📞

Hà Nội: hơn 50% hành khách đi bus BRT là cán bộ công chức

17:22 | 26/06/2018
Đối với các tuyến xe buýt thông thường, tỷ lệ cán bộ công chức tham gia loại hình này chỉ khoảng 20%-25%, tuy nhiên với loại hình xe buýt nhanh (BRT) thì tỷ lệ này đạt tới trên 50%.

Thông tin trên được ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải hành khách Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 26/6.

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải hành khách Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị giao ban báo chí chiều 26/6.

Theo ông Nhật, khi triển khai tuyến xe buýt nhanh BRT thì Hà Nội hướng đến đối tượng nhiều nhất là cán bộ, công chức. Sau một thời gian khai thác cho thấy, tỷ lệ cán bộ công chức tham gia đi xe buýt nhanh cao hơn so với xe buýt thông thường.

Cụ thể, tỷ lệ cán bộ công chức đi xe buýt thường chỉ 20%-25%, còn lại là học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, trên tuyến BRT tỷ lệ cán bộ công chức tham gia lại chiếm tỷ lệ cao, trên 50%. Đây là đối tượng hướng đến, mong muốn nhiều nhất khi triển khai tuyến buýt nhanh.

“Không phải tuyến này dịch vụ tốt hơn, có hỗ trợ mái che, xe đẹp, nhiều tuyến mà cốt lõi là thời gian chuyến đi nhanh hơn 25%-30% so với tuyến buýt thông thường”, ông Nhật cho biết.

Xe buýt muốn phát triển thu hút người dân không chỉ nhiều tuyến, xe đẹp mà vấn đề là thời gian đi; hệ số sai số muộn giờ rất thấp. Với tuyến BRT còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh, tuy nhiên đánh giá ban đầu là đã thu hút được đối tượng công nhân viên chức, ông Nhật chia sẻ.

Báo cáo về công tác vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Hà Nội cho biết, tính đến tháng 6 năm 2018, mạng lưới tuyến buýt bao gồm 112 tuyến, trong đó 92 tuyến buýt có trợ giá; 20 tuyến buýt không trợ giá (9 tuyến nội đô, 10 tuyến buýt kế cận, 1 tuyến City tour) mức độ bao phủ của mạng lưới tuyến buýt đạt 30/30 quận, huyện (đạt 100%).

Với tổng chiều dài tuyến hơn 3.781 km, sản lượng hành khách 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 221,5 triệu lượt hành khách (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng hành khách năm 2017 đạt 441 triệu lượt hành khách, tăng 1,9% so với năm 2016).

Xe buýt nhanh (BRT). (Nguồn: VOV)

Trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã thực hiện hiện mở mới 3 tuyến buýt số (108, 212 và 01 tuyến phục vụ khách du lịch CityTour), thực hiện mở mới 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch vận hành từ 1/7/2018; thực hiện điều chỉnh 26 tuyến buýt, điều chỉnh hợp lý hóa mạng lưới đối với 13 tuyến buýt, mở rộng vùng phục vụ đối với 2 tuyến buýt…

Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải dự kiến tiếp tục mở mới 8 đến 10 tuyến, tăng thêm 33 xã (đạt 76%, tăng 6% so với năm 2017). Sau khi có các tuyển mở mới tổng số tuyến trên địa bàn là 120 đến 122 tuyến, sản lượng hành khách dự kiến đạt 470 triệu lượt hành khách (tăng 7% so với năm 2017).

Sở cũng sẽ tổ chức rà soát điều chỉnh mạng lưới các tuyến buýt để đảm bảo kết nối, nâng cao hiệu quả khai thác của mạng lưới tuyến và tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động cuối năm 2018.

Để tạo thuận tiện cho hành khách, Sở cũng sẽ triển khai thí điểm dự án thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT.