Học sinh và phụ huynh đón đợi gì trong năm học mới? |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục cần đào tạo ra con người tử tế! |
Các thách thức, tác động và cơ hội đặt ra cho giáo dục thế giới nói chung và giáo dục nước ta nói riêng trong bối cảnh dịch Covid-19 là gì, thưa Giáo sư?
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã cho phép đánh giá mức độ sẵn sàng của các trường đại học khi có thảm họa. Ngay các trường đại học có lịch sử phát triển ổn định vẫn chưa sẵn sàng đối phó với khủng hoảng, hầu như gặp phải khó khăn trong chiến lược hoạt động, đều phải lên kịch bản ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Tại Mỹ, Anh, Australia, một số sinh viên có thu nhập thấp đã lựa chọn khả năng từ bỏ giáo dục đại học để lo nhu cầu cấp thiết hơn. Các trường đại học ở châu Phi cấp hoặc cho sinh viên mượn máy tính. 52 trường đại học ở Thái Lan và nhiều trường đại học ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã giảm học phí. Tại Hà Lan, tính đến giữa tháng 4, khoảng 40% sinh viên du học đã thay đổi kế hoạch giáo dục, trong đó, một số đang tích cực tìm kiếm các chương trình trực tuyến. Một số đại học Mỹ đã bỏ yêu cầu bắt buộc vượt qua các kỳ thi đại học và cao đẳng SAT/ACT, đang đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn nhập học cho sinh viên.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: NVCC) |
Thực tế, những tác động quy mô toàn cầu do Covid-19 gây ra cũng ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam và ngay từ đợt đầu của dịch, buộc các trường phải đóng cửa, làm gián đoạn việc dạy và học. Tuy nhiên, hình thức học online được áp dụng như một giải pháp thay thế để đảm bảo việc học liên tục và hiệu quả.
Ở nước ta, tình hình đại dịch đang từng bước ổn định, các trường đại học đã sẵn sàng mở cửa trở lại. Nếu bắt buộc giãn cách thì sẽ thực hiện việc giảng dạy online, tuy nhiên phương án này gặp không ít khó khăn, nhất là các trường đòi hỏi có thực nghiệm tại các phòng thí nghiệm. Riêng năm nay, vì có chuyện thi tốt nghiệp THPT thành hai đợt, nên ngày khai trường cho năm thứ nhất ở các trường đại học sẽ lùi lại đến tháng 10.
Từ năm học tới, học sinh được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng, không học trước từ tháng 8 như các năm trước. Riêng khối tư thục cấp THCS, THPT được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần mỗi năm, tức là có thể bắt đầu năm học từ tháng 8. Do tình hình dịch bệnh, tôi cũng vừa nhận lời nói chuyện với học sinh một trường phổ thông vào ngày khai giảng, nhưng theo hình thức online. Học sinh sẽ nghe qua màn hình tại từng lớp học.
Có thể nói, đợt bùng phát dịch gần đây gia tăng thêm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ngày 3/9, đợt 2 của kỳ thi này đã diễn ra. Chúng ta luôn hy vọng kỳ thi phải đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh giữa các thi sinh đợt 1 và đợt 2. Để các em có thể yên tâm rằng, dù dịch bệnh xảy ra nhưng vẫn không bị bỏ lỡ cơ hội theo đuổi giáo dục nghề nghiệp hay lựa chọn đại học phù hợp với bản thân, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Nói chung, chúng ta đang cố gắng khắc phục khó khăn để guồng máy giáo dục trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường. Việc khử trùng các lớp học trước ngày nhập học đã được thực hiện rộng khắp một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, còn tùy theo dịch bệnh ở từng địa phương mà có thể có những ứng phó và hình thức khác nhau, có tập trung cả trường hôm khai giảng không? Có cần đeo khẩu trang không?
Việc học trực tuyến đã được ứng dụng, tuy nhiên với trẻ em vùng cao, vùng khó khăn thì việc ứng dụng phương pháp mới, hiện đại cùng công nghệ lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vậy đâu là giải pháp, thưa ông?
