Đề tài thưởng Tết cho giáo viên luôn là nỗi niềm bao năm của người cầm phấn. (Ảnh: Minh Hiền) |
Những câu hỏi “Năm nay, trường bạn thưởng bao nhiêu" vẫn luôn được đồng nghiệp hỏi nhau mỗi khi trò chuyện.
Thế rồi, người ta xuýt xoa khi nghe mức thưởng của trường nào đó đạt ngưỡng tiền triệu và chúc mừng đồng nghiệp sẽ có cái Tết ấm no. Người ta ước ao giá như nơi mình cũng được như vậy để những lo toan, những vất vả thường nhật về chuyện cơm áo gạo tiền sẽ bớt đè nặng, bủa vây vào những ngày giáp Tết, để cho con cái cũng được xúng xính thêm manh áo mới, cho cha mẹ, người thân có thêm chút quà ấm nồng tình thân trong những ngày Xuân.
Tuy thế, ước ao cũng chỉ là ao ước vì muốn có tiền thưởng Tết cho giáo viên không đơn giản chỉ là nhờ cái tài của hiệu trưởng nhà trường biết thắt chặt các khoản chi tiêu, biết chi tiêu trong năm sao cho hợp lý. Tiền thưởng Tết giáo viên có được phụ thuộc rất nhiều vào việc cấp ngân sách cho giáo dục ở từng địa phương.
Địa phương chi thoáng cho giáo dục thì thầy cô còn mong có chút tiền thưởng cuối năm gọi là thu nhập tăng thêm. Địa phương nào cấp ngân sách nhỏ giọt, nhà trường chi phí các khoản cố định hằng tháng còn chưa đủ thì dù thu chi hợp lý ra sao thì cuối năm cũng khó dôi dư ra một khoản để thưởng Tết.
Minh chứng rõ ràng nhất là một số địa phương lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hà Nội… năm nào giáo viên công lập cũng được nhận thưởng Tết. Còn giáo viên nhiều thỉnh thành khác một trăm ngàn cũng không hề có. Và rồi hết năm này đến năm khác vẫn cứ "đều như vắt chanh".
Ai cũng ngậm ngùi cho “nghề cao quý”, áp lực luôn bủa vây mà đãi ngộ chỉ nhỏ giọt. Vì thế, đời sống nhà giáo nói chung luôn khó khăn, chật vật. Tâm lý có một đồng tiền thưởng Tết để bớt gánh nặng lo toan cũng là điều dễ hiểu.
Nhiều thầy cô sợ Tết
Một số thầy cô giáo tâm sự sợ nhất là Tết và rất áp lực khi Tết đến gần. Trong khi ngân sách gia đình không tăng mà bao chuyện phải lo.
Cô giáo Thủy, một đồng nghiệp của người viết từng chia sẻ câu chuyện của gia đình: “Chi tiêu trong nhà có tằn tiện chút ít cũng được nhưng tiền đi tết ngoại, nội bắt buộc phải có. Chẳng lẽ suốt cả năm không biếu cha mẹ chút gì lương tâm cũng áy náy. Nhìn em út, rút dăm ba triệu biếu ba mẹ mà mình cứ thấy... lạnh run”.
Năm nào con cũng đòi mẹ mua cho vài ba bộ đồ Tết, đôi giày mới để dập dìu như chúng bạn. Nhưng khi nghe mẹ nói, nhà mình nghèo phải tiết kiệm thì bé la lên: “Năm nào mẹ cũng nói nhà mình nghèo, vậy khi nào mới giàu hả mẹ?”.
Giáo viên mong ngóng tiền thưởng
Có lẽ không có ngành nghề nào lại có mức thưởng Tết bèo bọt như ngành giáo dục hiện nay. Nhiều trường học gần như không có khái niệm thưởng Tết. Có những thầy cô giáo cho biết, vài chục năm đi dạy nhưng chưa biết đến một đồng tiền thưởng Tết.
Có trường thưởng cho giáo viên hộp sữa, ký đường hoặc nửa ký cá khô nhưng không ít trường, tiền thưởng đã không có mà hiện vật cũng không. Một số trường học khác nói là thưởng Tết cho giáo viên nhưng đó là nguồn kinh phí từ công đoàn mà ai chẳng biết đó chính là tiền của mình lấy thưởng cho mình thôi. Thưởng kiểu này nên nhiều thầy cô thường đùa “mỡ nó rán nó”.
