(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Theo đó, thưởng Tết có phần sụt giảm so với năm trước, mức thưởng cao nhất vẫn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 65 triệu đồng (thưởng Tết Âm lịch), mức thưởng Tết thấp nhất năm nay là 100.000 đồng.
Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu, mức thưởng Tết như sau: Tết Dương lịch mức thưởng bình quân là 920.000 đồng/người (giảm 1,5% so với năm trước); doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 5,5 triệu đồng/người, mức thấp nhất là 100.000 đồng/người. Tết Âm lịch, bình quân thưởng là 3.120.000 đồng/người (giảm 3,5%), doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 21 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Đối với khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 520.000 đồng/người (giảm 2%), mức thưởng cao nhất là 2,4 triệu đồng/người, mức thấp nhất là 100 nghìn đồng. Tết Âm lịch, mức thưởng bình quân là 3.130.000 đồng/người; thấp nhất là 200.000 đồng/người.
Còn tại khối tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 510 nghìn đồng/người (giảm 8,6%), cao nhất là 1 triệu đồng/người, thấp nhất là 200 nghìn đồng/người. Thưởng Tết Âm lịch bình quân là 3,7 triệu đồng (giảm 1,2%), cao nhất là 40 triệu đồng/người, thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Khối doanh nghiệp FDI có mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất trong những doanh nghiệp báo cáo là 65 triệu đồng/người, mức thưởng bình quân là là 3.720.000 đồng/người và mức thấp nhất là 250 nghìn đồng/người. Thưởng Tết Dương lịch bình quân là 200 nghìn đồng/người, cao nhất là 500 nghìn đồng/người, thấp nhất là 100.000 đồng/người.
Đánh giá về tình hình thưởng Tết năm nay, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì mức thưởng Tết Âm lịch bình quân như năm ngoái, đây được coi là cố gắng lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, do khó khăn, có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI không thưởng tết dương lịch cho người lao động.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã khảo sát tình hình tiền lương năm 2013 của các doanh nghiêp. Năm 2013, mức tiền lương bình quân trả cho người lao động đã tăng 4,5% so với năm 2012 do Nhà nước tăng tiền lương tối thiểu. Mức tiền lương cao nhất là 91.900.000 đồng/người/tháng của khối doanh nghiệp tư nhân.
Khối công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu có mức tiền lương bình quân năm 2013 là 4.320.000 đồng, mức lương cao nhất là gần 30 triệu đồng/người/tháng, tăng 4,6%, mức lương thấp nhất là 2.350.000 đồng/người/tháng.
Khối doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước có mức tiền lương bình quân cao nhất trong 4 loại hình doanh nghiệp là 4.690.000 đồng/người/tháng (tăng 1,7%). Doanh nghiệp có mức lương cao nhất là trên 30.300.000 đồng/người/tháng; lương thấp nhất là 2.350.000 đồng/người/tháng.
Khối tư nhân, công ty cổ phần không có vốn nhà nước, mức tiền lương bình quân thấp nhất trong bốn loại hình doanh nghiệp là 4.090.000 đồng/người/tháng, tương đương năm trước. Tuy nhiên, về mức tiền lương cao nhất, khối doanh nghiệp này lại giữ vị trí số một với 91.900.000 đồng/người/tháng, doanh nghiệp có mức tiền lương thấp nhất là 2.350.000 đồng/người/tháng.
Khối doanh nghiệp FDI có mức tiền lương bình quân là 4.360.000 đồng/người (tăng 4,5%), lương cao nhất là 88 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 2.350.000 đồng/người/tháng./.
Theo Hồng Kiều (Vietnam+)