📞

Hà Nội cũ và mới

09:00 | 14/10/2018
Khi ta yêu ai, thường yêu cả cái tốt cái xấu, cả các thay đổi tính tình, phong cách người yêu. Bà Rosemary Morrow yêu một thành phố cũng như vậy. Thành phố Hà Nội mà bà yêu “như bị sét đánh” ngay buổi ban đầu gặp gỡ vào năm 1989.

Bà là một chuyên gia nông nghiệp xuất sắc, người Úc, thuộc giáo phái Tin Lành Quaker, một giáo phái nguyện suốt đời sống giản dị và làm điều thiện. Trong mấy chục năm, bà bôn ba các nước thế giới thứ ba để giúp nông dân sống tốt hơn bằng cách khai thác mảnh đất của mình một cách khoa học hơn. Bà cũng là một chiến sĩ bảo vệ môi trường không mệt mỏi. Bà luôn đeo một túi vải có đề khẩu hiệu “Không dùng đồ nhựa!”. Mặc dù quen nói thẳng nói thật, đi đâu bà cũng được người dân yêu mến.

Đặt chân xuống Hà Nội, bà yêu ngay thành phố yên tĩnh của xe đạp. “Mười triệu chiếc xe đạp dọc ngang các phố. Không có ô nhiễm, không tiếng còi xe inh ỏi, chỉ nghe thấy tiếng cười nói của những người đạp xe bên nhau, là gia đình hoặc bạn bè. Đêm đến, các chị em cầm chổi cán dài đứng theo vòng cung để quét phố, xe xích lô đi như lướt trong bóng tối”. Quang cảnh đó thật ấm áp phấn khởi với một chiến sĩ môi trường như bà Rosemary, nhưng lại nhắc nhở cho người Hà Nội bối cảnh một thời kỳ chẳng nên thơ chút nào: Những năm khổ cực nhất của chính sách bao cấp. Sau ba chục năm chiến tranh, một giai đoạn khủng hoảng kinh tế kéo dài hơn 10 năm do thiên tai liên tiếp, kế hoạch hóa không hợp lý, thuyền nhân, đế quốc bao vây kinh tế. Thời kỳ tem phiếu gạo, muối, đường, giấy, thuốc, lốp, săm xe đạp, thuốc lá.... Mọi thứ đều thiếu thốn.

Đó là mặt trái của những nhận xét đầy thi vị của bà Rosemary vào năm 1989: “Những ánh điện lờ mờ trong đêm chập chờn trên vỉa hè qua cành lá, y như trong một giấc mơ đẹp. Bạn có thể tưởng tượng được không! Một thế giới vắng điện, không ô tô, điện thoại, không nhà cao tầng, thật là tuyệt vời!”.

Nhưng bà Rosemary lại nhận định ngay: “Chỉ cần một vài năm sau, Hà Nội đã bắt đầu khoe với chúng tôi một cách tự hào những của cải mới. Cứ mỗi năm, tôi trở lại thì thấy chúng diễu hành, lúc đầu thì trên xe xích lô, rồi trên póoc-baga xe đạp, xe máy. Mới đầu là giường là tủ, rồi đến máy vô tuyến buộc sau xe đạp xe máy. Rồi ở trong phố xuất hiện cửa hàng giày, cửa hàng sơn, cửa hàng máy điện thoại. Trước kia ở các cơ quan, máy điện thoại chung để trong hộp gỗ có khóa.

Tại sao lại có hiện tượng hàng hóa tràn ngập như vậy? Năm 1986, đổi mới đã chấn chỉnh lại kinh tế, khiến cho mấy năm sau, ta lần đầu tiên xuất được 2 triệu tấn gạo và 1 triệu tấn dầu thô. Không còn lo đói ở nông thôn, một số tầng lớp làm ăn khấm khá, làm giàu, nhất là ở thành thị. Bắt đầu lao vào tiêu thụ, xây dựng, sắm sửa.

Bà Rosemary nhận diện bộ mặt mới của Hà Nội từ những năm 90: “Trước kia, ở cơ quan tôi làm việc (với tính chất giúp đỡ), hầu như không có rèm cửa sổ. Giờ thì xuất hiện hàng loạt rèm màu xanh da trời nổi bật. Trước kia, khi máy bay hạ cánh xuống Hà Nội, nhìn xuống thấy chi chít ruộng đồng làng mạc của một đất nước cổ truyền. Ngày nay không còn thế nữa: Những tòa nhà lớn mọc lên giữa ruộng đồng, tiếc thay! Những phố nhỏ, hai bên những dãy nhà cao mang những kiểu mái ngộ nghĩnh, cứ như cảnh thời trung cổ duyên dáng trong một thành phố hiện đại.

Ngày nay, cuộc diễu hành xe máy vẫn tiếp diễn, nhưng là những máy điện thoại cầm tay, những điều khiển từ xa, quạt máy, vô tuyến... Trước kia, tôi có mặc cảm tội lỗi vì có nhiều tiền hơn và nhà ở nhiều tiện nghi hơn người ở đây. Bây giờ thì ngược lại, nhiều người Hà Nội hơn tôi nhiều. Đó là điều hay, nhưng rất ít trong số họ sống giản dị và tiết kiệm như tôi”.

Bà Rosemary hẳn đôi chút buồn buồn, nhưng bà vẫn yêu mến Hà Nội: “Trước đây, thành phố yên tĩnh và an toàn. Ngày nay thành phố vẫn an toàn và dễ mến, nhưng nó trở thành ồn ào, vệ sinh có khá hơn, nhưng ô nhiễm không khí tăng lên kinh khủng. Cũng còn may là đền, chùa, đầm hồ vẫn tiếp tục dành cho chúng ta những nơi để thư giãn”.

Bà kết luận: “Mối tình của tôi đối với Hà Nội và người Hà Nội không giảm, đó là một bộ phận của trái tim tôi!".