Ngày 4/6, Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) đã cùng ký kết Bản ghi nhớ hợp tác và triển khai các hoạt động của dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”.
Tại lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác và triển khai các hoạt động của dự án “Giảm ô nhiễm rác nhựa với các giải pháp địa phương". |
Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” do GreenHub phối hợp thực hiện với Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN), Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống Quản lý quốc tế, hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID).
Dự án được xây dựng và triển khai với mục đích trao quyền cho cộng đồng địa phương để thúc đẩy các hành động chung nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Dự án tập trung xây dựng, củng cố và kết nối các mạng lưới, cộng đồng và cá nhân tại Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).
Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi rất trân trọng khi nhận được sự hỗ trợ của USAID và các tổ chức liên quan đã chọn Đà Nẵng là thành phố để triển khai các dự án về lĩnh vực môi trường".
Theo ông Chương, Lễ ký kết trực tuyến các dự án còn là sự kiện có ý nghĩa rất đặc biệt, nằm trong chuỗi các hoạt động để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”; là ngày để nhắc nhở, thúc đẩy mỗi người dân chung tay tham gia vào các hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực cho chính môi trường sống của chúng ta.
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Robert Layng, Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường, USAID chia sẻ: Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, USAID Việt Nam đang thực hiện các chương trình nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân – mục tiêu của chúng tôi hướng đến “một Việt Nam cởi mở, thịnh vượng và an toàn, giải quyết các thách thức phát triển một cách hiệu quả và bao trùm”.
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng cần có sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường để đảm bảo tăng trưởng trong ngắn hạn không gắn liền với suy thoái môi trường trong dài hạn. Thúc đẩy bảo vệ môi trường là yếu tố rất quan trọng nhằm cân bằng giữa sự thịnh vượng, chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế xanh bền vững của Việt Nam.
Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phát biểu trình bày về dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, nêu lên các phương thức tiếp cận mới của dự án là nâng cao năng lực của địa phương, huy động sự tham gia của các bên; địa phương làm chủ, đồng xây dựng một nền tảng số cộng đồng.
Bà Trang chia sẻ: “Đây là một dự án kịp thời để chung tay xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa cấp thành phố và thực hiện các hành động giảm thiểu rác nhựa cụ thể ở 2 quận Hải Châu và Cẩm Lệ, như là tiền đề để nhân rộng trên quy mô toàn thành phố và toàn quốc".
Theo khảo sát của GreenHub năm 2019, tại 30 bãi biển tại Việt Nam, trên 90% rác thải tìm thấy trên biển là nhựa, túi nilon, chai nhựa, phao xốp, dây thừng, lưới nhựa, hộp xốp...
Trên toàn quốc, ô nhiễm rác nhựa đang ngày càng nhận được nhiều sự chú ý, nhiều giải pháp địa phương đang được đưa ra ở khắp mọi nơi như giám sát rác thải biển, kiểm toán rác nhựa tại nhà hàng và khách sạn, triển khai các mô hình kinh doanh sản phẩm tái chế, các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng...
Tuy nhiên, năng lực, sự hợp tác và mức độ tiếp cận kiến thức ở địa phương vẫn còn hạn chế cũng như chưa có nhiều sáng kiến toàn diện hoặc hệ thống thông tin, nền tảng số về ô nhiễm nhựa, kiến thức sức khỏe môi trường ở Việt Nam cho các bên liên quan tương tác và kết nối.