📞

GS. Nguyễn Lân Dũng: Cần có những “đặc cách” ngoài Luật để thu hút người tài

20:24 | 09/05/2018
Từ câu chuyện GS. Trương Nguyện Thành không được công nhận hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen do chưa đủ 5 năm quản lý ở cấp khoa/phòng, TG&VN xin trân trọng giới thiệu bài viết thể hiện quan điểm của GS. NGND Nguyễn Lân Dũng về chính sách của Nhà nước trong việc trọng dụng nhân tài, đặc biệt là của kiều bào ta ở nước ngoài.  

Những ngày qua, theo dõi thông tin GS. Trương Nguyện Thành rời bỏ cương vị và về lại Mỹ do không đáp ứng được những quy định trong luật Giáo dục Đại học của Việt Nam, tôi đã suy nghĩ rất nhiều.

Tuy được Hội đồng quản trị của Trường Đại học Hoa Sen tín nhiệm với 16/18 phiếu trong cuộc họp của HĐQT bầu Hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017 – 2022, nhưng Luật Giáo dục Đại học quy định hiệu trưởng phải đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam. Do đó, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT TP. HCM không đủ cơ sở để đề xuất UBND TP. HCM công nhận vị trí Hiệu trưởng của GS. Trương Nguyện Thành.

Điều đáng suy nghĩ là GS. Thành đã vui vẻ về nước và nhiệt tình xây dựng trường Đại học Hoa Sen như ông nói: “Hơn một năm qua, tôi có cơ hội đồng hành cùng anh/chị/em vượt qua nhiều thử thách trong thời gian đầu khi Ban Giám hiệu mới tiếp quản trường cũng như cùng nhau xây dựng nhiều dự án sau đó…”.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: NVCC)

Những thông tin cho thấy, bản thân thầy Thành đã tâm huyết, rời bỏ điều kiện sống - làm việc tốt hơn ở Mỹ để về Việt Nam góp phần xây dựng nền giáo dục Đại học trong nước và các đồng nghiệp tỏ ra tín nhiệm ông (qua số phiếu 16/18). Vấn đề là, để ưu đãi trí thức Việt kiều lẽ ra cần có những “đặc cách” ngoài Luật.

Với tư cách là Uỷ viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, tôi xin kiến nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ cần đưa ra những chính sách đặc cách với các trí thức kiều bào có năng lực chuyên môn cao và nhiệt tình với đất nước.

Sáng 4/5 vừa qua, Giáo sư Trương Nguyện Thành (Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hoa Sen) đã gửi email nói lời tạm biệt với trường này với lý do không được công nhận Hiệu trưởng. Tuy được tín nhiệm bởi Hội đồng quản trị của Đại học Hoa Sen với 16/18 phiếu, nhưng theo Luật Giáo dục Đại học Việt Nam, ông chưa đạt đủ 5 năm kinh nghiệm quản lý Khoa/Phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam - tiêu chuẩn để xét vào vị trí hiệu trưởng.

Hiện nay, có gần nửa triệu trí thức Việt kiều ở những lứa tuổi khác nhau đang hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại các trung tâm khoa học lớn (trường Đại học, Viện nghiên cứu) ở hầu hết các nước phát triển. Đây là nguồn lực quý báu với dân tộc, hơn nữa lại là những đồng bào ruột thịt của nhân dân ta. Bởi vậy, việc cần làm là phải có các chính sách mang tính đặc cách với những người có mong muốn góp phần xây dựng quê hương.

Nhìn xa hơn, thành tích của các đội tuyển Toán, Lý, Hóa thi quốc tế năm ngoái của Việt Nam ở trong top ba là sự tiến bộ vượt bậc. Nếu xét theo chiều dài của thời gian, có thể nói trình độ học sinh Việt Nam ở vào khoảng top 12 trên thế giới (phù hợp với kết quả đánh giá năng lực học sinh Việt Nam của tổ chức PISA). Điều này minh chứng học sinh Việt có tố chất thông minh, giáo viên có đẳng cấp cao trên thế giới và cải cách quy chế thi chọn đội tuyển khiến thành tích tốt hơn.

