TIN LIÊN QUAN | |
Hãy lên Hà Giang khai phá tiềm năng, nắm bắt cơ hội | |
Hội nghị "Giới thiệu Hà Giang" chính thức khai mạc |
Nguyễn Văn Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới nơi địa đầu cực Bắc của Việt Nam. Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Hà Giang đã đẩy mạnh xây dựng chính quyền hiện đại thông qua cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin, cải thiện môi trường đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn, quyết cải thiện năng lực cạnh tranh
Những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Giang đã liên tục được cải thiện, từ top cuối của cả nước vươn lên vị trí thứ 59/63; chỉ số hiệu quả quản trị về hành chính công cấp tỉnh từ vị trí 62 lên vị trí 56/63 năm 2016; chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin của tỉnh đã vào TOP 10 của Việt Nam; hệ thống trung tâm giải quyết các thủ tục hành chính của tỉnh đã được xây dựng từ tỉnh cho đến cơ sở; tất cả các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều có trang web và phần lớn đã triển khai tổ chức hội nghị trực tuyến phủ khắp toàn tỉnh.
Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn tiếp ông Craig Chittick - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam. |
Để phát triển kinh tế - xã hội, với lợi thế của mình, tỉnh đã ban hành chính sách cho phát triển cây dược liệu; chính sách phát triển nông nghiệp; chính sách phát triển kinh tế biên mậu… Đến nay, chất lượng công tác lãnh đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị đã thực chất và hiệu quả hơn; quốc phòng an ninh được củng cố và giữ vững, công tác đối ngoại ngày càng đi vào thực chất và phát triển toàn diện.
Để tháo gỡ và giải quyết khó khăn, Hà Giang đã hợp tác với nhiều cơ quan nghiên cứu của Trung ương, các trường đại học để giúp Tỉnh đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn. Đặc biệt, Hà Giang đã hợp tác với Đại học Fulbright..
Việc xây dựng kịch bản phát triển tỉnh Hà Giang đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đặc biệt là sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến Hà Giang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chẳng hạn, dự án hợp tác với Công ty TNHH McKinsey Việt Nam quy hoạch phát triển du lịch; phối hợp với Viện Y học để đánh giá bảo tồn, phát triển dược liệu, quy hoạch sản phẩm dược liệu...
Về tổng thể, Hà Giang có ưu thế ở các lĩnh vực “tĩnh” như văn hóa và đặc điểm địa phương. Tuy nhiên, các nhân tố “động” (trừ du lịch) như thương mại đầu tư và nhất là con người có xuất phát điểm khá thấp và không đồng đều. Mặt khác, tiến bộ trong cơ sở hạ tầng và yếu tố thể chế vẫn ở mức thấp. Trong đó, vị trí địa lý có lẽ là điểm bất lợi lớn nhất làm Hà Giang chưa thể phát triển nhanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây lại là lợi thế và tiềm năng rất lớn để Hà Giang có thể phát triển hơn.
Cuộc sống cần, Hà Giang có
Các tiềm năng của Hà Giang có nhiều nét độc đáo, là tiền đề quan trọng để phát triển lợi thế cạnh tranh của địa phương. Hà Giang có khí hậu trong lành, môi trường không bị ô nhiễm, là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ còn giữ được vẻ hoang sơ và các phẩm vật của địa phương tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường. Đây là những yếu tố mà cuộc sống hiện đại đang cần, mà Hà Giang có thể cung cấp.
Hà Giang là vùng đất có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi hội tụ của 19 dân tộc với những đặc trưng văn hóa riêng mang đậm nét văn hóa của vùng miền và của từng dân tộc với rất nhiều lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, tôn giáo, khảo cổ... Với đầy đủ lợi thế về tài nguyên sinh thái tự nhiên và nhân văn, Hà Giang có khả năng phát triển tất cả các loại hình du lịch, từ tham quan, khám phá, trải nghiệm, sinh thái... đến nghiên cứu, hoạt động khoa học, giáo dục.
