📞

Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, 25 năm hội nhập và phát triển

Hà Phương 16:45 | 26/07/2024
Ngày 26/7, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu 'Thành phố vì hòa bình', Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội (Haufo) tổ chức Tọa đàm 'Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 25 năm hội nhập và phát triển'.
Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Haufo chủ trì Tọa đàm “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình 25 năm hội nhập và phát triển”. (Ảnh: Thu Hiền)

25 năm trước (ngày 16/7/1999), Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á-Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Cùng với danh hiệu đó, Hà Nội có danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Ðó là niềm vinh dự và tự hào không những với người dân Thủ đô, mà còn với nhân dân cả nước. Hà Nội qua “một thời đạn bom” đã bước sang “một thời hòa bình” và ngày càng phát triển.

Tọa đàm có sự tham dự của bà Phạm Thị Phương Chi, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đối ngoại nhân dân, Ban Đối ngoại Trung ương; ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Haufo cùng đại diện lãnh đạo các Ban thuộc Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, các sở, ngành Thành phố; đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà ngoại giao, những người đã từng tham gia chuẩn bị hồ sơ đệ trình UNESCO để công nhận Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”...

Tọa đàm diễn ra vào ngày đặc biệt trọng đại, cả đất nước thành kính tổ chức Quốc tang đối với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, nhà ngoại giao xuất sắc, đã nâng tầng ngoại giao Việt Nam nên tầm cao mới cả về thực tiễn và lý luận. Do vậy, trước khi buổi Tọa đàm chính thức bắt đầu, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư.

Sự kiện lần này là diễn đàn tập hợp những người yêu chuộng hoà bình, yêu Thủ đô Hà Nội, cùng đóng góp tâm huyết và trí tuệ cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như những thành tựu mà Hà Nội đạt được trên đường hội nhập quốc tế toàn diện. Những thành tựu đó đã tạo ra cho Thủ đô ngày nay một diện mạo mới đàng hoàng và khang trang hơn.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu đã cùng chia sẻ các bài tham luận giá trị, tập trung ý kiến về các vấn đề sau:

Một là, về thực tiễn, các tham luận đều đánh giá Hà Nội đã nỗ lực trong việc duy trì các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO đó là: Bình đẳng trong cộng đồng; về quản lý phát triển đô thị bền vững; về bảo vệ môi trường sống; về thúc đẩy phát triển văn hóa giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ. Danh hiệu Thành phố vì hòa bình tạo nên động lực để thành phố phát triển và cống hiến như phát huy các giá trị của di sản, xây dựng các biểu tượng của thành phố.

25 năm qua, Hà Nội luôn phát huy vai trò danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”. (Nguồn: Nhân dân)

Hai là, về phương diện lý luận, thời gian càng lùi xa, các tư tưởng chỉ đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng ta về hệ giá trị hòa bình hữu nghị ngày càng sáng ngời rạng rỡ thêm nhiều ý nghĩa. Cùng với sự chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, trên cơ sở nền tảng lý luận vững chắc này, các hoạt động của Liên hiệp Hà Nội cần nâng tầm đối ngoại và xứng tầm Thủ đô hơn nữa.

Ba là, về phương diện phong trào xã hội, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, phong trào “Tôi yêu Hà Nội” được tuổi trẻ Thủ đô chung tay đẩy mạnh tạo nhiều dấu ấn thiết thực. Thời gian qua, tuổi trẻ Thủ đô ghi dấu ấn với mô hình “Vùng xanh trên không gian mạng” - 579 nhóm cộng đồng dân cư cấp xã trên mạng xã hội Facebook.

Bốn là, cần tiếp tục phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa, di sản độc đáo riêng có của Thủ đô, nói đến Hà Nội không thể không nhắc đến sự gặp gỡ văn hóa Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, với mật độ đậm đặc cá di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phong phú khổng lồ, chúng tôi đồng tình với nhận xét của Sở Văn hóa Thể thao là Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo. Thiết kế sáng tạo có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người.

Năm là, về phương diện lãnh đạo chỉ đạo, quan tâm thúc đẩy các hoạt động hợp tác, giao lưu nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về giá trị hòa bình, hữu nghị trong bối cảnh hiện nay; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về khắc phục, hàn gắn hậu quả chiến tranh; tăng cường vận động các nguồn lực quốc tế, nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại”.

Các đại biểu khẳng định rằng đã đến lúc Hà Nội cần có chương trình hành động phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình, nhằm tập trung sự chỉ đạo lãnh đạo đồng thời góp phần đổi mới nội dung và phương thức đối ngoại nhân dân Thủ đô thúc đẩy việc xây dựng được hình ảnh Thành phố hòa bình, Thành phố sáng tạo, Thành phố văn hóa, văn hiến, điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn có trọng tâm, trọng điểm và tính kết nối hệ thống hơn.

Tổng kết lại ý nghĩa của buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Haufo đánh giá cao giá trị của những ý kiến, đề xuất được đưa ra. Ông Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh 25 năm qua, Hà Nội luôn phát huy vai trò danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, kinh tế xã hội phát triển, giáo dục, bảo vệ môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật được quan tâm. Nhiều dự án trọng điểm được triển khai. Nhiều trường học được nâng cấp, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia. Công tác nhận diện, bảo tồn di sản, phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên đã tạo sực hút, động lực cho phát triển du lịch.

Hà Nội cần tiếp tục thông tin sâu rộng và khơi dậy trong mọi tầng lớp nhân dân về tình yêu và khát vọng hòa bình, vươn lên phát huy giá trị của danh hiệu cao quý “Thành phố vì hòa bình” để mãi xứng tầm, tiêu biểu cho cả khu vực và thế giới.