Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc rơi vào khủng hoảng từ năm 2021. (Nguồn: Japan Times) |
Những biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản mạnh mẽ mà chính phủ Trung Quốc vừa ban hành đã giúp thúc đẩy hoạt động giao dịch ở các thành phố lớn nhất nước này. Tuy nhiên, tại các địa phương nhỏ hơn, tình hình chưa có nhiều cải thiện và khả năng lĩnh vực bất động sản của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới.
Ngày 17/5, chính phủ Trung Quốc thông báo cắt giảm lãi suất thế chấp và khoản tiền phải trả trước khi mua nhà, đồng thời chỉ đạo các chính quyền địa phương mua lại những căn hộ chưa bán được, biến chúng thành nhà ở xã hội. Dựa theo hướng dẫn mới, các chính quyền địa phương đã ngay lập tức ban hành hàng chục thông báo về việc nới lỏng chính sách hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Nhưng kết quả lấy mẫu một số dữ liệu giao dịch và khảo sát 10 đại lý bất động sản trên khắp Trung Quốc cho thấy, biện pháp mới tạo ra tác động không đồng đều đối với các địa phương. Chủ yếu hiệu quả tích cực được ghi nhận ở những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng không nhiều thay đổi ở các địa phương nhỏ hơn.
Điều này làm tăng thêm lo ngại về nguy cơ suy yếu kéo dài của lĩnh vực bất động sản tại quốc gia Đông Bắc Á, đặc biệt là ở các thành phố có quy mô nhỏ, nơi lượng cung nhà dư thừa nhiều hơn so với các thành phố lớn.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, đóng góp tới 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã rơi vào khủng hoảng từ năm 2021. Cho đến nay, nhân tố này được coi là lực cản lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế có quy mô 18.000 tỷ USD.
Theo chuyên gia Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, các gói hỗ trợ thường dễ dàng đem lại hiệu quả đối với các thành phố lớn vì tại nơi đây, cung và cầu cân bằng hơn. Trong khi đó, tại các thành phố nhỏ, nguồn cung bất động sản thường vượt cầu - vấn đề này khó giải quyết hơn và mất nhiều thời gian hơn.
Ông Christopher Beddor, Phó Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics nhận định, thị trường bất động sản sẽ vẫn là lực cản đối với các nền kinh tế địa phương của nước này trong dài hạn, đè nặng lên hàng chục triệu người tiêu dùng và gây rủi ro cho các ngân hàng nhỏ ở địa phương.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng sẽ có nhiều biện pháp nới lỏng hơn nữa được chính phủ Trung Quốc ban hành trong những tháng tới.
Tuy nhiên, trong báo cáo ngày 18/6, Goldman Sachs lưu ý, xem xét sự yếu kém dai dẳng xung quanh lĩnh vực bất động sản ở các thành phố cấp thấp hơn và tình trạng của các nhà phát triển tư nhân, có thể thấy rằng, các biện pháp nới lỏng chính sách chỉ có thể dẫn đến sự phục hồi hình chữ L của lĩnh vực này trong những năm tới.