Rất nhiều trí thức trẻ của chúng ta sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ đều được nước bạn mời ở lại làm cộng tác viên “sau Tiến sĩ” với mức lương có thể lên tới 4.000 USD/tháng. Trong khi đó, nếu các bạn ấy về nước chỉ có thể nhận mức lương khởi điểm là khoảng 3 triệu VND (khoảng 130 USD). Dù mức thu nhập thấp như vậy nhưng cũng đã có nhiều bạn chấp nhận về Việt Nam để sum họp gia đình và được cống hiến trực tiếp cho đất nước.

Những tiêu chuẩn khắt khe để được công nhận là hiệu trưởng đang ngăn cản bước chân người về? (Nguồn: Tuổi trẻ)

Tình hình ở Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học - nơi tôi công tác, cũng có không ít trường hợp như vậy. Nghĩa là, có nhiều bạn đang có những đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao trình độ khoa học cho Viện, góp phần tìm kiếm các loài vi sinh vật mới, thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước nhưng chưa được trả thu nhập xứng đáng.

Vấn đề là phải nhìn thẳng vào sự thật. Về lâu dài, không thể chỉ động viên nhân tài suông một cách duy ý chí. Chẳng hạn, nhiều bạn có con nhỏ và riêng mức các bạn chi để thuê người giúp việc trông con để mình có thời gian đi làm hiện nay không thể dưới 5 triệu VND. Mặt khác, đòi hỏi Nhà nước trả lương cao, dù chỉ 1.000 USD như có địa phương đã thực hiện, tôi nghĩ cũng không ổn bởi sẽ rất chênh lệch nếu so sánh với nhiều người khác làm thâm niên lâu năm hơn trong cùng cơ quan đã và đang cống hiến hết mình nhưng thực tế cũng chỉ được trả lương vài trăm USD mà thôi.

Cách chúng tôi đang phấn đấu thực hiện là một mặt khuyến khích và tạo điều kiện cho họ thực hiện các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ (đặc biệt quan tâm đến điều kiện để có được nhiều công bố quốc tế). Mặt khác, chúng tôi dồn sức xây dựng một phân xưởng sản xuất các sản phẩm mới để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào sản xuất và sử dụng một phần lợi nhuận để cải thiện mức sống cho các bạn ấy. Mô hình phân xưởng sản xuất của chúng tôi tại Hoà Lạc đáng được các cấp lãnh đạo coi như một thí điểm để khuyến khích bằng các chính sách hỗ trợ thiết thực.

Ai cũng biết “có thực mới vực được đạo”. Nếu những nhà lãnh đạo chỉ hô hào, động viên suông, sẽ ngày càng có số đông trí thức trẻ tìm chỗ đứng tại các nước phát triển. Từ đó, chất xám mà chúng ta đang đào tạo cho đến hết cấp Đại học sẽ lần lượt chảy hết ra nước ngoài. Dù rất xót xa nhưng đó là sự thật!

Ông Trương Nguyện Thành sinh năm 1962, là tiến sĩ khoa học ngành hóa và tính toán do Trường Minnesota (Hoa Kỳ) cấp năm 1990. Ông tham gia giảng dạy tại Đại học Utah (Hoa Kỳ) từ năm 1992-2002, tham gia công tác tuyển sinh và quản lý sinh viên cao học khoa hóa của trường này.

Ông Thành cũng từng là Viện trưởng khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM) từ tháng 11/2007 đến tháng 6/2017. Từ tháng 1/2017 tới nay, ông Thành đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng điều hành của Đại học Hoa Sen.

Ông Trương Nguyện Thành, vị giáo sư từng "gây bão" khi mặc quần đùi giảng bài trước sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, hiện đi công tác tại Mỹ.

                                                                                          GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng