TIN LIÊN QUAN | |
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng và câu hỏi Học để làm gì? | |
GS. Nguyễn Lân Dũng: Giáo dục bằng đòn roi đã lỗi thời |
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. |
Kết thúc năm học cũng đồng nghĩa với mùa thu hoạch thành tích, Giáo sư suy nghĩ gì về hình thức khen thưởng cuối năm cho học sinh ở Việt Nam hiện nay?
Thời gian qua, bức ảnh cả lớp chỉ có một học sinh duy nhất không giơ giấy khen đã trở thành tâm điểm trên các tờ báo, mạng xã hội và nhận được rất nhiều bình luận. Khen thưởng là hình thức biểu dương người tốt, việc tốt trong một phong trào thi đua. Bác Hồ từng chỉ đạo: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm… Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”. Người từng nhấn mạnh: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”.
Như vậy khen thưởng phải phù hợp với nội dung của các đợt phát động thi đua, hoặc sau một nhiệm kỳ công tác với cán bộ hoặc một năm học với học sinh, sinh viên. Khen thưởng thường xuyên, nhất là khen thưởng “đại trà” làm mất ý nghĩa của phong trào thi đua yêu nước mà nhân dân cả nước đã thực hiện có hiệu quả trong suốt nhiều năm qua.
Giáo sư cho rằng đâu là ý nghĩa và giá trị thực sự của thành tích trong nhà trường dành cho học sinh?
Tôi thường xuyên suy nghĩ về việc nên tạo hình mẫu nào để các em học sinh phấn đấu rèn luyện đạo đức, tư cách. Việc khen thưởng phải dựa trên các tiêu chí yêu cầu mà học sinh cần rèn luyện, phấn đấu. Trên trang Góc nhìn của VnExpress tôi đọc được bài Phẩm chất của thiên tài của nhà báo Hoàng Trọng Hiếu.
Trong bài đại ý có đoạn nhắc đến hơn 13 trang A4 trong nội dung Chương trình tổng thể chỉ để liệt kê các “yêu cầu cần đạt”, tổng cộng có 68 gạch đầu dòng quy định các phẩm chất và năng lực cần đạt cho một học sinh trung học phổ thông, chưa kể 13 năng lực đặc thù liên quan đến các môn học mà ngành giáo dục yêu cầu học sinh cần đạt được. Tôi là cán bộ quản lý nhiều năm, đơn vị của tôi cũng có hơn 100 người trưởng thành đang làm việc, nhưng thực sự tôi không dám chắc là có ai trong số đó (bao gồm cả tôi) đạt được một nửa trong số 30 phẩm chất và năng lực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đòi hỏi một học sinh phổ thông của Việt Nam cần phải có?
Trước đây, Bác Hồ chỉ dạy Thiếu nhi có 5 điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, Học tập tốt, lao động tốt, Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt, Giữ gìn vệ sinh thật tốt, Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” Thật dễ nhớ, dễ hiểu và có đủ ngần ấy phẩm chất đã đủ trở thành con người tử tế lắm rồi.
Một người bạn tôi nói: Tôi chỉ dạy con tôi có ba điều thôi: “Trung thực, Dũng cảm và Biết yêu thương”. Tôi thấy cũng rất có lý. Đã “Trung thực” thì không gian dối, không làm điều gì trái với luân thường, đạo lý. Đã “Dũng cảm” thì không thể lười biếng trong học tập, trong lao động. Và đã “Biết thương” người thì không thể thiếu lòng nhân ái, không thể có bạo hành với bạn, thiếu lễ độ với cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi.
Hội Liên hiệp Thanh niên Quốc tế (IYF) với thanh niên hơn 100 quốc gia là thành viên cũng đâu có nêu lên chủ nghĩa này, học thuyết nọ, mà chỉ nêu có mỗi một mục tiêu: Đào tạo thanh niên thành những con người tử tế.
Theo ông, việc khen thưởng gần như đồng loạt và phong phú danh hiệu dành cho học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học hiện nay sẽ có những tác động gì đến tâm lý trẻ em?
