📞

Hà Nội phát hiện hơn 11.500 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

11:51 | 13/08/2016
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội thí điểm thanh tra liên ngành tại 10 xã, phường với 2.563 cơ sở được kiểm tra, tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý tăng từ 17,6% lên 21,2%.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, tỷ lệ cơ sở vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính so với trước khi thực hiện thí điểm tăng từ 17,6% lên 21,2%, số tiền phạt từ hơn 222 triệu đồng tăng lên gần 760 triệu đồng.

Riêng Chi cục Thú y Hà Nội đã tiến hành thanh kiểm tra 63.898 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, phát hiện 11.546 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền 3.672 cơ sở và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chi cục này đã lấy 1.764 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 107 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố. Xét nghiệm nhanh 137.531/152.693 mẫu, đạt 90,1%. Xét nghiệm 191 mẫu nước tiểu lợn phát hiện 7/191 mẫu dương tính với Salbutamol.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn. (Nguồn: HNM)

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho biết, hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm gặp không ít khó khăn do hệ thống các văn bản, thông tư hướng dẫn thay đổi thường xuyên, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nhiều thông tư mang tính chất quản lý chuyên ngành có nội dung mở, khó hiểu và việc phân cấp quản lý an toàn thực phẩm bị phân đoạn, chưa liên tục, chồng chéo, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành và UBND các cấp.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn thiếu phương tiện đi lại, trang thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm nghiệm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác an toàn thực phẩm ở các tuyến còn thiếu, trình độ quản lý chuyên môn về an toàn thực phẩm hạn chế so với khối lượng và yêu cầu công việc đòi hỏi đáp ứng ngày càng cao. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao.

Cán bộ Chi cục Thú y Hà Nội kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh tại xã Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội). (Nguồn: Tin tức)

Đáng chú ý, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi của người tiêu dùng; nhiều cơ sở nhỏ lẻ manh mún, nhiều chợ cóc, chợ tạm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh. Chưa có cách thức hữu hiệu để nhận biết bằng cảm quan thực phẩm tươi sống an toàn ngoài việc lựa chọn cơ sở rõ nguồn gốc nên khó quản lý, kiểm soát.

Trong năm 2016, thành phố đề ra mục tiêu 80% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, 90% người quản lý và 80% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nắm được quy trình, điều kiện sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; diện tích sản xuất rau an toàn đạt 5.500 ha; số sản phẩm gia súc, gia cầm tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố được kiểm soát đạt 50%; có 50% vùng nuôi thủy sản tập trung được giám sát dư lượng hóa chất độc hại.

Hà Nội ngăn chặn thực phẩm "bẩn" ra thị trường. (Nguồn: TTXVN)

Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới Chi cục sẽ tập trung đưa các tiêu chí về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ tiêu khen thưởng. Ban hành các văn bản chỉ đạo, cơ chế chính sách về công tác an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Bổ sung hệ thống quy định, quy chế cần thiết và các cơ chế, chế tài thưởng phạt nghiêm minh.

Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm từ thành phố tới các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn, tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành trong đó ngành Y tế làm đầu mối, Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp làm trưởng ban.

(theo TTXVN)