GS. NGND Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm, thời đại công nghệ số, thế hệ trẻ cần phải tìm hiểu thêm về các thành tựu mới mẻ trong lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo... |
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có nhấn mạnh việc tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Vấn đề làm sao để tạo ra thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ, thưa GS?
Để có thể tạo ra thế hệ bản lĩnh, trí tuệ, cần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước ta.
Nghị quyết số 29-NQ/TW đã nêu rõ mục tiêu: “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”.
Để đạt trình độ tiên tiến trong khu vực thì chương trình và sách giáo khoa phải tương ứng về nội dung với các nước phát triển trong khu vực.
Học sinh cần có trình độ phát triển đồng đều và đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc tế và khu vực, dạy và học thực chất; kết quả thi, kiểm tra phản ánh đúng chất lượng giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục, sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để sống và làm việc.
Muốn có một thế hệ trẻ bản lĩnh, trí tuệ, cần bồi dưỡng cho các em khát vọng làm chủ trình độ khoa học trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời đại công nghệ số.
Muốn vậy phải học tốt chương trình các môn học, đồng thời tìm hiểu thêm về các thành tựu mới mẻ trong lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo, máy in 3D, xe tự hành, vạn vật kết nối, công nghệ nano, công nghệ sinh học…
Nhiều người trăn trở với câu hỏi làm gì để có nền giáo dục thực tài, thực học, tiến tới hội nhập quốc tế. Còn cá nhân ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Theo tôi, phổ cập giáo dục phổ thông, đảm bảo có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương. Hình thành hệ thống giáo dục với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.
Bảo đảm cơ hội cho mọi người, nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững.
Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp. Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học.
Quan tâm dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Đa dạng hóa nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục và đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
Ông có đề xuất giải pháp gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?
Theo tôi, cần đổi mới về thực chất chương trình và phương thức dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông và đại học.
Tăng cường số lượng giáo viên bản ngữ kết hợp với việc tạo điều kiện để giáo viên tiếng Anh có điều kiện thực tập tại nước ngoài. Thay đổi mục tiêu học để thi bằng năng lực nói-nghe thành thạo tiếng Anh.
Bố trí nguồn lực để mua sách giáo khoa bậc phổ thông của những nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và trong khu vực. Tổ chức các đợt học hè phí thấp tại các nước Anh ngữ cho học sinh, sinh viên có nhu cầu du học bậc đại học hay sau đại học.
Chọn giáo viên xuất sắc để cấp kinh phí đưa đi thực tập ngắn hạn tại các nước có nền giáo dục tiên tiến.
Giáo dục nhân cách cho trẻ là một trong những nội dung quan trọng. (Ảnh: Minh Hiền) |
Theo ông, làm sao để xây dựng được một nền giáo dục phục vụ con người, đặt con trẻ làm trung tâm, tạo ra những con người có chất lượng cao, thúc đẩy phát triển đất nước? Đồng thời, làm sao để khơi dậy ý thức bảo vệ văn hóa, đạo đức truyền thống cho lớp trẻ?
Cần ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo. Có cơ chế tuyển sinh và cử tuyển riêng để tuyển chọn được những người có phẩm chất, năng lực phù hợp vào ngành sư phạm.
Các lý thuyết tăng trưởng gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao đều phải dựa trên ít nhất ba trụ cột cơ bản: Áp dụng công nghệ mới, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Trong đó, động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tức là những người được đầu tư phát triển, có kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo nhằm trở thành “nguồn vốn - vốn con người, vốn nhân lực”.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và cạnh tranh quyết liệt, phần thắng sẽ thuộc về những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, có môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một môi trường chính trị - xã hội ổn định.
Cần thường xuyên và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh niên; chú trọng giáo dục thanh niên qua nêu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục trong công tác giáo dục của Đoàn. Xây dựng và triển khai các giá trị tiêu chí, chuẩn mực trong hành vi, lối sống, ứng xử của thanh thiếu nhi trên nền các giá trị cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, đến với địa danh lịch sử, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, tôn tạo và phát huy giá trị các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa để giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh giáo dục cần hướng tới việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Vậy theo ông, mấu chốt của bài toán này là gì?
Trên thế giới, các nước phân luồng theo hướng sau THCS khoảng 60-70% học sinh vào trung học nghề, 30% vào THPT, còn Việt Nam thì 80-90% vào THPT. Học hết THPT, những em không vào được đại học, ra trường đi làm nghề nhưng không có trình độ nghề.
Khối lượng lao động này vì thế chỉ có thể tham gia vào thị trường lao động giản đơn. Việc phân luồng học sinh không chỉ là vấn đề riêng của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cả cộng đồng.
Thực trạng nguồn nhân lực hiện nay khó cho phép tận dụng tốt nhất vận hội, thời cơ đang đến với đất nước. Nếu không nhanh chóng khắc phục được yếu kém này, chúng ta sẽ phải đối diện với những nguy cơ, những thách thức mới, sẽ kéo theo sự tụt hậu của đất nước.
Nếu không giải quyết được bài toán nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chất lượng nguồn nhân lực, mà hệ quả của nó là sụt giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế; khó thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”; đánh mất cơ hội tham gia thị trường lao động quốc tế.
Xin cảm ơn GS!