📞

Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga: EU quyết làm ‘điều cấm kỵ’, châu Âu đang làm theo cách của Mỹ?

Chu Văn 07:32 | 15/05/2023
Đường biên giới giữa Kazakhstan và Nga dài hơn 7.600 km, chạy qua thảo nguyên, sa mạc và rừng núi, đang khiến các quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) hết sức lo ngại.
Gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga: EU sẽ làm ‘điều cấm kỵ’, châu Âu đang học theo cách của Mỹ? (Nguồn: Visegradinsigh)

Theo Brussels, đường biên giới rất dài này là cửa ngõ thông thương quan trọng cho những sản phẩm, hàng hóa mà Nga đang cần, như máy bay không người lái, chip máy tính, các bộ phận của máy bay, kim loại, hóa chất... Tất nhiên, EU không muốn Nga tiếp cận được với những sản phẩm này.

Brussels muốn đảm bảo rằng những loại hàng hóa lưỡng dụng, tức là sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự, không còn đến được với Nga để nước này không thể sử dụng trong quân sự. Vì thế lần đầu tiên, EC đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với những doanh nghiệp bên ngoài châu Âu đang giúp Nga lách các lệnh trừng phạt.

Xưa nay, một động thái như vậy được coi là "điều cấm kỵ" - và EC đang phá vỡ "điều cấm kỵ" đó.

Cần bít kín các lỗ hổng?

Liên minh châu Âu (EU) đang dự định tiến hành một kế hoạch mà liên minh này chưa từng thực hiện trước đây là áp đặt trừng phạt đối với các doanh nghiệp bên ngoài châu Âu.

Đó là các doanh nghiệp của một số quốc gia không phản đối cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, đối với trường hợp các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, "biện pháp trừng phạt thứ cấp" này rất nhạy cảm. Liệu EU có châm ngòi cho cuộc chiến thương mại mới?

Trong chuyến thăm Kiev vừa diễn ra, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, các biện pháp trừng phạt mà EC dự định áp đặt có thể là lệnh cấm giao dịch với doanh nghiệp liên quan đến việc xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Các chuyên gia gọi đây là "biện pháp trừng phạt thứ cấp" hoặc "biện pháp trừng phạt ngoài lãnh thổ". Chúng được thiết kế để cắt đứt nguồn cung nguyên vật liệu và công nghệ cần thiết cho chiến dịch quân sự đặc biệt của quân đội Nga tại Ukraine.

Báo Die Welt dẫn lời một nhà ngoại giao từ một quốc gia thành viên EU ở Đông Âu cho hay trong năm qua, EU đã áp đặt hết biện pháp trừng phạt này đến biện pháp trừng phạt khác đối với Nga. Nhưng tất cả các biện pháp đó thường bị phá vỡ. Nhà ngoại giao này cho rằng, không thiếu biện pháp trừng phạt Nga, mà là "thiếu sức mạnh thực thi các biện pháp trừng phạt". Giờ đây, châu Âu cũng cần phải cứng rắn hơn.

Đề xuất của EC là một sự đột phá, một bước tiến tới chính sách đối ngoại tự tin hơn của Liên minh châu Âu, nhưng đồng thời cũng có thể là sự khởi đầu cho những xung đột mới.

Nhiều quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp mới này, như Kazakhstan - đối tác thương mại quan trọng của Nga, hay Uzbekistan, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc. Các quốc gia này hiện đều trong danh sách bị tình nghi cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga.

Chẳng hạn, theo dữ liệu của chính phủ Kazakhstan, trong năm ngoái, các doanh nghiệp của nước này đã xuất khẩu số vòng bi lăn cho Nga nhiều gấp đôi so với trước chiến tranh. Vòng bi lăn không chỉ được sử dụng cho ô tô mà còn cho xe tăng. Những số liệu tương tự cũng xuất hiện ở các loại hàng hóa như radio và chất bán dẫn. Rất có thể chip sử dụng trong máy hút bụi ở Kazakhstan sẽ là một bộ phận quan trọng trong tên lửa hành trình của Nga.

