỹ.

Hiện Ủy ban châu Âu bắt đầu chuẩn bị cho một gói trừng phạt thứ 14 chống lại Nga. Nhưng LNG khó có thể xuất hiện trong gói, bất chấp các yêu cầu liên tục từ các nước vùng Baltic và Ba Lan.

Một quan chức cấp cao của Ủy ban châu Âu thừa nhận, khó đạt được sự đồng thuận trong khối về vấn đề cấm LNG của Moscow.

Việc "gỡ rối" các hợp đồng dài hạn với các công ty Nga là một vấn đề khó đối với EU.

Ông Doug Wood, Chủ tịch ủy ban khí đốt tại Liên đoàn các nhà kinh doanh năng lượng châu Âu cho biết, các công ty năng lượng có thể giảm nhập khẩu khí đốt Nga đến giới hạn tối thiểu.

Ngoài ra, báo cáo của CREA đề xuất, các chính phủ EU có thể áp đặt giới hạn giá đối với nhập khẩu LNG của Nga. Phân tích cho thấy, giới hạn giá của EU được đặt ở mức 17 Euro/MWh có thể làm giảm khoảng 1/3 thu nhập LNG của Moscow.

Nhưng về cơ bản, bất kỳ giải pháp nào cũng cần có hành động chung - ít nhất là từ các quốc gia nhập khẩu lớn nhất của EU - để dòng chảy LNG Nga không tìm được hướng đi mới - giống như cách Moscow làm với dầu mỏ.

(theo Politico)