Nhỏ Bình thường Lớn

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Từ tấm gương của cha, tôi luôn phấn đấu trở thành một nhà giáo giỏi chuyên môn, gương mẫu trong đời sống

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, từ tấm gương của cha, ông luôn phấn đấu để trở thành một thầy giáo giỏi chuyên môn, gương mẫu trong đời sống và tận tụy với sinh viên.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, ở thời đại nào, vai trò của người thầy cũng quan trọng. (Ảnh: NVCC)

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, Giáo sư có thể chia sẻ thêm về những kỷ niệm đáng nhớ về thời thơ ấu và ảnh hưởng của gia đình đối với con đường trở thành nhà giáo của mình?

Cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả 8 anh chị em tôi nhưng có lẽ ảnh hưởng lớn nhất là sự gương mẫu trong đời sống về tư cách, lối sống và quan hệ xã hội. Cha tôi là nhà giáo lão thành nhưng xuất thân từ một gia đình rất nghèo ở nông thôn Hưng Yên. Ông có nhiều học trò cũ thành đạt như nhà thơ Tố Hữu, nhà thơ Huy Cận...

Sự yêu quý của học trò cũ đối với cha là niềm động viên nhắc nhở chúng tôi phải học hỏi ở cha mình - một thầy giáo luôn tận tình và gương mẫu. Cha tôi rất nghiêm khắc trong giáo dục con cái nhưng không phải qua đòn roi mà bằng sự gương mẫu, lòng thương yêu và những lời khuyên bảo nhẹ nhàng. Mẹ tôi xuất thân từ gia đình giàu có nhưng luôn sống giản dị và chịu đựng gian khổ qua những cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Sự gương mẫu của cha mẹ có tác dụng giáo dục trực tiếp đối với chúng tôi và khiến cả 8 anh chị em tôi đều học tập khá giỏi và nghiêm túc trong cuộc sống.

Chúng tôi tiếp tục noi theo tấm gương của cha mẹ trong việc dạy dỗ con cháu mình. Đó là sự nêu gương của ông bà, cha mẹ, sự nghiêm khắc nhưng chỉ khuyên bảo nhẹ nhàng chứ không đánh mắng nặng nề. Sự tôn trọng các thế hệ học sinh cũ của cha tôi khiến tôi có quan hệ đúng mức với thế hệ các sinh viên của mình. Uy tín của cha với các thế hệ học sinh cũ nhắc nhở tôi luôn phấn đấu để trở thành thầy giáo giỏi chuyên môn, gương mẫu trong đời sống và tận tụy với các sinh viên của mình.

Tôi bắt đầu giảng dạy bậc đại học khi mới 18 tuổi (từ năm 1956) với một môn học mình chưa được đào tạo (Vi sinh vật học), cho nên tôi phải cố gắng rất nhiều để tự nâng cao trình độ và vượt khó trong quá trình giảng dạy. Cha tôi đã tự mình xây dựng một bộ môn mới (Giáo dục học), là tấm gương rất lớn đối với tôi trong việc xây dựng chương trình (lý thuyết, thực hành) và viết sách giáo khoa. Mẹ tôi không có nhiều ảnh hưởng về chuyên môn nhưng là tấm gương cho anh em chúng tôi về tinh thần vượt khó trong cuộc sống và tấm lòng nhân ái trong quan hệ đối với mọi người.

Theo Giáo sư, người thầy có vai trò thế nào trong hình thành nhân cách và phát triển của mỗi cá nhân, đặc biệt là người trẻ hiện nay?

Có thể nói, người thầy luôn là tấm gương cho học trò. Tôi may mắn được học ngay từ bậc phổ thông ở Khu học xá trung ương, nơi hội tụ những thầy giáo tài năng của cả nước (từ cấp hai chúng tôi đã được học các thầy Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Hoàng Như Mai, Dương Trọng Bái, Trần Văn Khang…). Con trai tôi cũng nhận ảnh hưởng rất lớn từ các thầy cô khi được học phổ thông ở Trường thực nghiệm. Tôi tâm đắc với vai trò của người thầy với các thế hệ học sinh nên luôn phấn đấu để dạy tốt và gương mẫu trong cuộc sống để tạo dựng sự tin cậy đối với sinh viên.

Ở bất kỳ thời đại nào, vai trò của thầy cô giáo đều hết sức quan trọng. Tôi thấy rõ vai trò của thầy cô giáo khi cháu nội đỗ vào Đại học Harvard, cháu ngoại nhận Huy chương vàng trong kỳ thi quốc tế ở khu vực. Thầy cô giáo không chỉ là những người truyền thụ kiến thức mà còn là những tấm gương về nghị lực và gương mẫu trong đời sống. Tục ngữ xưa có câu “Không thầy đố mày làm nên” thật rất xác đáng. Có thể nói, tương lai của đất nước gắn liền với vai trò của các thầy cô giáo ở mọi trường học trong cả nước.

Trong quá trình nuôi dạy con, Giáo sư thường áp dụng những phương pháp giáo dục nào? Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm cụ thể?

