📞

GS. Trương Nguyện Thành: Đừng lấy mức lương ra làm thước đo cho sự thành công

Yến Nguyệt 13:50 | 28/12/2021
Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, GS. Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) cho rằng, các bạn trẻ cần tích cực, năng động trong việc trau dồi kỹ năng, trải nghiệm để tạo sự khác biệt cho mình, có thể cạnh tranh với thị trường lao động.
GS. Trương Nguyện Thành khuyên các bạn trẻ hãy tiếp tục gõ cửa, tiếp tục đi tới, vì nếu bạn dừng, không tiếp tục đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận thua cuộc.

Theo Giáo sư, đại dịch Covid-19 đã tác động thế nào đến giáo dục? Dịch cũng dạy mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ việc phải học hỏi để thích nghi, thích ứng ra sao?

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục tồn tại, ở trong biến thể nào, có nguy hiểm với con người nữa hay không, chuyện đó chúng ta chưa biết. Hy vọng rằng những biến thể tiếp theo sẽ yếu đi.

Tôi cho rằng, cách tốt nhất, đừng hy vọng rằng có một ngày dịch Covid-19 sẽ biến mất. Theo định luật tiến hóa của Darwin thì Covid-19 virus sẽ tiếp tục biến hóa để tồn tại.

Để tồn tại trong cuộc chiến với Covid-19, có lẽ mỗi người phải làm sao cho hệ miễn dịch của mình mạnh hơn, tăng cường khả năng sinh tồn của mình. Đó là, cần tiêm vaccine đầy đủ và tập thể dục thường xuyên.

Một vấn đề khá quan trọng mà giáo dục cần hướng đến và quan tâm đó là tạo ra những con người luôn trong tâm thế thích nghi với mọi đổi thay của cuộc sống. Và theo ông, hành trang của các bạn trẻ bây giờ cần có những gì?

Thứ nhất, đó là khả năng tự học, trau dồi tính tò mò. Câu chuyện Covid-19 cho thấy, nếu không tự học, không có khả năng tự tìm kiếm kiến thức, lệ thuộc vào tất cả vào những gì thầy cô dạy qua trực tuyến sẽ bị tụt hậu.

Bởi nếu việc dạy và học trực tuyến không hiệu quả thì bạn có thể đã bỏ phí 2 năm rồi. Trong khi đó, sự cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng khốc liệt, người nào có khả năng tự học tốt thì người đó thích nghi tốt nhất.

Trong chuyện trau dồi kiến thức mới, tôi nghĩ vấn đề sức khỏe trở nên quan trọng hơn, dịch bệnh đã dạy cho chúng ta biết coi trọng sức khỏe hơn. Do đó, cần có kiến thức về sức khỏe, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

Nhưng thực tế tôi thấy các bạn trẻ ít khi coi trọng việc rèn luyện sức khỏe, tập thể dục vì cho rằng mình không có bệnh là khỏe. Điều này hoàn toàn không đúng.

Một người U70 như tôi nhờ tập thể dục hằng ngày có thể khỏe hơn cậu thanh niên 20 tuổi mà không hề tập thể dục. Dịch Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi tư duy và những hoạt động hằng ngày.

Có thể nói, dịch Covid-19 cũng đã thay đổi hoàn toàn thị trường lao động. Vì thế, để không bị đào thải bởi quy luật tiến hóa, người trẻ cần phải hành động gì để thích nghi với môi trường mới?

Tôi nghĩ, cần phải có cái nhìn tích cực về năng lực. Có nghĩa, khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế sẽ co lại. Khi nền kinh tế co lại thì thị trường lao động sẽ co lại. Thị trường lao động co lại thì nhóm sinh viên ra trường sẽ gặp rất nhiều thử thách.

Tôi nghĩ các bạn trẻ cần tích cực, năng động trong việc trau dồi kỹ năng, năng lực, kiến thức, trải nghiệm để tạo sự khác biệt cho mình, ít nhất bạn có thể cạnh tranh với thị trường lao động hiện có.

"Tiếp tục gõ cửa, tiếp tục đi tới, vì nếu bạn dừng, không tiếp tục đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận thua cuộc. Nếu bạn có một niềm hy vọng tương lai ngày mai sẽ tốt hơn và tiếp tục thử, cho dù bạn nộp hồ sơ, phỏng vấn 10 hay 15 công ty đều không có câu trả lời tốt thì vẫn tiếp tục, rồi một ngày sẽ tốt".

