GS. Trương Nguyện Thành cho rằng cha mẹ nếu muốn cho con đi du học thì nên chuẩn bị cho con kỹ năng sống tự lập và tâm lý đủ chín chắn trước. |
Việc mong muốn cho con đi “du học non” đưa đến nhiều hậu quả trong tương lai của con mà cha mẹ nếu chưa sống ở Mỹ có thể không nhận ra. Ông có thể chỉ ra những hệ lụy cụ thể?
Nhiều người cho rằng du học "non” để con có thể hội nhập văn hóa Mỹ nhanh hơn. Theo tôi, điều này đúng nhưng đây có thể là "con dao hai lưỡi". Càng trẻ thì khả năng hội nhập về mặt ngôn ngữ và văn hóa càng nhanh, điều này cũng dẫn đến khả năng “quên” ngôn ngữ và văn hóa mẹ đẻ cũng nhanh hơn. Trước 14 tuổi, nếu không có nhiều cơ hội trau dồi tiếng mẹ đẻ thường xuyên, sẽ dần chọn tiếng Anh để giao tiếp và sau vài năm sẽ dễ quên tiếng mẹ đẻ.
Thứ hai, hệ lụy về xung đột văn hóa. Điều mà nhiều cha mẹ Việt không để ý và không có nhiều kinh nghiệm đó là ở khía cạnh văn hóa Việt và Mỹ khá khác nhau. Do đó, nếu con em hội nhập văn hóa Mỹ thì có khả năng sẽ xung đột với cha mẹ ở nhiều nhận định, quan điểm trong cuộc sống và xã hội.
Ví dụ, trong văn hóa Mỹ, gia đình chỉ gói gọn cha mẹ và con cái, còn nội ngoại khi về già thường vào Viện dưỡng lão. Khi con em hội nhập văn hóa Mỹ và có gia đình sẽ nhận định, ứng xử như thế nào khi cha mẹ mình già?
Một ví dụ nữa, văn hóa Mỹ đề cao tính tự lập và dạy con tính tự lập từ khi mới sinh ra như cho con ngủ riêng, tự ăn khi 1-2 tuổi, tự tắm khi 3-4 tuổi… Như chia sẻ trong sách “Cha Voi”, tôi từng đề cập cha mẹ Mỹ dù dư giả cũng cho con đi làm thêm từ khi 15-16 tuổi để tập tính tự lập và khi ra trường THPT thì con em họ hầu như ra riêng và sống cuộc sống tự lập cho dù vào đại học.
Vậy cha mẹ nghĩ khả năng của con em mình trong việc xây dựng các mối quan hệ bạn bè với người Mỹ trong trường như thế nào? Đến khi con em hội nhập thì khả năng cao sẽ "đối chọi" về quyền quyết định cuộc đời của mình với cha mẹ. Theo tôi, đây mới chỉ là hai ví dụ điển hình.
Thứ ba, không có người thân bên cạnh trong giai đoạn quan trọng của phát triển tâm sinh lý. Con em vào lứa tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi nhanh chóng. Đây là giai đoạn quan trọng trong phát triển tâm lý của con em khi trưởng thành. Kể cả khi có gia đình bên cạnh mà con em còn cảm thấy khó khăn trong giai đoạn này. Vậy trẻ sẽ như thế nào khi môi trường sống xung quanh hoàn toàn xa lạ lại không có cha mẹ bên cạnh trong giai đoạn “nổi loạn” này?
Thứ tư, giai đoạn quan trọng trong phát triển quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ. Tuổi dậy thì cũng là giai đoạn phát triển quan hệ giữa cha mẹ với con cái có nhiều thay đổi nhanh chóng.
Trong quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách, trẻ dần hình thành nhận thức riêng về cuộc sống, xã hội, cá nhân. Những nhận thức này đa phần cần có thêm góp ý và đồng hành của cha mẹ hay người thân để được hoàn chỉnh hơn. Nếu cha mẹ không ở bên cạnh, không đọc được những ngôn ngữ không lời của con, liệu rằng cha mẹ có thể giúp con trưởng thành như mong đợi?
Nói vậy có nghĩa, quyết định cho con đi du học cần cân nhắc giữa được – mất để tránh những hệ lụy lâu dài?
Đúng là mỗi quyết định đều có cái được và mất, đều có cơ hội và rủi ro. Điều quan trọng là cần phải xác định rõ mục tiêu của việc cho con đi du học là gì? Đôi khi cũng có những mục tiêu không vì tương lai của con mà cha mẹ không nhận thức được hay không tiện nói ra. Cho dù là mục tiêu gì thì sự trưởng thành của con tốt hay xấu vẫn là đích đến.
Sự trưởng thành này trong một môi trường sống hoàn toàn xa lạ lệ thuộc nhiều vào kỹ năng sống và độ trưởng thành về tâm sinh lý của con. Cá nhân tôi khi đến Mỹ lúc 19 tuổi, không có kiến thức gì về xã hội Mỹ, tiếng Anh hầu như không biết, cũng không có người thân bên cạnh để nương tựa. Tôi chỉ có vốn sống và sự trưởng thành về tâm sinh lý vì bắt đầu bán thuốc lá để phụ giúp gia đình từ khi 11 tuổi rồi đi làm thuê lúc 16 tuổi.
Vậy câu hỏi được đặt ra, nên cho con đi du học ở độ tuổi nào là hợp lý, theo ông?
Theo tôi, cần phải đánh giá cái được và mất, đánh giá cơ hội và rủi ro trong quá trình vươn tới những mục tiêu ấy. Chúng ta khi đứng trước một quyết định đầu tư cho tương lai với nhiều hy vọng thì thường đánh giá quá cao về cái được và cơ hội nhưng lại đánh giá quá thấp về cái mất và rủi ro.
Nếu chúng ta đầu tư làm một sản phẩm, nếu nó hỏng thì ta có thể vứt bỏ nó và làm lại. Đầu tư du học cho con là đầu tư phát triển cá nhân, nếu sản phẩm hư hỏng thì ảnh hưởng không chỉ cả đời còn lại của con mà có khả năng ảnh hưởng đến đời cháu của con.
Do đó, cha mẹ nếu muốn cho con đi du học thì nên chuẩn bị cho con kỹ năng sống tự lập và tâm lý đủ chín chắn trước chứ đừng nên nôn nóng cho con đi du học "non” để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Xin cảm ơn GS!
GS. Trương Nguyện Thành có kinh nghiệm hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông trở thành Giáo sư chính môn Hóa Lý tại Đại học Utah (Mỹ) vào năm 1992. Là nhà khoa học nổi tiếng với gần 200 bài nghiên cứu quốc tế và 2 bằng phát minh, GS.Trương Nguyện Thành đồng thời là người sáng lập Mạng lưới Tri thức Việt toàn cầu. Ông cũng đã giúp đỡ nhiều sinh viên Việt giỏi sang Mỹ du học bằng nguồn tiền từ quỹ nghiên cứu của mình. |