📞

Hạ viện 'bật đèn xanh', Italy rục rịch phê chuẩn thỏa thuận di cư với Albania, LHQ lo lắng

Bảo Minh 10:58 | 26/01/2024
Thỏa thuận sắp được phê chuẩn giữa Italy và Albania về việc thành lập các trung tâm tiếp nhận người di cư được Rome giải cứu trên biển khiến Liên hợp quốc (LHQ) lo ngại.
Những người di cư ngủ trên một boong tàu cứu hộ đang trên đường đến Italy, sau khi được giải cứu ở vùng biển quốc tế ngoài khơi Libya ngày 29/9/2023. (Nguồn: Reuters)

AP đưa tin, hôm 24/1, với 155 phiếu thuận, 115 phiếu chống và 2 phiếu trắng, Hạ viện Italy đã phê chuẩn một thỏa thuận nhằm thành lập hai trung tâm tiếp nhận người di cư trên lãnh thổ Albania để xử lý các đơn xin tị nạn của những người di cư và người tị nạn được Rome giải cứu trên biển.

Theo thỏa thuận này, dự kiến, sẽ có quá trình sàng lọc những người di cư khi đến nơi và trong khi xử lý đơn xin tị nạn, những người di cư sẽ bị giam giữ. Thỏa thuận kỳ vọng có thể xử lý tới 3.000 trường hợp mỗi tháng.

Thỏa thuận sẽ loại trừ những người có nhu cầu đặc biệt như người già, trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, người di cư và người tị nạn đã được các tàu do tổ chức phi chính phủ điều hành cứu và những người trực tiếp đến Italy.

Dự luật hiện được chuyển tới Thượng viện để chính thức phê duyệt.

Liên quan vấn đề này, ngày 25/1, Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền Volker Turk cho rằng, thỏa thuận làm dấy lên lo ngại về việc giam giữ tùy tiện và điều kiện sống.

Reuters dẫn phát biểu của ông Turk trước Thượng viện Italy cho hay: "Việc chuyển đến Albania để tiến hành các thủ tục tị nạn và hồi hương đặt ra các vấn đề nhân quyền quan trọng, đặc biệt là quyền tự do khỏi bị giam giữ tùy tiện; thủ tục nộp đơn xin tị nạn đầy đủ, bao gồm sàng lọc và nhận dạng và điều kiện sống".

Chính phủ của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, vốn có quan điểm cứng rắn chống nhập cư bất hợp pháp, đang nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi.

Kể từ khi nhậm chức vào mùa Thu năm 2022, chính phủ của bà Meloni đã liên hệ với các nước thứ ba trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng di cư bất thường bằng đường biển đến Italy, vốn trong năm 2023 đã tăng khoảng 50% so với năm trước.

Trước đó hồi tháng 12/2023, tòa án hiến pháp Albania đình chỉ việc phê chuẩn thỏa thuận tại Quốc hội Albania để chờ quyết định về những thách thức đối với kế hoạch này.

Vào thời điểm đó, Thủ tướng Rama cho biết, ông "tin tưởng" vào đánh giá của tòa án về thỏa thuận vì nó "không có gì vi hiến" và ông mong đợi một quyết định sẽ được đưa ra "sớm hơn nhiều" so với thời hạn tháng 3/2024.