Tôi nghĩ, trong vài tháng nữa, thị trường lao động cho sinh viên mới ra trường sẽ có nhiều thử thách. Cho nên, sinh viên cần chuẩn bị sớm, tích cực, năng động để tìm kiếm cơ hội việc làm, đi thực tập, lăn xả vào những vấn đề xã hội để tạo cho mình những mối quan hệ mới, tìm kiếm cơ hội mới…

Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống, để không chùn bước trước khó khăn?

Khi gặp một thử thách nào đó, đừng có nản lòng. Tôi chắc chắn các bạn trẻ mới ra trường, hoặc người sắp ra trường sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm nhưng đừng nản.

Tiếp tục gõ cửa, tiếp tục đi tới, vì nếu khi bạn dừng, không tiếp tục đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận thua cuộc. Nếu bạn có một niềm hy vọng tương lai ngày mai sẽ tốt hơn và tiếp tục thử, cho dù bạn nộp hồ sơ, phỏng vấn 10 hay 15 công ty đều không có câu trả lời tốt thì vẫn cần tiếp tục, rồi một ngày sẽ tốt.

Sau mỗi lần phỏng vấn, hãy tự đánh giá coi khía cạnh nào mình có thể làm tốt hơn. Là bạn trẻ, đừng dừng bước, đừng bao giờ bỏ cuộc.

Ông từng đề cập một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống cũng như phát triển sự nghiệp mà ít khi được nhắc tới đó là tâm thế làm chủ. Và theo ông, hiểu làm chủ thế nào cho đúng?

Tâm thế làm chủ là làm chủ bản thân. Ở đây, mình chủ động, chủ động trong tìm việc làm, chủ động trong vấn đề học hỏi, chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức, tìm kiếm cơ hội và chủ động trong việc rèn luyện những kỹ năng giúp mình sống độc lập.

Nghĩa là, chủ động trong mọi thứ, cần khả năng làm chủ bản thân mình, làm chủ con người mình. Mỗi người đều có trách nhiệm với tương lai và cuộc sống của chính mình. Đặt mình vào tâm thế đó, các bạn trẻ sẽ thấy cần phải làm những gì.

Lúc này người trẻ nên tập trung vào mục tiêu trở thành người thành công hay hướng đến sống làm người có giá trị?

Bây giờ, nên có một tâm thế là bạn sống làm sao, bạn đem lại giá trị gì cho công ty đó, cho cộng đồng trước khi đi phỏng vấn.

Với những kinh nghiệm, kiến thức của bạn, bạn sẽ đem lại những giá trị gì cho công ty mà bạn muốn “đầu quân”. Nghĩa là, cần phải trong tâm thế mình đem lại giá trị cho công ty.

Cho nên, hiện tại với các bạn trẻ, đừng quá quan trọng vào mức lương. Hãy nhìn vào cơ hội trải nghiệm, kiến thức mà mình có thể học hỏi ở những vị trí mà mình được giao.

Đừng lấy mức lương ra làm thước đo cho sự thành công. Nói đúng hơn, với bạn trẻ, đây không phải là lúc đo thành công ở mức lương.

Sự biến động không ngừng của thế giới buộc mỗi người phải thay đổi thế nào, phải học hỏi ra sao để nắm cơ hội mới, nghề nghiệp mới cho chính mình, theo ông?

Tôi nghĩ, các bạn trẻ nên quan tâm tới những sự thay đổi trong xã hội, trong kinh tế, quan tâm tới sự thay đổi xung quanh mình. Có sự quan tâm tới môi trường, xã hội, với kinh tế thì bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn, sẽ thể hiện năng lực nhiều hơn.

Hãy dành một phần thời gian bạn chơi game, lướt Facebook… để quan tâm đến diễn biến đang xảy ra trên thế giới cũng như trong xã hội và kinh tế Việt Nam. Từ đó, ít ra bạn cũng biết được những gì đang xảy ra ở môi trường sống xung quanh mình.

