Trong những tháng đầu năm 2019, Việt Nam có hai sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Tây Nam và kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Vì sao có hai cuộc chiến tranh biên giới năm 1979? Nguyên nhân là ở đâu? Có mối quan hệ gì giữa hai sự kiện này trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của ta vừa kết thúc chỉ sau 4 năm? Bản chất của hai sự kiện trên cần được làm rõ.
Sự thật lịch sử
Trong những ngày qua, truyền thông trong nước và phần nào truyền thông nước ngoài đã đề cập đến các sự kiện này. Nhưng tôi nghĩ báo chí và các công trình nghiên cứu chưa thật làm rõ và đầy đủ tính chất cũng như diễn biến liên quan đến các sự kiện và hệ quả, tác động của nó. Do vậy, ngay người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, chưa hiểu hết sự thật lịch sử và dư luận nước ngoài cũng lãng quên.
Quân tình nguyện Việt Nam chia gạo cứu đói cho nhân dân Campuchia. (Ảnh tư liệu) |
Phải nói rằng người dân Việt Nam sau 30 năm chiến tranh, hết chống thực dân rồi chống đế quốc chỉ mong muốn hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đất nước bị tàn phá, sinh mạng bị mất mát, cuộc sống người dân vô cùng cùng cực, ai ai cũng muốn xây dựng đất nước và có cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Nhưng nguyện vọng chính đáng và tha thiết nhất của người dân Việt Nam lại bị các thế lực thù địch, phản động bên ngoài câu kết phá hoại một cách phũ phàng và thâm độc.
Một số tài liệu nước ngoài đã tiết lộ hành động của Trung Quốc là có chủ đích, được toan tính trên nhiều mặt, có chuẩn bị từ trước và người lãnh đạo Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình, khi thăm Mỹ cuối tháng 1/1979 đã nói sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”. Bài học gì vậy? Sau khi ta giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, đánh bại tập đoàn Pol Pot? Hay liệu đó có phải là tính toán của Trung Quốc lúc đó xoay sang thực hiện ý đồ chiến lược đảo chiều quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ giữa các nước lớn? |
Trước tình hình đó, nhân dân ta buộc lại phải đứng lên bảo vệ đất nước, cứu nguy dân tộc. Hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc là sống còn và chính nghĩa. Sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước không lâu, quân đội của tập đoàn cầm quyền Pol Pot ở Campuchia được thế lực nước ngoài hậu thuẫn đã gây hấn ở khu vực biên giới giữa ta và Campuchia, xâm phạm sâu vào lãnh thổ Việt Nam, tiến hành hàng loạt các cuộc thảm sát vô cùng dã man đối với người dân nước ta, theo đuổi ý đồ tấn công vào cả Sài Gòn.
Chúng ta đã nghĩ Việt Nam và Campuchia từng đoàn kết chống xâm lược, giải phóng đất nước nên đã hết sức kiềm chế. Nhưng phía Campuchia dưới chế độ Pol Pot vẫn lấn tới, hung hăng uy hiếp đất nước ta bằng đội quân không còn tính người và vũ khí được tiếp tay từ nước ngoài.
Chúng ta đứng trước tình hình rất nghiêm trọng. Mối an nguy đối với đất nước, nhân dân ta vô cùng cấp bách. Bản chất của tập đoàn cầm quyền Pol Pot ở Campuchia đã rõ. Chế độ Pol Pot diệt chủng đang hủy diệt chính đất nước và người dân của họ, đồng thời là mối đe dọa trực tiếp đối với Việt Nam.
Nhân dân Campuchia kêu gọi sự giúp đỡ, thành lập Mặt trận cứu nguy dân tộc. Những người yêu nước Campuchia sang Việt Nam tìm sự trợ giúp. Chúng ta nhận thức rõ nghĩa vụ quốc tế cứu bạn và cũng là cứu mình.
Ngày 7/1/1979, cùng với nhân dân Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam đã đánh bại quân Pol Pot, cơ bản giải phóng người dân và đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng. Chúng ta đã cùng nhân dân Campuchia tiếp tục những nỗ lực to lớn, kể cả xương máu hy sinh để xây dựng lại đất nước Campuchia và cuộc sống của người dân bạn, chiến đấu truy quét quân Khmer Đỏ, ngăn ngừa chúng quay trở lại cho tới ngày chúng tan rã và đầu hàng.
Đánh giá ý nghĩa về Chiến thắng ở biên giới Tây Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm sự kiện này vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nêu rõ “Nhiều nước cho là dân chủ, nhưng không có ai cứu giúp nhân dân Campuchia chống lại bọn diệt chủng Pol Pot, chỉ có Việt Nam”.
Cộng đồng quốc tế, sau một thời gian dài, đã có những nhận thức thực tế, khách quan hơn về sự kiện và các cuộc điều tra đã dẫn tới việc thành lập Tòa án quốc tế xét xử tội ác diệt chủng của nhóm lãnh đạo Khmer Đỏ, kết luận rõ ràng “Đây là cuộc diệt chủng”. Sự thật vẫn là sự thật. Chính nghĩa sẽ thắng.
