GS. Phan Văn Trường cho rằng, người là công dân toàn cầu có thái độ, trách nhiệm với xã hội, tôn trọng tất cả mọi người, trước nhất là tôn trọng chính mình. |
Không phải giỏi ngoại ngữ… mới thành công dân toàn cầu
Thưa ông, người trẻ Việt, đặc biệt là thế hệ gen Z cần có những kỹ năng gì để cạnh tranh với thanh niên quốc tế cũng như phát triển bản thân?
Thế hệ gen Z ở nước ta vô cùng sắc sảo, thông minh, nhanh nhẹn, hiếu học. Điều chúng ta phải thay đổi, phải điều chỉnh là thái độ trong cuộc sống và hiểu rằng, các em phải biết sử dụng lý trí để phân tích các vấn đề, phân loại các trường hợp gặp phải để giải quyết vấn đề đó qua tư duy hệ thống.
Hiện tại, cái thiếu nhất của thế hệ gen Z là rất ít bạn nắm vững tư duy hệ thống. Khi các em học tư duy hệ thống, bước đi một bước cũng phải hỏi tại sao và biết nối liền các ý tưởng.
Đồng thời, biết sử dụng trí tuệ để lý luận và tìm cách đi từ mắt xích nọ sang mắt xích kia để đưa tới kết quả và thuyết phục người khác.
Nếu nói chuyện bằng sự quyết tâm, bằng khẩu hiệu nhưng không có lý luận hệ thống sẽ khó thuyết phục. Nhìn lại, giáo dục của chúng ta vẫn còn tình trạng học thuộc lòng nhiều, điều này sẽ cản trở sự sáng tạo của chính các em.
Theo ông, tiêu chí nào để trở thành công dân toàn cầu?
Tôi cho rằng, làm công dân toàn cầu phải là một "công dân" trước khi nghĩ đến chuyện "toàn cầu". Khó lòng đưa ra định nghĩa cho khái niệm này dựa trên những tiêu chuẩn vật chất.
Như câu nói của triết gia Socrates: "Tôi không phải là công dân của riêng thành phố Athens hay nước Hy Lạp, mà còn là một công dân toàn cầu".
Để trở thành công dân toàn cầu, chúng ta phải yêu địa cầu, yêu nhân loại, yêu sinh vật, yêu môi trường… Rất nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, cần phải có nhiều tiêu chí nhưng tôi nghĩ, không phải cứ biết ngoại ngữ, làm ở nơi này, nơi kia mới trở thành công dân toàn cầu.
"Công dân toàn cầu không phải là bằng cấp, mà là thái độ, là phong cách, là làm cho con người trở nên sang trọng hơn, biết phụng sự, sống trách nhiệm hơn, tự trọng hơn, tử tế hơn". |
Muốn hòa nhập được trong các môi trường đa văn hóa thì người trẻ phải tự thoát ra khỏi vỏ bọc của bản thân, đừng tự tạo ra rào cản cho chính mình.
Giờ đây, khi biên giới quốc gia ngày một bị xóa nhòa, làn sóng di chuyển đang diễn ra trên toàn cầu. Mặt khác, thế giới được vận hành trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó, thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng.
Do đó, các bạn trẻ càng phải tự tin. Nhưng trong sự tự tin đó, phải học tập, tư duy không ngừng. Đất nước chúng ta phải trở thành hùng cường.
Có thể nói, bên cạnh những yếu tố thuận lợi về vị trí, tiềm năng, người Việt có khả năng hấp thu và tiến bộ rất nhanh. Đó là điều đáng tự hào.
Các bạn trẻ cần hiểu về thế mạnh bản thân và biết cách làm nổi bật bản sắc trong cộng đồng quốc tế ra sao, thưa Giáo sư?
Mọi người đều có thể trở thành công dân toàn cầu và cùng nhận trách nhiệm tái kiến thiết thế giới này. Chúng ta phải có sự đáp ứng, sinh sống ôn hòa với cộng đồng đó.
Trong cuốn sách “công dân toàn cầu, công dân vũ trụ” mà tôi vừa ra mắt, tôi có nói rõ các công dân toàn cầu có những chân dung khác nhau. Thế nhưng, họ cũng có những điều chung là con người rất tự trọng.
Tôi nghĩ, để trở thành công dân toàn cầu, các em hãy tự trọng. Tự trọng chính là nền tảng, là mỗi lời nói là một lời cam kết. Bởi khi có lòng tự trọng, con người sẽ biết giữ lời, biết tuân theo các luật chơi của xã hội.
Mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi quốc gia đều có sứ mệnh thiêng liêng. Chính sứ mệnh và việc thực hiện sứ mệnh ấy sẽ tạo nên một công dân toàn cầu.
Bài học vỡ lòng chỉ từ việc nhặt rác
Góc nhìn của ông về vấn đề bổ sung kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội, đặc biệt kiến thức về Việt Nam để bước ra môi trường quốc tế?
Công dân toàn cầu bắt buộc phải có văn hóa nhưng không phải là bằng cấp buộc ta phải học cái này, học cái kia, phải đi thi thì mới trở thành công dân toàn cầu.
Thực tế, công dân toàn cầu không phải là bằng cấp, mà là thái độ, là phong cách, là làm cho con người trở nên sang trọng hơn, biết phụng sự, sống trách nhiệm hơn, tự trọng hơn, tử tế hơn. Đồng thời, đó là những người phải biết quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, có cái nhìn rộng, không kỳ thị văn hóa nào và sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết.
