Ngày 5/7, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), GS. Trịnh Xuân Thuận có buổi gặp gỡ, giao lưu với độc giả xung quanh cuốn sách Đối mặt với vũ trụ. Vốn là người thích đọc sách của hai nhà bác học nổi tiếng trên thế giới là Albert Einstein và Isaac Newton, ông bộc bạch: “Việt Nam cần phải có cách để khơi dậy ý chí khoa học trong giới trẻ, bởi khoa học là tương lai của đất nước. Chính phủ Việt Nam cần phải lưu ý hơn về điều này”.
GS Trịnh Xuân Thuận chia sẻ với độc giả. |
Năm 2004, bằng việc sử dụng kính thiên văn không gian Hubble, GS. Trịnh Xuân Thuận đã khám phá ra thiên hà trẻ nhất trong vũ trụ quan sát được. Vượt lên trên ngôn ngữ bác học và khoa học kỹ thuật, ông còn là một người kể chuyện tài tình: “Tự nhiên không hoàn toàn câm lặng”. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi, hé lộ với chúng ta những nốt hoặc những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên, không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần phải khám phá ra bí mật của các giai điệu ẩn giấu ấy đặng nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó” (trích trong Giai điệu bí ẩn và con người đã tạo ra vũ trụ).
Là người có niềm đam mê mãnh liệt đối với vũ trụ, GS Trịnh Xuân Thuận mang đến những vấn đề mang tính triết học: Vũ trụ có nguồn gốc từ đâu? Chúng ta có nguồn gốc từ đâu? Con người giữ vị trí như thế nào trong vũ trụ? Phải chăng chúng ta mang trong mình toàn bộ vũ trụ, và chúng ta hoàn toàn không thể cắt rời khỏi vũ trụ? Không chỉ phổ biến khoa học từ cái nhìn độc đáo, các tác phẩm của ông còn có những dự đoán về hành tinh chúng ta trong tương lai với những vấn đề đang tàn phá trái đất như nạn phá rừng, ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, biến đổi gien...
Trả lời cho câu hỏi “khi nghiên cứu về vũ trụ, bản sắc Việt Nam của ông đậm đà đến đâu?”, Giáo sư Thuận nói rằng: “Tôi là người Việt Nam, những gì tôi làm trong đời, viết sách, nhìn vũ trụ nhất định đều ảnh hưởng bởi đất nước và có hình ảnh Việt Nam trong đó. Đạo Phật thực sự giúp tôi những ngày xa Tổ quốc”.
Ông cũng cho rằng càng nghiên cứu, con người vừa cảm thấy buồn bã, hoang mang, vừa vui và nuôi hy vọng mới. Bởi với ông, con người đã không xuất hiện một cách ngẫu nhiên mà là hậu duệ của các ngôi sao. “Các ngôi sao là thủy tổ của chúng ta nhưng tôi tin vào vẻ đẹp của trái đất”, ông khẳng định.