Tôi hy vọng đến hôm nay chúng ta đã làm chủ được tình hình. Hầu hết các địa phương đã không còn thêm bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Các trường sắp khai giảng trở lại và có lẽ tình hình giãn cách xã hội ở nhiều địa phương sẽ được tháo gỡ. Khả năng học tập online sẽ không còn cần thiết ở các địa phương đã ổn định tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan vì không ai có thể chắc chắn dịch bệnh không tái phát trở lại.
Các trường đại học và các trường phổ thông đều cần chuẩn bị khả năng triển khai dạy học online. Đó là sự chuẩn bị cho cuộc cách mạng số đang ngày càng đến gần. Sẽ có thành phố thông minh, nhà máy thông minh, trang trại thông minh và cả các trường học thông minh, khi công nghệ số đang ngày càng phổ cập.
Vậy cả người thầy, phụ huynh và học sinh phải cùng thay đổi ra sao để thích nghi với điều kiện hiện tại?
Trong khó khăn tình người càng thể hiện rõ. Trong đại dịch, thầy và trò đều chứng kiến không ít điều đáng suy nghĩ và trân trọng. Thật nhiều hình ảnh dũng cảm tại các trung tâm vùng dịch. Từ các y bác sĩ không quản nguy hiểm, ngày đêm chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân, đến các anh bộ đội, công an, dân phòng... luôn tận tâm thực hiện công tác giãn cách và bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.
Cùng với đó, dịch Covid-19 khiến hàng triệu người mất việc làm, đồng nghĩa với việc mất thu nhập. Nhiều người lâm cảnh thiếu ăn, trong khi việc triển khai các gói hỗ trợ đang gặp không ít khó khăn.
Hơn lúc nào hết, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần giáo dục lớp trẻ biết suy nghĩ về mục đích sống, về tư cách lương thiện, về lòng tương thân tương ái trong hoạn nạn. Qua đó, động viên các bạn trẻ có ý thức tự giác học tập, thấy học là cho mình, cho tương lai của mình, hướng tới năng lực trở thành công dân toàn cầu trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng trò chuyện với các em học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Giáo sư có nhắn nhủ gì đến các bạn trẻ khi bước vào năm học mới?
Gần đây trên mạng xã hội có cuộc trao đổi về triết lý giáo dục. Triết lý giáo dục là gì, hình như chưa có câu trả lời thích đáng. Có phải là “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”? Theo tôi chưa đúng và chưa đủ, cần nhấn mạnh giáo dục là trang bị tri thức và bồi dưỡng đạo lý làm người, đừng coi nhẹ mặt nào.
Đã có hàng trăm cuốn sách rất hay về kỹ năng sống của các tác giả trong và ngoài nước. Rất buồn là các bạn trẻ ít mua và ít đọc. Tôi đã mua 100 cuốn và tóm tắt mỗi cuốn trong 3-4 trang in. Tôi đã đưa in Tập I cuốn “Đọc giùm bạn các sách về kỹ năng sống”, sắp in Tập II, Tập III. Đây là món quà mà tôi rất muốn dành cho các bạn trẻ.
Mỗi người lớn chúng ta, dù là thầy cô giáo hay các bậc phụ huynh, hãy thể hiện lòng yêu trẻ bằng cách dành thời gian trò chuyện nhiều hơn với lớp trẻ. Sao cho từng em đều có lòng hiếu thảo (với thầy cô, với gia đình và với những người đã hy sinh vì đất nước), có lòng hiếu học (vì hiểu rằng học là cho tương lai của chính mình và cũng là tương lai của đất nước).
Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo thống kê của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), 188 quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa trường học các cấp từ ngày 4/5, ảnh hưởng đến 91,3% học sinh, sinh viên. Tổng số học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng là 1.576.021.818 người. |
| Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục cần đào tạo ra con người tử tế! TGVN. Nhớ lại thời còn đi học, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói rằng: “Hình như ngày ấy không có chuyện khen thưởng nhưng tại ... |
| GS. Trương Nguyện Thành: Loạn trường quốc tế - Nhập nhằng thật giả TGVN. Theo GS. Trương Nguyện Thành, đã là trường quốc tế thì vấn đề kiểm định chất lượng phải do một tổ chức quốc tế ... |
| GS. NGND Nguyễn Lân Dũng và câu hỏi Học để làm gì? TGVN. Tôi thường xuyên được mời đi nói chuyện về kỹ năng sống với học sinh tại các trường phổ thông trung học. Mở đầu ... |