Chuyên gia Jörg Köpke từ tổ chức Trung tâm chính trị châu Âu nhận định những biện pháp mà EC đang lên kế hoạch áp đặt có "chất lượng mới". Dường như EC muốn có hành động mạnh mẽ hơn đối với tất cả những doanh nghiệp đang phá vỡ các lệnh trừng phạt của EU. Chuyên gia này cho rằng, đó là một điều tốt, "đã đến lúc bít chặt các lỗ hổng".

Khơi mào cuộc chiến thương mại mới?

Gói trừng phạt thứ 11 bao gồm nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó có việc siết chặt các hạn chế xuất khẩu sang các nước thứ ba và bổ sung hàng chục công ty của Trung Quốc, Iran, Kazakhstan và Uzbekistan vào danh sách đen.

Theo kế hoạch của EC, các hình phạt đầu tiên sẽ được áp dụng đối với các doanh nghiệp từ Trung Quốc. Tài sản của 7 công ty Trung Quốc ở EU sẽ bị đóng băng vì theo các quan chức EC, các công ty này đang xuất khẩu sang Nga nhiều loại sản phẩm mà Moscow có thể sử dụng để chế tạo vũ khí quân sự.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, châu Âu chính thức nhằm vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc xuất khẩu sang Nga các sản phẩm lưỡng dụng.

Bắc Kinh đã nhanh chóng lên tiếng phản đối về đề xuất trong gói trừng phạt mới của EU. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nếu lệnh trừng phạt mới được EU áp đặt, quan hệ giữa Trung Quốc và EU có thể sẽ xấu đi.

Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện các biện pháp đáp trả để bảo vệ lợi ích của mình.

Câu hỏi đặt ra là Brussels sẽ đi xa đến mức độ nào?

Các nước EU có thực sự muốn áp đặt hình phạt mới đối với Trung Quốc? Và liệu có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại mới hay không?

Theo chuyên gia Köpke, Trung Quốc sẽ không bị tác động bởi các kế hoạch của EC. Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dễ thay đổi hành động của mình, ít nhất là chừng nào Tổng thống Recep Tayyip Erdogan còn nắm quyền.

Tổng thống Erdogan có một đòn bẩy mạnh mẽ, nếu Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara có thể cho phép nhiều người tị nạn hơn vượt qua lãnh thổ của họ để đến châu Âu.

Trên thực tế, đề xuất của EC gợi nhớ đến những trải nghiệm của chính EU đối với một quyết định tương tự mà Mỹ đã áp đặt trước đây: Cấm các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài thực hiện một số hoạt động kinh doanh nhất định tại các quốc gia mà Washington cấm vận.

Ví dụ, sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục các lệnh trừng phạt đối với Iran từ cuối năm 2018, nhiều công ty Đức cũng không còn được phép xuất khẩu hàng hóa sang Iran.

Bất kỳ doanh nghiệp nào lách lệnh trừng phạt thứ cấp của Washington đều có thể đối mặt với nguy cơ không được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, bị loại khỏi các hợp đồng cung cấp sản phẩm cho lĩnh vực công, bị loại khỏi thị trường vốn... Trước lệnh cấm của Mỹ, một số ngân hàng châu Âu đã phải rút hoàn toàn khỏi Iran, ngay cả trong các lĩnh vực nhân đạo được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt.

Khi đó, EU đã chỉ trích gay gắt động thái của Mỹ và gọi đó là hành động bất hợp pháp. Tuy nhiên, hiện tại EC đang đi theo hướng đó, mặc dù theo chuyên gia Köpke, các đề xuất của EC "không đi xa bằng" các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt mà EC đề xuất phải được tất cả 27 quốc gia EU nhất trí áp đặt. Liệu đề xuất này có khả thi hay không?

Một vài vòng đàm phán về đề xuất mới của EC đã bắt đầu được tổ chức tại Brussels, nhưng giới quan sát cho rằng, bởi nhiều lý do, EU chưa thể nhanh chóng gom được 27 phiếu thuận để đạt được mục tiêu trên.

(theo Die Welt)