Từng đến Hà Nội nhiều lần, nhưng lần này, Michel Blanchard – cựu phóng viên hãng thông tấn AFP đã đem đến cho người dân Thủ đô một món quà đặc biệt: Triển lãm ảnh “Việt Nam những năm 80”. Triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace) và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Không ít cụ già cũng đến đây chỉ để cảm ơn ông vì đã giúp họ sống lại một phần ký ức...
“Ông Tây” phố Phùng Khắc Khoan
Lần đầu tới Việt Nam công tác, Michel Blanchard mới 23 tuổi. Với ông, việc trở thành phóng viên AFP tại Việt Nam chính là cơ hội quý để tìm hiểu về một đất nước còn khá xa lạ. Bên cạnh nhiệm vụ, ông đã đến Hà Nội với niềm hứng khởi để khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ. Cuộc sống ở Việt Nam trong những năm đầu thập niên 1980 vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trước khi đi, nhiều bạn bè và đồng nghiệp đã cảnh báo rằng có thể ông chỉ ở được không quá sáu tháng.
Michel Blanchard bên bức ảnh chụp chợ Đồng Xuân ngày Tết 1983. |
Vậy mà Michel Blanchard đã gắn bó với Hà Nội trọn nhiệm kỳ hai năm. Trong thời gian này, văn phòng của ông được mở tại Phùng Khắc Khoan – con phố nhỏ gần chợ Hôm nhưng đông đúc cư dân sinh sống. Michel Blanchard cho biết, cuộc sống người dân ngày ấy bình dị lắm! Họ thường sống trong những ngôi nhà chật hẹp với ba hoặc bốn thế hệ và phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp. Ông thấy mình may mắn hơn nhiều vì được sống trong một ngôi nhà có hai phòng riêng biệt, dù thi thoảng cũng bị mất điện hoặc mất nước.
Để hòa nhập với cuộc sống người dân Hà Nội, Michel Blanchard đã thuê cho mình một chiếc xe đạp để lang thang dạo phố vào cuối tuần và ngày lễ. Khi đó, cuộc sống thường nhật, những thú vui và sẻ chia giữa người với người mới được ông ưu tiên chứ không phải là những tin tức thời sự. Michel Blanchard ấn tượng với nụ cười đôn hậu của người Hà Nội dù họ đang co ro dưới những manh áo mỏng trong giá rét đêm Đông. Có những buổi tối, ông dừng xe khá lâu ở một ngã tư đường để ngắm nhìn một vài cậu học sinh ngồi học dưới ánh sáng hiu hắt của những ngọn đèn đường.
Michel Blanchard tâm sự, ông được tặng chiếc máy ảnh đầu tiên trong đời khi mới 14 tuổi và luôn say mê chụp ảnh. Mỗi khi khám phá một đất nước, một vùng đất hay một khuôn mặt mới lạ, ông không thể cưỡng lại nhu cầu lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời. Hình ảnh người Hà Nội đi vào ống kính của ông cũng theo cách tự nhiên như thế. Đó có thể là những cái tên giản dị như Phong, Mai, Phương - những cậu bé, cô bé sống đối diện với văn phòng của ông. Thời điểm ấy, vào những lúc rảnh rỗi, Michel Blanchard thường ngồi trước cửa phòng làm việc để ngắm phố phường. Và “ông Tây” có vẻ như một “đồ chơi thú vị” đã vô tình lọt vào tầm ngắm của những đứa trẻ này, khiến chúng thích thú và tìm đến để nô đùa với ông.
Người tác nghiệp không độc hành
Là phóng viên thường trú phương Tây duy nhất tại Việt Nam trong thời gian đó, đôi khi Michel Blanchard có cảm giác cô đơn. Nhưng tình cảm yêu mến, chân thật của người Hà Nội dành cho ông đã lấp dần khoảng trống đó. Là nhà báo nước ngoài, ông được Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) hỗ trợ một phiên dịch viên, một chị nấu ăn và một anh bảo vệ có thể nói tốt tiếng Pháp. Vụ Báo chí (Bộ Ngoại giao) cũng giúp ông rất nhiều trong hoạt động tác nghiệp. Ngoài ra, văn phòng AFP tại Hà Nội luôn có trợ lý người Việt giúp ông theo dõi báo tiếng Việt cũng như lựa chọn thông tin.
Michel Blanchard rất hãnh diện vì có cơ hội được tiếp kiến nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam như: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, ... Với ông, Phó Thủ tưởng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một nhà ngoại giao tài năng, thông thạo nhiều ngoại ngữ còn Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo xuất chúng và am hiểu sâu sắc về nước Pháp. Trong thời gian này, ông cố gắng học tiếng Việt để giao tiếp được những từ đơn giản nhất dù việc phát âm tiếng Việt rất khó khăn đối với người nước ngoài.Michel Blanchard nhớ cái Tết thứ hai ở Việt Nam. Đó là thời khắc rất đặc biệt khi ông được một cô gái Việt mời đến nhà ăn Tết. Sự bất đồng về ngôn ngữ được thay bằng biểu hiện của ánh mắt, nụ cười hoặc cử chỉ ra hiệu... Ông được thưởng thức trà và các món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Việt Nam. Cảm giác đó thật ấm áp, thật tuyệt vời, nhất là đối với một người nước ngoài sống xa quê hương.
Michel Blanchard khẳng định mình là một người viết báo nên báo ảnh chỉ là thú vui và những gì ông quan tâm là khuôn mặt, nụ cười và cái đẹp. Trong mắt ông, Hà Nội rất đẹp – một vẻ đẹp gần gũi, không cần tô vẽ nên ông chỉ cần đưa máy lên bấm là có ngay bức ảnh đúng ý nguyện. “Khi xem một số bức ảnh cũ, thậm chí tôi còn thấy lại mùi hương lúc đó. Ngay cả những hình ảnh chưa kịp chụp vẫn còn lưu giữ lại trong trái tim tôi đến tận bây giờ”, Michel Blanchard tâm sự.
Michel Blanchard sinh ngày 31/12/1949 tại Angoulême (Pháp). Ông từng là Trưởng đại diện Văn phòng hãng thông tấn AFP tại Hà Nội (phạm vi ba nước: Việt Nam, Lào, Campuchia từ năm 1981-1983), phụ trách chuyên mục Du lịch, viết bài trong mục Quốc tế, Ngoại giao và phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương (1976-2006). Hiện nay, ông là nhà báo tự do và thành viên của Tổ chức các nhà báo du lịch. Ông đã học tại Viện Nghệ thuật và Khảo cổ học (Bordeaux, 1968-1969), Trung tâm đào tạo nhà báo (Paris, 1971) và là thạc sĩ nghiên cứu chuyên sâu Quan hệ quốc tế tại Học viện chính trị Paris (1997). Nhiều năm qua, Michel Blanchard liên tục đến Việt Nam với tư cách là tác giả viết sách du lịch. Ông đã tổ chức hai cuộc triển lãm ảnh Việt Nam tại Pháp. Cùng với triển lãm ảnh lần này tại Hà Nội, ông mong muốn trong tương lai có thể ra một cuốn sách ảnh trọn vẹn về Việt Nam. |