Vào những ngày tháng Mười lịch sử này, thủ đô Hà Nội nhận được một món quà đặc biệt đến từ một vị cựu Đại sứ cũng khá đặc biệt. Bởi vì, sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác, nhà ngoại giao Pháp ấy đã quyết định ở lại Hà Nội "thêm vài năm nữa". Và hành trình của cựu Đại sứ Jean Noël Poirier là trở thành một nhà làm phim nghiệp dư...
Jean Noel Poirier chụp ảnh cùng trẻ em ở ngoại thành Hà Nội trong thời gian làm phim. (Ảnh: NVCC) |
Thân thuộc như trở về nhà
Ngay khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Pháp tại Hà Nội vào tháng 9/2012, Jean Noël Poirier đã có một cảm giác kỳ lạ như được trở về nhà của mình. Vì vậy, ngoài thời gian làm việc và chiêm ngưỡng khoảng không gian tươi xanh và trong lành ở khuôn viên Đại sứ quán Pháp, ông đã tìm mọi cách để nắm bắt linh hồn của thành phố này.
Có nhiều lý do khác để vị Đại sứ mong muốn được khám phá Hà Nội, bởi ông luôn có cảm giác như đã được sống ở thành phố này từ thời thơ ấu của mình. Sự kỳ diệu của Hà Nội là ở chỗ, mỗi ngày thành phố này đều cho ông bầu không khí như đang ở cả Pháp và Việt Nam. Rất nhiều không gian với những ngôi biệt thự, khu phố, tòa nhà, quán cà phê, quán cơm... đều giúp ông gợi nhớ đến Paris và nước Pháp.
Có lẽ, Jean Noel Poirier cảm thấy Hà Nội thân thuộc cũng phải thôi, vì tuy sinh ra tại Pháp nhưng ngay từ nhỏ, ông đã thường xuyên được ngắm nhìn Việt Nam trong những bức ảnh ở nhà ông bà, cũng như được nghe những câu chuyện về người Việt Nam qua lời kể của ông nội – một người Pháp gốc Việt thường xuyên đi về giữa hai nước. Ông đã bắt đầu học tiếng Việt từ năm 20 tuổi, sau đó học ngành Văn hóa phương Đông và lấy vợ gốc Việt.
Cựu Đại sứ Pháp cho biết, ông có ý tưởng làm phim Việt Nam từ hơn ba năm trước. Đó phải là bộ phim với những khám phá của riêng ông về con người và mảnh đất Hà Nội - thành phố quê hương thứ hai. Vì vậy, được sự hỗ trợ của anh trai, ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ Đại sứ vào tháng 9/2016, ông đã bắt tay thực hiện niềm mong ước này.
Hà Nội của tôi (Mon Hanoi) được quay trong khoảng thời gian từ năm 2016 - 2017. Để bộ phim ra đời là một quá trình cố gắng của vị Đại sứ lần đầu tiên biết cầm đến máy quay, làm đạo diễn, tự viết kịch bản và đọc lời bình bằng hai tiếng Pháp và Việt. Tuy nhiên, theo Jean Noel Poirier, trong suốt quá trình làm phim ông đã nhận lại được rất nhiều tình cảm cùng sự hợp tác, giúp đỡ vô tư của người dân Hà Nội. Với ông, họ - những con người bình dị, luôn cho ông cảm giác thân thiện, ấm áp như người thân trong gia đình.
Jean Noel Poirier đến Việt Nam lần đầu vào năm 1989 khi công tác tại Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Pháp. Hơn 10 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành Đại sứ Pháp tại Việt Nam (2012 - 2016). Với sự đóng góp tích cực vào việc tăng cường, thúc đầy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp trong tất cả các lĩnh vực, ông Jean Noel Poirier đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương hữu nghị. Bộ phim “Hà Nội của tôi” là bộ phim tư liệu có thời lượng 52 phút, được tác giả đồng ý phát trên tất cả các kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trong vòng một năm. |
Luôn bí ẩn và chờ khám phá
Những ai có dịp được xem Hà Nội của tôi đều có thể nhận ra một Hà Nội chân thực của ngày nay với tất cả sự rộn rã, ồn ào, sáng tạo và cả sự lộn xộn. Đó là thành phố nơi mỗi con đường là một cuốn phim sống động không ngừng, nơi những xưởng thợ thủ công và các quán cà phê bám lấy vỉa hè, nơi mùi nấu nướng tỏa ra từ căn bếp, bay qua những khoảng sân và níu bước khách bộ hành.
Tuy nhiên, nét độc đáo trong bộ phim của Jean Noel Poirier là những khám phá rất riêng của ông về Hà Nội. Trong suy nghĩ của ông, những con phố bí mật như phố Văn Chương là nơi hoàn hảo để con người thoát ra khỏi công việc văn phòng bận rộn. Những nơi này có bầu không khí tĩnh lặng, khó có thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào trong trung tâm thành phố, nhưng bước sâu vào đó lại mở ra cả một thế giới mới. Khi tham quan và chứng kiến cuộc sống sinh hoạt bên trong những ngôi nhà cổ của người dân Hà Nội, ông lại có cảm giác như được bước vào một bảo tàng thi vị về kiến trúc cổ xưa...
Viết về ẩm thực Hà Nội, cựu Đại sứ Pháp còn lập cả danh sách các địa chỉ "bí mật" mà ông thường tự hào giới thiệu cho bạn bè của mình khám phá. “Không xa Đại sứ quán Pháp, có quán Bánh Xèo tuyệt ngon. Ở khu Thành Công có Bánh Cuốn Lào Cai, với nguyên liệu do bà chủ tự tay chế biến. Và dĩ nhiên món Phở Bò yêu thích của tôi nữa, nhưng tôi sẽ không tiết lộ địa chỉ để tránh ghen tị...”, ông hóm hỉnh kể.
Phụ nữ Hà Nội cũng để lại nhiều ấn tượng với Jean Noel Poirier. Trong mắt ông, họ không chỉ tràn đầy năng lượng, có đầu óc tổ chức giỏi mà còn quyến rũ, tốt bụng và có khiếu hài hước. Ông nói đùa rằng, “ở Việt Nam, phụ nữ làm tất cả, còn nam giới làm nốt phần còn lại”.
Đặc biệt, trong suốt quá trình làm phim, cựu Đại sứ Pháp không ngần ngại nhìn đến cả những mặt trái của Thủ đô như sự lộn xộn của giao thông, hay trong quy hoạch một số khu dân cư... nhưng dưới con mắt đầy thiện ý. Ông hy vọng những người ra quyết sách của Hà Nội sẽ tìm được sự cân bằng thích đáng giữa xây dựng và phá bỏ, cũng như sẽ có trách nhiệm tập thể để không trở thành một thủ đô châu Á đánh mất tâm hồn cùng sự cuốn hút của mình trên con đường hiện đại hoá.
Với Jean Noel Poirier, Hà Nội đang tự tái tạo mỗi ngày và luôn là mảnh đất thú vị mang lại cho ông nhiều cảm hứng. Đôi khi, trong lúc đi dạo, ông lại ước mình có tài năng như nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn để có thể biểu đạt hết ngôn ngữ trước những cảnh tượng đời thường, hay có được giọng ca như cô bạn ca sĩ Giang Trang để diễn tả hết cảm xúc qua âm nhạc. Ông đồng cảm với nữ ca sĩ Hà Nội bởi cô ấy từng nói: “sẽ không bao giờ khám phá hết được vẻ đẹp và sự bí ẩn của Thành phố này”.