Tôi vẫn nhớ cuộc nói chuyện với các em học sinh cấp 3 ở Bắc Giang. Khi tôi yêu cầu các em áp dụng nguyên tắc đầu tiên của công dân toàn cầu, đó là mỗi tuần các em sẽ nhặt một mẩu giấy dưới đất bỏ vào thùng rác. Tuy nhiên, thay vì hào hứng đáp lại, dường như gương mặt các bạn trẻ ngẩn ra.
Tôi nói với các em rằng: “Thầy làm điều đó mỗi phút trong suốt cuộc đời. Các em thấy khó vì chưa bao giờ làm. Thậm chí có giấy trong túi còn vứt xuống đất…”.
Vì sao tôi yêu cầu các em làm như vậy? Bởi đây là nguyên tắc đầu tiên mà một công dân toàn cầu cần phải học, biết yêu thương địa cầu, nơi các em sinh sống. Bởi mỗi người chỉ cần vứt một tờ giấy, trái đất sẽ trở thành “trái rác”.
Đó là bài học vỡ lòng tôi muốn các bạn trẻ hiểu trước khi ước mơ những điều lớn lao hơn.
GS. Phan Văn Trường khuyên các bạn trẻ phải biết tận dụng cơ hội và làm việc gì cũng phải có đạo đức. (Nguồn: TT) |
Vậy người Việt trẻ cũng cần tìm hiểu các xu hướng phát triển cũng như tận dụng cơ hội từ các diễn đàn thế nào để phát triển bản thân?
Thực ra, rất nhiều người trở thành công dân toàn cầu rồi nhưng không biết. Chúng ta đừng nghĩ công dân toàn cầu là phải nói rất nhiều ngoại ngữ, đã đi nhiều quốc gia, phải có hai, ba hộ chiếu, phải có nhiều quan hệ, phải có nhiều tài khoản trong các ngân hàng quốc tế.
Người là công dân toàn cầu có thái độ, trách nhiệm với xã hội, với loài người, sống tôn trọng tất cả mọi người, trước nhất là tôn trọng chính mình.
Thế nên, dù có nhiều đại gia giàu mà không phải công dân toàn cầu. Ngược lại, có không ít nông dân vẫn là công dân toàn cầu. Bởi vì, họ không gian dối, là người chân chính.
Họ là người nông dân trung thực, trồng cây trên đất hữu cơ, không dùng phân bón hóa chất, không làm chuyện gì tổn hại đến người khác. Họ cũng không làm những điều tối kỵ.
Họ yêu sản phẩm của mình, trân quý khách hàng và là người đề cao văn hóa truyền thống.
Làm việc gì cũng cần đạo đức
Xu hướng hội nhập đã giúp người Việt trẻ dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với những nguồn tri thức mới. Vậy ông có thể đưa ra những thông điệp thành công dành cho các bạn trẻ?
Thành công của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng tựu chung sẽ dựa trên một số nguyên tắc. Một là, bất cứ việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, chứ không phải làm cho xong việc. Tư duy làm cho xong việc là “tư duy chết”.
Hai là, bạn trẻ đừng bao giờ nghĩ đến tiền khi làm việc. Bởi lẽ, khi lao động với nhiệt huyết của bản thân tự khắc sẽ có kết quả, tiền sẽ đến. Hơn nữa, nếu chỉ nghĩ đến tiền sẽ không thể đào sâu trong công việc được, cũng không thể khai thác hết tiềm năng của chính bạn.
"Khi các em có đạo đức, nỗ lực làm việc, làm thật sâu sắc và có lòng nhân ái với mọi người, các em sẽ thấy tại sao xã hội tốt hơn và bản thân các em cũng được trân trọng hơn. Đó chính là giá trị cho người khác cũng là giá trị cho chính mình". |
Ba là, khi bắt tay vào việc gì cũng phải làm hết sức mình. Sự cố gắng này nhằm tạo ra giá trị cho chính bản thân mỗi người. Bởi sự “dày hay mỏng” của mỗi cá nhân là do chính sự cố gắng của họ.
Bốn là, cơ hội của mỗi người thực tế rất nhiều, tuy nhiên, song hành với nó là những thách thức. Cơ hội thật sự là một thách thức mà khi các em làm được, các em sẽ được đánh giá đúng và được giao thêm nhiều trọng trách lớn hơn.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh một điều rất quan trọng, đó là đạo đức. Bất kỳ việc gì cũng cần đạo đức. Mỗi một việc làm đều phải có ích cho cộng đồng, phải biết xin lỗi khi mắc sai lầm. Tuy nhiên, đạo đức là thứ khó giữ và phải luôn rèn luyện trong suốt cuộc đời.
Khi các em có đạo đức, nỗ lực làm việc, làm thật sâu sắc và có lòng nhân ái với mọi người, các em sẽ thấy tại sao xã hội tốt hơn và bản thân các em cũng được trân trọng hơn. Đó chính là giá trị cho người khác cũng là giá trị cho chính mình.
Mỗi người cần giữ thái độ tích cực, phải tự đánh giá chính mình, biết hoàn thiện những điểm yếu để ngày càng tốt hơn, tăng thêm giá trị cho bản thân.
Tôi vẫn thường hay nói rằng, xã hội bao giờ cũng đánh giá mình đúng lắm, họ không đánh giá sai ai cả. Nếu đánh giá sai có nghĩa là mình làm chưa đủ tốt. Tôi hy vọng mỗi bạn trẻ đều có thể tìm thấy những gợi ý để hoàn thiện chính mình.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Giáo sư Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là Cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được Tổng thống Pháp tặng Huy chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh năm 2007. Ông cũng là "cha đẻ" của những cuốn sách nổi tiếng "Một đời thương thuyết", “Một người như kẻ tìm đường”, “Một đời quản trị”, “Công dân toàn cầu - công dân vũ trụ”. |