Theo GS. TSKH. Ngô Việt Trung, trong đào tạo tiến sĩ, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng thanh lọc các cơ sở yếu kém. |
Cơ chế tự chịu trách nhiệm không có tác dụng thanh lọc cơ sở yếu kém
Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng thanh lọc các cơ sở yếu kém trong đào tạo tiến sĩ giống như trong đào tạo đại học. Xã hội ta nói chung vẫn còn thực trạng coi trọng cái bằng mà không quan tâm hoặc không sử dụng đến trình độ nghiên cứu của tiến sĩ.
Để thấy điều này, chúng ta quay lại thời kỳ các đại học tư ra đời như nấm. Khi đó, sinh viên tốt nghiệp chủ yếu đi làm trong các cơ quan hay các doanh nghiệp Nhà nước. Những nơi này không quan tâm đến năng lực thực sự của nhân viên, không làm được việc cũng khó sa thải. Vì vậy, cái bằng mới quan trọng chứ không phải kiến thức. Nhiều đại học tư chỉ cần thuê mấy phòng học và thuê giảng viên của các đại học công đến dạy là kiếm được bội tiền.
Hơn chục năm sau thì những đại học tư kiểu này sống lắt lay vì không thu hút được sinh viên nữa. Nguyên nhân nằm ở chỗ các doanh nghiệp tư nhân bây giờ đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Họ tuyển người theo năng lực chứ không theo bằng. Ai không làm được việc sẽ bị sa thải. Qua đó, xã hội biết được sinh viên đại học nào tốt, đại học nào kém.
Tình hình trong việc sử dụng nhân lực có bằng tiến sĩ hoàn toàn khác. Các doanh nghiệp tư nhân hầu như không dùng các tiến sĩ. Chỉ có các cơ quan Nhà nước hay các cơ sở giáo dục và đào tạo mới cần đến bằng cấp tiến sĩ, được chắp cánh bởi các quy định chuẩn hoá các vị trí công tác.
Phần lớn cơ quan này chỉ để ý đến cái bằng chứ không sử dụng trình độ nghiên cứu của các tiến sĩ. Vì vậy, nghiên cứu sinh sẽ tìm đến những cơ sở đào tạo “dễ dãi” mà tránh những cơ sở nghiêm túc.
Cộng với việc chuẩn đầu ra trước năm 2017 chỉ cần công bố trong nước, dễ dàng "chạy" được, nên thời gian đó mới sinh ra các lò đào tạo hàng trăm tiến sĩ rởm.
Vấn nạn này bị xoá sổ từ năm 2017 khi Bộ GD&DT yêu cầu luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế.
Phải đảm bảo tiếp cận các chuẩn mực quốc tế
Chuẩn đầu ra của Quy chế mới thậm chí còn thấp hơn những năm trước 2017, trong lúc tình hình sử dụng nhân lực vẫn như trước.
Vậy lấy gì để đảm bảo các lò đào tạo tiến sĩ rởm không tái sinh một khi Bộ đã cung cấp hành lang pháp lý cho việc đào tạo tiến sĩ với chuẩn thấp?
Tóm lại, có thể kết luận cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm không có tác dụng đào thải trong đào tạo tiến sĩ, không giúp gì cho việc nâng cao chất lượng hệ thống đại học.
Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT vẫn nên giữ yêu cầu luận án có công bố quốc tế như Quy chế 2017 với những điều chỉnh thích hợp đối với chất lượng tạp chí cũng như cho các chuyên ngành đặc thù, nhưng vẫn phải đảm bảo tiếp cận các chuẩn mực quốc tế.
Qua đây, có thể thấy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chỉ có tác dụng khi xã hội đánh giá được sản phẩm đầu ra tốt xấu thế nào.
Trong mọi trường hợp, cơ quan quản lý vẫn phải có những quy định để người dùng không phải sử dụng hàng kém chất lượng.
Nếu Bộ GD&ĐT thực sự muốn cơ chế tự chủ, tự đào tạo có tác dụng nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở đào tạo tiến sĩ, thì Bộ phải kiến nghị Chính phủ xem xét lại việc sử dụng bằng tiến sĩ trong tất cả các cơ quan công lập.