Nhiều thầy cô mong ngóng tiền thưởng cũng vì họ chủ yếu chỉ sống bằng đồng lương mà không có một khoản thu nhập thêm nào khác. Trong khi đồng lương nhà giáo lại khá khiêm tốn, đôi khi chi tiêu trong tháng còn không đủ. Nhiều thầy cô luôn nói vui rằng, đồng lương nhận được cầm chưa nóng tay đã phải phân bổ vào rất nhiều khoản.
Vì thế, nhiều gia đình nhà giáo luôn phải sống trong tình trạng thiếu trước hụt sau. Hằng tháng, phải chắt chiu tính toán nát đầu mới đủ chi tiêu và dành dụm chút ít phòng khi trái gió trở trời.
Suốt một năm nỗ lực làm việc, cuối năm trông ngóng thêm chút tiền thưởng cũng là điều dễ hiểu.
Áp lực vì thế dồn lên vai người đứng đầu. Không có thưởng Tết, giáo viên buồn thì hiệu trưởng cũng tâm tư. Có hiệu trưởng bày tỏ cũng muốn thưởng Tết cho giáo viên cho có hương vị ngày Tết. Thế là, có trường gói ghém cũng thưởng được non triệu đồng, trường ít hơn cũng được vài trăm nghìn đồng. Tội nhất là những trường không có một đồng tiền thưởng.
Một hiệu trưởng chia sẻ: “Chẳng phải trường chi tiêu vô tội vạ, phần nhiều do ngân sách cấp về quá eo hẹp nên khéo gói ghém cũng mới đủ duy trì ổn định các hoạt động của nhà trường thì lấy tiền đâu để thưởng?”.
Mơ tháng lương thứ 13
Thưởng Tết nhà giáo mà phụ thuộc vào ngân sách địa phương cấp, dựa vào việc khéo chi tiêu của lãnh đạo nhà trường thì giáo viên khó có cơ hội được nhận tiền thưởng Tết.
Nghề giáo là thanh cao cần được Nhà nước đãi ngộ xứng đáng. Nhà giáo cũng không đòi hỏi phải có tiền thưởng Tết nhiều, cũng chỉ mong ước có thêm dăm triệu đồng để sắm cho con manh áo mới, có chút quà mừng tuổi cha mẹ, con cháu cho thêm phần vui vẻ.
Đừng nên để họ tủi lòng khi những ngành nghề khác Tết đều có thưởng, khi chính đồng nghiệp mình ở những địa phương khác nhận những khoản thưởng Tết đến vài ba chục triệu đồng mà nơi mình đến vài trăm ngàn cũng không có.
Vì thế, lương tháng 13 là niềm ước ao, mong mỏi của tất cả thầy cô trong nghề. Ước mong có được chút tiền thưởng dăm ba triệu để mua cho con ít bộ đồ mới, đi tết nội, ngoại cho ra tấm ra món, sắm sửa vài vật dụng trong nhà, rồi làm mâm cỗ cúng tổ tiên cho tươm tất hay vui mừng phấn khởi đón bà con về tụ họp…
* Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
| Người trẻ cần trở thành những 'chiến binh' mang tinh thần và khát vọng vươn xa TS. Cù Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo giáo dục cho rằng, cơ chế mở, pháp luật ... |
| TS. Lê Nguyên Phương: Nhà giáo dục cần có trách nhiệm giúp trẻ 'cách hiểu chính mình' Theo chuyên gia tâm lý học đường, TS. Lê Nguyên Phương, để giúp mỗi đứa trẻ bước vào đời được nhẹ nhàng hơn, phụ huynh ... |
| ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Chính sách về văn hóa phải được bắt đầu từ giáo dục ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu quan ... |
| Cần biểu dương kịp thời, xứng đáng các sáng kiến trong công tác tư vấn, giám sát và phản biện xã hội Sáng nay (22/12) tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam-VUSTA) đã tổ chức ... |
| Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong các nhân tài trẻ khát khao chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ Chiều 26/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, biểu dương 33 học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế ... |