Một ý thức lan tỏa tự nhiên
Huyện Mường Nhé là vùng sâu vùng xa nhất của Tỉnh Điện Biên. Chặng đường từ Điện Biên lên Mường Nhé 400 km, đường đi khó và hiểm trở, sương che kín nên phải tới giữa trưa đoàn mới lên tới điểm trường. Đường đèo quanh co khiến những cô gái chàng trai cán bộ ngân hàng say ngất ngư. Ấy vậy mà xe chỉ vừa dừng bánh, những gương mặt mệt mỏi đã nhường cho những ánh mắt sáng bừng khi nhìn thấy từng đám trẻ vùng cao áo quần gọn gàng ùa ra đón.
Thầy Nguyễn Đức Lân - Hiệu trưởng nhà trường nói: “Nhà các em xa lắm, nên để có mặt đúng giờ đón đoàn, các em phải dậy từ sớm tinh mơ rồi đi bộ cả quãng đường xa. Nhưng mà bọn trẻ nghe nói có đoàn lên thăm thì rất vui”.
Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện chương trình tài trợ xây dựng và trang bị học tập cho điểm trường mầm non và tiểu học Nậm Kè. (Ảnh: PL) |
Điểm trường Huổi Hẹc là một trong 4 điểm trường của trường Tiểu học Nậm Kè số 2. Điểm trường cũ trước đây được người dân hỗ trợ lát bằng nứa lợp tôn nhưng trong đợt mưa đá năm ngoái đã vỡ lớp tôn, thầy cô phải căng phông bạt để tránh mưa gió. Dù vậy cũng chẳng ngăn cái lạnh thấu xương của mùa đông vùng cao, khi có những ngày nhiệt độ chỉ còn 3 - 4 độ. Thấu hiểu được tình cảnh khó khăn của các em học sinh nhỏ vùng cao, các bạn trẻ ngành ngân hàng đã cùng chung tay thực hiện chương trình tài trợ xây dựng và trang bị học tập cho điểm trường mầm non và tiểu học Nậm Kè với tổng mức hỗ trợ tương đương 100 triệu đồng.
Vừa nhanh tay chuyển từng thùng sách vở vào khu vực tập kết, cô Phó Bí thư Đoàn Thanh niên BIDV Nguyễn Lan Phương cho biết, kế hoạch an sinh tại huyện đã được thanh niên BIDV chuẩn bị chu đáo từ khá lâu, với chỉ một mong muốn chia sẻ được phần nào khó khăn của các em nhỏ và phụ huynh tại các huyện, xã nghèo của Điện Biên.
Chung tay cải thiện cuộc sống cộng đồng
Cười vui khi tôi chia sẻ hành trình thiện nguyện ở Nậm Kè với các bạn trẻ BIDV, bà Lê Thị Kim Khuyên – UVHĐQT, Chủ tịch Công đoàn BIDV cho biết: “Ở BIDV chúng tôi, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, vì xã hội được tập thể người lao động thấm nhuần và lan tỏa tự nhiên. An sinh xã hội không chỉ đơn thuần là hoạt động thiện nguyện mà được thể hiện ở hai khía cạnh: trước hết, nghề nghiệp truyền thống của chúng tôi là cho vay đầu tư phát triển nên bạn có thể thấy dấu ấn BIDV ở hầu hết các công trình quốc kế dân sinh, các công trình kinh tế trọng điểm trên khắp mọi miền đất nước. Đến nay, với gần 200 Chi nhánh trên toàn quốc, mặc dù chúng tôi đã và đang trở thành một ngân hàng thương mại hiện đại, hướng đến tất cả các nhóm khách hàng song tại các địa phương, BIDV vẫn tiếp tục là ngân hàng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Thứ hai, không chỉ bằng các hoạt động nghề nghiệp, hàng năm các chương trình an sinh xã hội do các Công đoàn cơ sở, Đoàn thanh niên và người lao động chủ động triển khai rất nhiều. Còn tính chương trình chính thức của cả hệ thống, năm 2017, tổng kinh phí BIDV cam kết hỗ trợ An sinh xã hội là trên 300 tỷ đồng”.
300 tỷ đồng – một con số không hề nhỏ trong bối cảnh Chính phủ kêu gọi xã hội hóa các hoạt động vì cộng đồng do ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm từng đơn vị lợi nhuận. Nhưng với tấm lòng và trách nhiệm vì cộng đồng, bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả, BIDV tiếp tục dành ngân sách hoạt động, quyên góp ủng hộ của cán bộ nhân viên, người lao động để triển khai thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực.
Tìm hiểu kỹ mới thấy hoạt động an sinh tại BIDV không chỉ là tự phát trong 1 - 2 năm mà là cả một quá trình lâu dài. “Cấu phần An sinh xã hội của chúng tôi được chính thức triển khai bài bản từ năm 2008 với Đề án hỗ trợ giảm nghèo tại các huyện nghèo nhất theo Đề án 30a của Chính phủ. Từ đó đến nay mỗi năm BIDV đều dành ngân sách để thực hiện an sinh, chủ yếu trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, hỗ trợ thiên tai và xây nhà đại đoàn kết… Chỉ riêng 2017, chúng tôi đã bàn giao 412 phòng/lớp học và 25 công trình/chương trình giáo dục; 87 công trình/chương trình y tế; 323 căn nhà đại đoàn kết và nhiều chương trình hỗ trợ người nghèo, khắc phục thiên tai....” - bà Lê Thị Kim Khuyên nói thêm.
Những món quà nhân văn được cho đi từ những tấm lòng nhân văn. Chia tay chúng tôi ra về, bà Kim Khuyên nhắn nhủ: “Chúng tôi hy vọng có thể góp sức nhỏ để cùng với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp chung tay cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng. Gọi là một tấm lòng trong vạn tấm lòng…”