Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới nằm giữa khu vực Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, là địa phương duy nhất trong các tỉnh biên giới Việt Nam tiếp giáp với hai địa phương của Trung Quốc là tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, với tổng chiều dài đường biên giới là 277.556 km, có một cặp cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương và 14 lối mở, đường qua lại biên giới.
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Nguyễn Trung Hiếu (thứ năm từ trái) cùng đại diện tỉnh Hà Giang và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tham dự buổi lễ trao tặng khẩn cấp vật tư y tế cho tỉnh Hà Giang tại cửa khẩu đường bộ Thanh Thủy-Thiên Bảo, ngày 10/2/2021. (Ảnh: Ngọc Bảo) |
Cơ chế hợp tác thuận lợi
Theo từng bước phát triển quan hệ, hai bên đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác song phương, đa phương, định kỳ, qua đó tạo môi trường hợp tác thuận lợi cho thúc đẩy giao lưu, hợp tác thực chất, trong đó nổi bật là cơ chế Hội nghị Nhóm công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và tỉnh Vân Nam; Cơ chế hội đàm định kỳ giữa Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang và Bí thư Châu ủy Văn Sơn (Trung Quốc), và nhiều cơ chế hợp tác đối đẳng khác.
Hai bên cũng đã thiết lập cơ chế Nhóm công tác liên hợp giữa tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Từ năm 2016 đã thiết lập cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân Bí thư các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang với Bí thư Khu ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây.
Các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao được triển khai thường xuyên, qua đó tiếp tục củng cố lòng tin, định hướng nhu cầu hợp tác, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành hai bên triển khai hợp tác hiệu quả. Trong đó, hợp tác kinh tế là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu, các sự kiện hội nghị, hội thảo, hội chợ, xúc tiến thương mại, hội đàm trao đổi tình hình hợp tác phát triển kinh tế biên mậu, thông báo cho nhau những thay đổi về cơ chế chính sách biên mậu... ngày càng thúc đẩy giao thương mở rộng.
Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu và Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc). (Nguồn: TTXVN) |
Nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện
Theo thông tin từ địa phương, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế trong quá trình hợp tác giữa tỉnh Hà Giang với Vân Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây trong những năm qua, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Giang đã xây dựng dự thảo “Đề án nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Giang, Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài việc đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển và thúc đẩy quan hệ, Đề án đã đưa ra các phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Tiếp tục duy trì triển khai công tác trao đổi đoàn và triển khai các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có với phía Trung Quốc. Theo đó, tập trung triển khai hoàn thiện các thủ tục liên quan, đảm bảo tiến độ mở cửa khẩu theo “Thỏa thuận giữa tỉnh Hà Giang, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về việc mở cửa khẩu song phương Săm Pun - Điền Bồng” (ký tháng 12/2018); hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt xây dựng công trình qua biên giới và tiến tới mở Lối thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo theo tinh thần Thỏa thuận đã ký tháng 4/2018; Tiếp tục thúc đẩy hoàn tất thủ tục mở lối mở và chợ biên giới Lũng Làn (Hà Giang, Việt Nam) - Lộng Bình (Quảng Tây, Trung Quốc) tại khu vực cột mốc 504 biên giới Việt - Trung.
Thông qua các cơ chế xã/hương/trấn hữu nghị để thúc đẩy triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở. Tăng cường triển khai đồng bộ Thỏa thuận hợp tác quản lý lao động qua biên giới tại các huyện biên giới với Châu Văn Sơn; nghiên cứu và đề xuất biện pháp quản lý lao động qua biên giới thời vụ; tiếp tục nghiên cứu triển khai thí điểm đưa lao động của tỉnh Hà Giang sang làm việc tại Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam và thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc.
Về trao đổi thương mại, đẩy mạnh thống nhất với tỉnh Vân Nam áp dụng các chính sách ưu tiên, đặc thù, linh hoạt cho phát triển xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy - Thiên Bảo và cửa khẩu song phương Xín Mần - Đô Long, trong đó: điều chỉnh thống nhất thời gian nghỉ trưa do lệch múi giờ; điều chỉnh “hình thức đi xe chung hạn chế với hàng hóa cư dân biên giới” khi cửa khẩu ùn tắc hàng hóa thông quan; không kiểm soát liên vận đối với xe sang tải tại cửa khẩu mà chỉ kiểm tra sơ bộ hàng hóa để rút ngắn thời gian kiểm tra; giữ ổn định các chính sách đối với các cửa khẩu này, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về thuế quan để cửa khẩu tiếp tục phát triển; đẩy nhanh việc triển khai các hoạt động nghiệp vụ xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Xín Mần - Đô Long để khai thác hiệu quả.
Thúc đẩy phê duyệt mở các tuyến vận tải với tỉnh Vân Nam mà hai bên đã thống nhất; làm tốt công tác chuẩn bị để khai thông các tuyến ngay sau khi được cấp có thẩm quyền hai bên phê duyệt.
Tiếp tục kết nối để các doanh nghiệp hai bên hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung vào việc hợp tác trồng và bao tiêu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hà Giang, sau đó xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; tập trung triển khai cụ thể các nội dung hợp tác nông nghiệp mà ngành nông nghiệp đã trao đổi thống nhất với Viện Khoa học Nông nghiệp tỉnh Vân Nam và Trung tâm Khoa học nông nghiệp thành phố Bách Sắc (Quảng Tây).
Cuối cùng, tập trung khai thác hiệu quả các tuyến du lịch đã được hai bên xác định và thống nhất tại các văn bản đã ký kết; nghiên cứu biện pháp đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch xuất nhập cảnh qua cặp cửa khẩu; kết nối để các doanh nghiệp hai bên hợp tác phát triển hạ tầng du lịch như mở nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí…; đẩy mạnh việc quảng bá du lịch của nhau trên các website của mỗi bên.
| Hợp tác giữa Việt Nam với Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang: Tiềm năng và triển vọng Quan hệ giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các tỉnh, thành phố Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang của Trung ... |
| Ấn tượng về mảnh đất biên cương Hà Giang Hà Giang đã thay đổi mạnh mẽ về kinh tế xã hội, trong đó hoạt động du lịch là động lực chính tạo nên sự ... |