Là người gần gũi với mẹ nhiều và cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nếp sống của bà, tôi nhận thấy chính tình thương vô hạn của gia đình, sự tận tâm của người mẹ, sự thủ thỉ hiền dịu, đặc biệt không bao giờ mắng con, đã khiến các con không thể sao nhãng chuyện học hành. Anh em chúng tôi luôn nhìn gương mẹ để sống và làm việc cũng như ứng xử với gia đình, bạn bè, xã hội. Tôi vẫn nhớ trong thời kỳ khó khăn, mỗi tối, anh em tôi phải ngồi học với cây đèn dầu tự tạo bằng hộp kem đánh răng GIBB đã dùng hết... Gian khổ lắm nhưng ai nấy đều tự giác, bảo ban nhau hăng hái học tập.

Về phương pháp giáo dục, tôi cứ làm theo tấm gương của cha mẹ mình, đó là thật lòng thương yêu con cái, chăm lo cho sức khỏe của con, gương mẫu trong đời sống và luôn nhắc nhở con cháu về những tấm gương người tốt, việc tốt; khuyến khích con cháu lập những thành tích cụ thể trong quá trình học tập, phấn đấu. Tôi không dùng biện pháp đánh mắng con cháu mà thay bằng sự khen thưởng kịp thời trước các thành tích dù nhỏ của con cháu.

Một điều không kém quan trọng là theo dõi và khuyến khích con cháu có những người bạn thân xứng đáng và lâu dài. Cần đáp ứng cho con cháu những phương tiện tốt nhất trong học tập (sách vở, giấy bút, máy tính…). Không quên việc chăm lo đến sức khỏe của con cháu (về dinh dưỡng, tiêm chủng, thể dục, thể thao…). Xây dựng Tủ sách gia đình và khuyến khích con cháu có thói quen thường xuyên đọc sách, học ngoại ngữ và làm gương về khả năng sử dụng ngoại ngữ.

Đọc sách luôn được xem là thói quen tốt. Ông có thể chia sẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với sự phát triển trí tuệ và nhân cách mỗi người, đặc biệt là đối với giới trẻ?

Chúng tôi luôn chăm lo xây dựng Tủ sách gia đình và khuyến khích con cháu đọc sách cũng như thường xuyên học ngoại ngữ. Chúng tôi may mắn có hai con đều có học vị Tiến sĩ và được đào tạo ở nước ngoài, nhờ đó việc đào tạo các cháu nội ngoại đều rất thuận lợi. Các cháu được học tiếng Anh từ nhỏ và có hứng thú đọc các truyện bằng tiếng Anh do bố mẹ các cháu tìm mua cho.

Chúng tôi khuyến khích con cháu tận dụng thành quả của công nghệ thông tin nhưng khuyến cáo các cháu nhỏ nên sử dụng mạng một cách thông minh. Bản thân tôi làm gương cho con cháu bằng việc thường xuyên viết sách và hiện nay tôi đã in được trên 50 đầu sách. Tôi coi đó là gia tài của mình và luôn cố gắng để có thêm những cuốn sách mới giúp ích cho nền giáo dục của nước nhà.

Với kinh nghiệm của mình, ông kỳ vọng gì về tương lai của giáo dục Việt Namchúng ta cần làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà?

Với những thành tích của sự nghiệp đổi mới trong giáo dục, tôi hoàn toàn tin tưởng về chất lượng ngày càng tăng của nền giáo dục nước nhà. Vì đã làm việc tại nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển, tôi luôn nghĩ cần liên tục đổi mới để sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam theo kịp đà phát triển của giáo dục thế giới.

Thanh thiếu niên Việt Nam có sự phát triển trí tuệ không thua kém các nước khác, vì vậy một nền giáo dục tiên tiến sẽ giúp thế hệ trẻ nước ta phát triển kịp với thời đại. Tôi thường mong có một bộ sách giáo khoa tiến bộ trên thế giới được phát hành trên mạng để các thầy cô giáo trong cả nước có điều kiện tham khảo. Tôi cho rằng, nếu cố gắng thực hiện thì thực ra điều ấy đâu có quá khó trong điều kiện hiện nay. Một điều quan trọng là cần đổi mới cách dạy ngoại ngữ để mọi học sinh trước khi vào đại học đã có thể sử dụng thông thạo một ngoại ngữ.

Trước đây, tôi đã dành hẳn một năm để theo học một lớp chuyên tu Anh ngữ, nhờ đó thuận lợi cho công việc suốt thời gian sau này. Bên cạnh đó, việc đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giáo dục cũng rất quan trọng. Ngày nay, với sự phát triển của AI, mọi người có thể bổ sung kiến thức một cách dễ dàng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Dạy trẻ tự tin bước vào thời đại số...

Dạy trẻ tự tin bước vào thời đại số...

Thời đại công nghệ 4.0 đang thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi chúng ta phải trang bị cho trẻ em những kiến thức và kỹ ...

Giáo dục Hà Nội không ngừng bứt phá, vươn tầm trong công cuộc đổi mới

Giáo dục Hà Nội không ngừng bứt phá, vươn tầm trong công cuộc đổi mới

Với sự phát triển không ngừng, giáo dục Hà Nội đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành một ...

Mở lối xây nhân cách cho học sinh

Mở lối xây nhân cách cho học sinh

Giáo dục nhà trường là sự tiếp nối chứ không thể thay thế giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách, đạo đức ...

Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua thách thức mới, sứ mệnh mới

Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua thách thức mới, sứ mệnh mới

Những thành quả đạt được trong 70 năm qua là tiền đề quan trọng, tạo đà để giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển, ...

Kim Thoa (thực hiện)