Đối với Việt Nam, chúng ta đã thực hiện một nghĩa vụ, trọng trách quốc tế chính đáng, không chỉ đối với nhân dân Campuchia, mà còn là bảo vệ công lý và lẽ phải. Bên cạnh sự hy sinh xương máu và những nỗ lực bằng mồ hôi công sức của hàng vạn quân tình nguyện, chuyên gia giúp bạn Campuchia, chúng ta còn phải gánh chịu và đối mặt với những hành động bao vây, cấm vận, cô lập ta trên trường quốc tế do thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc sự thật, chia rẽ Việt Nam với quốc tế, cố tình gây khó khăn làm Việt Nam suy yếu để khống chế Việt Nam, đồng thời thực hiện những mục tiêu chiến lược rộng lớn hơn của họ. Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả.
Các chiến sĩ Việt Nam hành quân bảo vệ biên giới phía Bắc. (Ảnh tư liệu) |
Hành động thù địch có chủ đích
Chỉ hơn một tháng sau khi chúng ta đánh bại tập đoàn Pol Pot, ngày 17/2/1979, hàng vạn quân Trung Quốc với binh khí hùng hậu, tấn công toàn tuyến biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta, tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự, quy mô lớn.
Dư luận quốc tế, lúc đó nhất là bạn bè các nước ngạc nhiên không hiểu vì sao có chuyện lạ như vậy. Trung Quốc vừa giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nay lại đánh Việt Nam? Tại sao Trung Quốc lại có sự thay đổi chính sách bạn – thù như vậy? Ngay người dân Việt Nam cũng rất bất ngờ.
Tuy nhiên, một số tài liệu nước ngoài đã tiết lộ hành động của Trung Quốc là có chủ đích, được toan tính trên nhiều mặt, có chuẩn bị từ trước và người lãnh đạo Trung Quốc – Đặng Tiểu Bình, khi thăm Mỹ cuối tháng 1/1979 đã nói sẽ “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Nhắc đến điều buồn của chiến tranh trong quá khứ chính là để tránh chiến tranh, tạo dựng hòa bình, hữu nghị và quan hệ tốt đẹp hơn, thực chất hơn và bền vững lâu dài. |
Bài học gì vậy? Sau khi ta giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, đánh bại tập đoàn Pol Pot? Hay liệu đó có phải là tính toán của Trung Quốc lúc đó xoay sang thực hiện ý đồ chiến lược đảo chiều quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ giữa các nước lớn?
Đến nay, đã có nhiều tài liệu nghiên cứu sự kiện đề cập và phân tích ở nhiều góc độ. Nhưng đối với dư luận rộng rãi vấn đề chưa thật rõ, trong khi Trung Quốc vẫn tuyên truyền cuộc chiến biên giới Việt Nam do họ tiến hành là “phản kích tự vệ”.
Trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, hơn 4 vạn chiến sĩ ta và thường dân đã ngã xuống bảo vệ từng tấc đấc thiêng liêng của Tổ quốc. Hài cốt của họ cho tới nay còn chưa được quy tập đầy đủ, thậm chí rải rác còn lẫn trong các bãi bom mìn chưa tháo gỡ hết.
Đó là một giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với nhân dân ta, kéo dài trong cả một thập kỷ 1980 cùng một lúc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước trong lúc phải dốc sức hàn gắn vết thương 30 năm chiến tranh. Đấy còn chưa kể đến sự đe dọa “bài học thứ hai” từ phía Trung Quốc và hành động quân sự thô bạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, tấn công đánh chiếm Gạc Ma, tàn sát chiến sỹ ta.
Tôn trọng quá khứ, hướng tới tương lai
Chúng ta đã ra khỏi chiến tranh vào năm 1975 nhưng lại không có hòa bình. Tôi nghĩ, cả hai sự kiện đã 40 năm nhưng lịch sử là khách quan, là sự thật cần được tôn trọng và rành mạch. Bản chất của sự kiện phải được sáng tỏ, hiểu đúng.
Nhiều sự kiện lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam đã được ghi rõ trong sử sách, sách giáo khoa. Cũng như vậy, cả hai sự kiện nêu trên cần được nói rõ, cụ thể, minh bạch. Đây có lẽ cũng là một trách nhiệm đối với lịch sử.
Nhắc đến điều buồn của chiến tranh trong quá khứ chính là để tránh chiến tranh, tạo dựng hòa bình, hữu nghị và quan hệ tốt đẹp hơn, thực chất hơn và bền vững lâu dài.
Ngày nay, hơn lúc nào hết, bối cảnh thế giới và cục diện quốc tế đã thay đổi rất nhiều nhưng hết sức phức tạp, khác xa những suy nghĩ thông thường. Làm rõ lịch sử, nhận thức rõ bài học lịch sử đều hết sức có giá trị không chỉ để tham khảo, mà để có những nhận định chính xác và có đối sách phù hợp trong tình hình mới.
Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch nước