Trong thời gian qua tôi được báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cho đi nói chuyện về Kỹ năng sống tại rất nhiều trường phổ thông. Tôi thật sự cảm động khi thấy dù trời nắng hay mưa nhỏ các em vẫn che ô và im lặng nghe tôi nói chuyện trong suốt 2-3 giờ liền. Tôi ngẫm ra rằng lớp trẻ đâu muốn nghe những lời diễn giảng, răn dạy sáo rỗng mà rất dễ dàng tiếp thu một cách hứng thú khi nghe kể chuyện về những điều mà chúng chưa biết và muốn biết.
Mỗi bằng khen phải làm cho học sinh thấy tăng thêm ý chí phấn đấu để mình có thể đạt được. Muốn vậy khen ai phải khen một cách xứng đáng và đủ làm gương cho các bạn khác trong lớp hay trong trường. Khen hầu hết lớp học thì thật là phi lý và phản tác dụng.
Tôi rất buồn vì mọi thầy cô giáo của tôi từ bậc tiểu học đến đại học đều đã về với tổ tiên, nhưng những tấm gương và những lời khuyên nhủ của các thầy cô ấy đã tạo nên cuộc sống của tôi sau này và tôi luôn biết ơn các thầy cô ấy, không trừ một ai. Tôi nhớ lại hình như ngày ấy không có chuyện khen thưởng học sinh, sinh viên, nhưng tại sao chúng tôi lại chăm chỉ học tập và biết sống tử tế với nhau đến thế.
Việt Nam có thể học tập được gì ở mô hình giáo dục coi trọng giáo dục nhân cách và kỹ năng sống, chẳng hạn như ở Thụy Điển, thưa ông?
Người Thụy Điển cho rằng việc giáo dục cấp mẫu giáo và tiểu học là tập trung vào rèn luyện các kỹ năng giao tiếp xã hội, tập cho học sinh biết cách sống hòa hợp với người khác, ý thức được trách nhiệm của bản thân mình trong mọi sinh hoạt tập thể hơn là học kiến thức. Thụy Điển đã xây dựng một nền giáo dục toàn diện với nội dung chương trình kiến thức phổ thông và phổ cập, coi trọng giáo dục nhân cách và khả năng tiếp cận tri thức, tự học và sáng tạo.
Tôi còn biết ở Thụy Điển trẻ em sẽ học không tính điểm cho đến lớp 6. Trước đó, phụ huynh sẽ nhận được các báo cáo quá trình học tập để biết tiến trình học tập của con họ như thế nào. Khi một đứa trẻ bắt đầu vào lớp 6, mọi thứ thay đổi. Với A, B, C, D và E là đạt qua các lớp và F là không đạt/rớt. Học sinh cần nỗ lực học tập vì chính mình chứ không phải ganh đua với các bạn khác. Trong điều kiện như vậy, học sinh và phụ huynh đều cảm thấy thoải mái vì nhân cách của mỗi học sinh đều được thật sự tôn trọng.
Tại Thụy Điển, chương trình quốc gia và tiêu chuẩn đánh giá học sinh có tính chất hướng dẫn nhiều hơn là áp đặt, có thể linh hoạt vận dụng. Các bậc cha mẹ có thể lựa chọn và đề nghị chương trình học ưa thích cho con cái. Các nhà trường và giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh tự học, tự đánh giá, nâng cao tinh thần tự chủ trong việc học và hầu hết các hoạt động giáo dục.
| Nền giáo dục toàn học sinh giỏi: Mài ngọc chớ mài quá tay… Nền giáo dục Việt Nam hiện nay tìm được học sinh yếu kém khó như mò kim đáy biển. Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, ... |
| Cơ hội vàng đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới Chia sẻ với báo TG&VN về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng nhận định, đây là cơ ... |
| GS Nguyễn Lân Dũng: Đến lúc ngành giáo dục cần nghe phản biện "Tôi rất tiếc khi thấy ta không học mô hình giáo dục của Mỹ hay một số nước phát triển khác mà lại lấy mô ... |