📞

Gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga: EU bối rối, Moscow bình chân 'nghênh chiến', báo Ukraine thấy bằng chứng thuyết phục

Minh Anh 13:52 | 24/10/2023
Liên minh châu Âu đã khởi động các cuộc đàm phán kín về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga, liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Nếu được thông qua, đây sẽ là gói trừng phạt thứ 12 của EU nhằm vào Moscow, có thể bao gồm lệnh cấm kim cương của Nga, hạn chế hơn nữa khả năng của Moscow trong việc lách các lệnh trừng phạt và trừng phạt các công ty ở các nước thứ ba đang “đứng sau hỗ trợ” Moscow thực hiện điều đó.

Cuộc điều tra của Kyiv Independent tiết lộ, nhà sản xuất kim cương hàng đầu của Nga – Alrosa vẫn tiếp tục bán hàng sang phương Tây thông qua trung gian ở các nước bên thứ ba. (Nguồn: Kyivindependent)

EU đã áp đặt gói trừng phạt thứ 11 vào tháng 6/2023, nhằm chống lại hành vi lách lệnh trừng phạt, chủ yếu đối với các sản phẩm có công dụng kép và trong hoạt động buôn bán dầu mỏ của Nga.

Hiện tại, với gói trừng phạt mới nhất này, Brussels được cho là đang tìm cách mở rộng danh sách hạn chế “hàng hóa có công dụng kép” – loại sản phẩm có thể ứng dụng trong quân sự, mà Moscow đã mua được thông qua các quốc gia thứ ba.

Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo trước đó rằng, nếu các kênh ngoại giao không đủ để ngăn chặn các nước bên thứ ba tái xuất khẩu các sản phẩm bị trừng phạt, khối châu Âu cũng có thể cấm xuất khẩu sang các quốc gia đó.

Theo nhà báo Rikard Jozwiak của Radio Free Europe, các cuộc thảo luận giữa EC và các đại sứ EU về gói trừng phạt mới đối nhằm vào Nga đã bắt đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 năm nay.

Tuy nhiên, vẫn như mọi khi, các cuộc đàm phán của EU về gói trừng phạt chống Nga vẫn luôn gặp vấn đề giữa chính các thành viên của khối.

Trong khi, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic thậm chí còn muốn tiến xa hơn nữa trong các lệnh trừng phạt chống Nga, kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các dịch vụ liên quan đến khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), lĩnh vực công nghệ thông tin, ngành công nghiệp hạt nhân... Một số thành viên cũng nỗ lực tìm giải pháp sử dụng lãi từ khối tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đang bị phong tỏa tại châu Âu, một cách hợp pháp để hỗ trợ Ukraine tái thiết.

Nhưng hiện một số thành viên khác, như Hungary lại có các động thái đi ngược hoàn toàn. Budapest thẳng thắn nêu ý kiến, EU cần phải thảo luận về tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, rằng Các lệnh trừng phạt làm tổn thương ai nhiều hơn? Chúng có phù hợp không, có dẫn đến kết quả như mong muốn không? EU có đạt được mục tiêu của mình không, cụ thể là khiến Nga suy sụp về mặt kinh tế và đã đến gần hơn với hòa bình hay chưa?”.

Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó lưu ý rằng, những vấn đề trên cho đến nay không được tranh luận ở EU. Ông cũng thông báo, Budapest không có ý định tìm kiếm nhà cung cấp nhiên liệu hạt nhân mới cho nhà máy điện hạt nhân của họ và hài lòng với sự hợp tác với các công ty của Nga.

Ngoài ra, còn một thực tế khác, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, doanh số bán kim cương của Nga vẫn tiếp tục lấp đầy kho bạc của Điện Kremlin trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn bế tắc, chưa nhìn thấy hồi kết.

Cuộc điều tra mới đây của Kyiv Independent tiết lộ, nhà sản xuất kim cương hàng đầu của Nga – Alrosa vẫn tiếp tục bán hàng sang phương Tây thông qua trung gian ở các nước bên thứ ba. Thậm chí, Alrosa thậm chí còn đặt mục tiêu tăng doanh số bán hàng vào năm 2023. “Một phần lợi nhuận có thể được chi để hỗ trợ trực tiếp cho quân đội Nga”, tờ Kyiv Independent đề cập.

Theo đó, Kyiv Independent bình luận, nhờ các biện pháp trừng phạt yếu kém của Mỹ và sự “vắng mặt” của bất kỳ quốc gia nào trong EU, nhà sản xuất kim cương Alrosa có một phần thuộc sở hữu nhà nước Nga, vẫn tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc bán kim cương. Công ty có thể đang sử dụng một phần lợi nhuận của mình để tài trợ trực tiếp cho quân đội Nga. Alrosa chưa trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Ngay sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, các thương hiệu xa xỉ của phương Tây như Tiffany (Mỹ) và Cartier (Pháp) đều đã tuyên bố ngừng mua kim cương Nga. Hiện trước thông tin Kyiv Independent tìm thấy bằng chứng ngược lại, rằng họ đang đi ngược nỗ lực của chính quyền nhằm thu hẹp các lỗ hổng trừng phạt Nga, Tiffany phủ nhận cáo buộc, trong khi Cartier chưa trả lời yêu cầu về nghi vấn trên.

Trong khi đó, những nỗ lực mới nhất của Nhóm G7 nhằm hạn chế doanh số bán kim cương của Nga đã vấp phải một chiến dịch vận động hành lang dữ dội từ các công ty kim cương lớn nhất thế giới kể từ mùa Hè năm 2022.

Giới quan sát thì bình luận, các thương hiệu lớn như Tiffany và Cartier có thể “đánh lừa khách hàng”, có thể không, bởi chính tuyên bố không mua kim cương của Nga cũng là điều mà họ không thể đảm bảo và do đó khiến họ vô tình ủng hộ tài chính cho Nga. Lý do là “cuộc hành trình” của một viên kim cương rất dài, nguồn gốc của nó gần như không thể truy tìm được. Nó có thể đổi chủ hàng chục lần trước khi được an vị” trên một chiếc nhẫn hoặc vòng tay, của một vị khách hàng cuối cùng nào đó.

Về phía Nga, trước yêu cầu bình luận của báo giới về kế hoạch của EU - tham vấn các nước thành viên về gói trừng phạt chống Nga thứ 12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định, "nếu phương Tây có bất kỳ biện pháp hạn chế bổ sung nào, phía Moscow cũng sẽ cân nhắc động thái nhằm vô hiệu hóa các biện pháp trừng phạt đó và có hành động đáp trả nếu cần thiết".

Cho rằng, những gói trừng phạt chống Nga chỉ gây tổn hại cho chính EU, Nhà Ngoại giao Nga nói rằng, "EU đang không ngừng tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Tuy nhiên, với kinh nghiệm trước đây về việc đối phó các biện pháp trừng phạt bị áp đặt, tôi nên lưu ý rằng, đã có tới 11 gói trừng phạt nhằm vào Moscow - cho thấy rõ ràng rằng, những biện pháp trừng phạt đó không thành công".

(theo Bloomberg, Kyiv Independent)