Từ câu chuyện đi xin việc của mình, ông muốn truyền cảm hứng gì cho các bạn trẻ?

Năm tôi ra trường, kiếm việc làm quả thật khó khăn bởi ở Mỹ khi đó đang bị khủng hoảng kinh tế. Một người Việt Nam mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, một người ngoại quốc cạnh tranh với thị trường học thuật trở thành giáo sư, thực sự rất khó.

Cũng nên nhắc lại, tôi đến Mỹ không có một tí kiến thức tiếng Anh, học lực thì chỉ là loại trung bình của trường làng ở Lái Thiêu, Bình Dương. Tôi cạnh tranh với tinh hoa của cả thế giới khi muốn một vị trí Giáo sư ở một trường đại học Mỹ.

"Bạn trẻ phải chuẩn bị một tâm thế, mình phải có gì đó khác biệt, giỏi hơn người ta, mình thể hiện được kỹ năng, kiến thức nhưng kiến thức không cũng chưa đủ, phải nói lên được giá trị của mình đem lại cho tổ chức đó hơn những ứng viên khác".

Cho nên, bạn trẻ phải chuẩn bị một tâm thế, mình phải có gì đó khác biệt, giỏi hơn người ta, mình thể hiện được kỹ năng, kiến thức nhưng kiến thức không cũng chưa đủ, phải nói lên được giá trị của mình đem lại cho tổ chức đó hơn những ứng viên khác.

Mình hãy tìm hiểu xem những ứng viên nào ở trên thị trường, phải đặt mình ở các vị trí, nêu lên sự khác biệt. Tức là, câu hỏi mà bạn trẻ phải trả lời trước khi muốn phỏng vấn là tại sao công ty, tổ chức đó lại nhận bạn thay vì những ứng viên có điểm cao hơn, học trường tốt hơn bạn?

Ngoài kiến thức, theo ông, điều gì là quan trọng nhất đối với một bạn trẻ?

Kiến thức chỉ là một phần và không phải là thứ trọng yếu duy nhất, ngoài kiến thức còn có kỹ năng, tư duy và nhân cách. Có khi họ thuê một người không có kiến thức nhưng có nhân cách vì nghĩ rằng họ có thể đào tạo. Cho nên, kiến thức không phải là điều duy nhất quan trọng.

Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là nhân cách của con người, cho nên có kiến thức, có kỹ năng, thông minh, xuất chúng mà không có nhân cách tốt thì rất nguy hiểm cho xã hội.

Thà rằng một người không có năng lực, không có kiến thức, không nguy hiểm. Với tôi, nếu có nhân cách thì ít ra xã hội đó có thành viên tốt.

Con người sống có giá trị cần có 3 khía cạnh như một cái kiềng ba chân, đó là kiến thức, kỹ năng và nhân cách.

Ông có lời khuyên nào cho phụ huynh trong việc giáo dục, định hướng con cái?

Với phụ huynh, tôi cho rằng hãy để cho con trẻ có một không gian để xây dựng cuộc sống cho mình. Tôi không định hướng cho con phải làm gì mà chỉ đồng hành và trả lời thắc mắc của con trong vấn đề khám phá tương lai.

Tôi chỉ đi cùng, để con tự khám phá, nếu có thắc mắc gì thì trả lời, nhưng con tự quyết định con đường tương lai. Vì khi con làm được điều đó, con sẽ có trách nhiệm với quyết định của mình. Nhờ vậy mà con có động lực để vượt qua những thử thách trên hành trình cuộc sống.

Cho nên tôi chỉ nói cách tôi làm là đồng hành với con, giúp con tự khám phá tương lai của mình chứ không định hướng cho con nên học gì, theo nghề gì.

Xin cảm ơn ông!

GS. Trương Nguyện Thành có kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông trở thành Giáo sư chính môn Hóa Lý tại Đại học Utah (Mỹ) vào năm 1992.

Là nhà khoa học nổi tiếng với gần 200 bài nghiên cứu quốc tế và 2 bằng phát minh, GS. Trương Nguyện Thành đồng thời là người sáng lập Mạng lưới Trí thức Việt toàn cầu. Ông cũng đã giúp đỡ nhiều sinh viên Việt giỏi sang Mỹ du học bằng nguồn tiền từ quỹ nghiên cứu của mình.