Với khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, Hà Giang hiện đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung các cây trồng có thế mạnh như: cam, chè, dược liệu và chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), nuôi ong mật... Với thực tế đó, Hà Giang tự tin với khả năng phát triển ngành nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến các sản phẩm chuyên biệt, có lợi cho sức khỏe trong tương lai.
Bằng quyết tâm cao, cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, du lịch, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tỉnh Hà Giang đã hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo; đẩy mạnh liên kết ngành hàng, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia cụm liên kết ngành trong các lĩnh vực địa phương có thế mạnh như nông sản; đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại.
Về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, Tỉnh đã thành lập trung tâm Hành chính công. 11/11 huyện, thành phố và 195/195 xã, phường, thị trấn có bộ phận một cửa điện tử và một cửa điện tử liên thông, làm đầu mối tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và thực hiện cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang coi Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” là cơ hội lớn, là sự khởi đầu tốt đẹp giữa Tỉnh và các cơ quan đại diện ngoại giao, các doanh nghiệp, hiệp hội, các tổ chức quốc tế, tổ chức Phi chính phủ nước ngoài, là bước đi mới, chủ động trong tiến trình hội nhập khi Việt Nam đang thực hiện có trách nhiệm các cam kết của mình trước cộng đồng Quốc tế; do vậy, tỉnh Hà Giang mong muốn được cùng với các đối tác khai thác tiềm năng chung và thế mạnh riêng có của mình để cùng phát triển. |
Hợp tác để khai thác tối đa tiềm năng
Để khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh, Hà Giang mong muốn tăng cường mở rộng, thiết lập mối quan hệ hợp tác với địa phương các nước phát triển trong khu vực, các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam để liên kết, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, cụ thể:
Thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài về vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, khoa học - công nghệ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của tăng trưởng kinh tế; gia tăng số lượng và chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển phục vụ cho nhu cầu phát triển.
Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc. Dựa trên lợi thế là Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và sự đa dạng bản sắc văn hóa; xúc tiến du lịch từ các thị trường quốc tế, thu hút đầu tư các dự án du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mạo hiểm, khám phá; mở rộng các sản phẩm du lịch...
Thu hút đầu tư, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông, lâm nghiệp, dược liệu tại thị trường quốc tế. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương; tập trung nông nghiệp sinh thái sạch, hình thành một số vùng sản xuất giống áp dụng công nghệ cao; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý gắn với quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân; có chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh.
Xuất phát từ điều kiện thực tế, Hà Giang cũng muốn kêu gọi các nguồn vốn xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với các tỉnh thuộc vùng cửa ngõ phía Bắc của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, được xác định là vùng kinh tế tổng hợp; Tiếp tục kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án giao thông kết nối như đường kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 279, 34, các dự án đường tỉnh lộ và một số tuyến đường dân sinh vào vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung; Phối hợp, liên kết, thu hút đầu tư để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần, chế biến, vận chuyển nhằm gia tăng giá trị, giảm chi phí vận chuyển; Tận dụng kết nối liên tỉnh, liên vùng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng các lĩnh vực Hà Giang có thế mạnh.
Tranh thủ tối đa các nguồn lực và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu về lao động, an sinh xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ theo các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của tỉnh đã đề ra, Hà Giang chú trọng nâng cao nguồn nhân lực và năng lực khoa học - công nghệ; tạo công ăn việc làm, bảo đảm quyền của người lao động và các nhóm yếu thế; thúc đẩy công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Hà Giang” Ngày 1/2, tại Nhà làm việc mới Bộ Ngoại giao, số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng UBND tỉnh ... |
Hà Giang mở nhiều tour du lịch hấp dẫn du khách Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang vừa công bố một loạt các sản phẩm du lịch mới đến các công ... |
Đại sứ Mỹ đạp xe thăm Hà Giang Đại sứ Ted Osius và đoàn công tác của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa có chuyến thăm tỉnh Hà Giang để khám ... |