Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, trong cuộc họp báo tại Paris. (Nguồn: Getty Images) |
Cuộc đàm phán Paris giữa các bên để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao - 4 năm 8 tháng 14 ngày, đi đến ký kết Hiệp định Paris ngày 27/01/1973, cách đây vừa tròn nửa thế kỷ. Đối với tôi, cuộc đàm phán Paris diễn ra như một cuốn phim với những mốc quan trọng của cuộc đấu tranh, đấu trí căng thẳng để đi đến thắng lợi.
Trước hết là vấn đề tư cách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP) là một bên tại cuộc đàm phán Paris. Chiều 04/11/1968, đoàn của MTDTGP đến sân bay Bourget, Paris. Ngay khi gặp báo chí đông đảo ở sân bay, hồi hộp, xúc động, mừng vui, chúng tôi có nhiệm vụ nêu rõ lý do và ý nghĩa sự có mặt của MTDTGP tại Hội nghị Paris.
Trước đó, từ tháng 5-10/1968, tại Hội nghị với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), phía Mỹ đã rất gay gắt về vấn đề vai trò của đoàn Mặt trận, cho rằng Mặt trận là “người của miền Bắc”. Phía ta nêu rõ, Mặt trận là đại diện cho nhân dân miền Nam đang trực tiếp chống xâm lược Mỹ, đương nhiên phải là một bên đàm phán. Còn chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên, là tay sai của Mỹ.
Do lập trường cương quyết của Chính phủ VNDCCH, Mỹ buộc phải ngồi nói chuyện chính thức với Mặt trận và từ tháng 06/1969 là Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT), là thắng lợi chính trị to lớn bước đầu, có ý nghĩa chiến lược.
Trên bàn hội nghị, chúng ta có hai đoàn ở vị trí cạnh nhau, cùng một mục tiêu, tạo cho chúng ta nhiều ưu thế để phối hợp đấu tranh. Về mặt chính trị, ngoại giao, chúng ta đã tạo thế trận “tuy hai mà một, tuy một mà hai” linh hoạt và sống động để phát huy sức mạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao CPCMLT Nguyễn Thị Bình tại sân bay Heathrow, London, Anh, ngày 05/03/1969. (Nguồn: Getty Images) |
Dấu mốc quan trọng thứ hai trong cuộc đàm phán là chúng ta kiên định lập trường nguyên tắc đồng thời linh hoạt về sách lược. Cuộc đàm phán Paris cho thấy tầm quan trọng quyết định của đường lối chiến lược, sách lược sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta và vai trò, ý nghĩa quan trọng của ngoại giao trong sự phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị. Một đường lối ngoại giao đúng đắn, linh hoạt, khôn khéo có thể phát huy kết quả chiến trường một cách có lợi nhất cho thắng lợi chung.
Tháng 04/1969, tôi về Hà Nội nhận chỉ thị mới. Khi trở sang Paris đem theo Lập trường 10 điểm của Mặt trận. Ngày 08/05/1969, ta đưa ra “giải pháp toàn bộ 10 điểm” chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề chính trị ở miền Nam, có tác động rất lớn, đặc biệt đối với dư luận Mỹ.
Tại bàn đàm phán, ngày 17/09/1970, ta tiếp tục đưa ra tuyên bố 8 điểm đòi Mỹ rút quân trước ngày 30/06/1971, và gạt bỏ chính quyền Sài Gòn, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam. Tuyên bố gây tiếng vang lớn ở các đô thị miền Nam và dư luận quốc tế. Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Đoàn đàm phán ta thực hiện “đối ngoại phối hợp chiến trường”. “Chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” thất bại, Mỹ chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Thế của ta ngày càng mạnh lên, trên chiến trường ta ở thế phản công. Cục diện dẫn đến ngày 01/07/1971 ta đưa ra giải pháp 7 điểm chấn động: Mỹ rút hết quân đi đôi với việc thả tù binh; chính quyền Sài Gòn từ chức, nhường chỗ cho một chính quyền mới, bàn bạc với CPCMLT để lập ra Chính phủ hòa hợp dân tộc. Như vậy, ta chủ động tách vấn đề rút quân Mỹ với vấn đề chính trị ở miền Nam. Đây là một bước đi rất quan trọng, linh hoạt, khôn khéo.
Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973. (Nguồn: Getty Images) |
Trong ngoại giao, nhiều khi mềm dẻo lại chính là tấn công. Chúng ta giữ vững lập trường kiên quyết, sắt đá, đấu tranh trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao trong bối cảnh quan hệ phức tạp giữa các cường quốc; đồng thời tìm giải pháp có lợi nhất ra khỏi chiến tranh, giành thắng lợi.
Tiếp đó, đầu năm 1972, ta đưa ra tuyên bố 2 điểm nói thêm: rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần. Đây là sự thể hiện “một sách lược lớn” tạm gác vấn đề chính trị ở miền Nam, tập trung đòi Mỹ rút quân - đã có tác động rất mạnh, đúng lúc, đẩy đối phương vào thế bị động.
Sau chiến thắng Xuân - Hè 1972 trên năm mặt trận lớn, từ Trị Thiên đến Đồng bằng sông Cửu Long, ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, làm thay đổi tương quan lực lượng, tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh. Tháng 07/1972, Bộ Chính trị đã đưa ra quyết sách chuyển từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình.
Tại Paris, VNDCCH cùng Mỹ đi vào đàm phán “bí mật” - một cuộc đấu trí lịch sử, hai mặt trận quân sự và ngoại giao đi vào hồi quyết liệt. Cuối tháng 09/1972, ta đưa ra “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Đầu tháng 10/1972, hai bên thỏa thuận về cơ bản Dự thảo và dự định ngày 30/10 sẽ ký kết Hiệp định. Tuy nhiên, đầu tháng 11/1972, phía Mỹ lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định có lợi cho Mỹ. Và để gây áp lực buộc ta chấp nhận, Mỹ tiến hành cuộc không kích bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng từ ngày 18-30/12/1972.
Ngày 21/12 ta tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Cuộc đàm phán trong tình trạng đặc biệt căng thẳng. Chiến dịch không kích thất bại, Mỹ phải ngừng ném bom, trở lại chấp nhận Dự thảo và ngày 23/01/1973, ta và Mỹ ký tắt văn bản Hiệp định, rồi sáng 27/01/1973 Hiệp định được chính thức ký kết; xác định tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản: độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Bình và ông Kurt Waldheim, Tổng thư ký Liên hợp quốc tại Hội nghị Định ước quốc tế về Hiệp định Paris về Việt Nam (diễn ra từ ngày 26/02-02/03/1973). |
Một tháng sau, ngày 02/03/1973, một hội nghị quốc tế được tổ chức để xác nhận về mặt pháp lý của Hiệp định Paris với đại diện của 12 nước và các bên, có Tổng thư ký Liên hợp quốc là khách mời của Hội nghị; ra bản Định ước quốc tế về Việt Nam.
Thắng lợi của việc ký kết Hiệp định Paris với việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn khỏi miền Nam là một bước tiến vô cùng quan trọng có tính quyết định để đi đến thắng lợi cuối cùng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/04/1975.
Đây cũng chính là ý nghĩa lịch sử to lớn của cuộc đàm phán Paris - một mốc đáng nhớ nữa mà tôi muốn nhìn lại, giành thắng lợi từng bước để đạt tới thắng lợi trọn vẹn. Hiệp định Paris được ký kết, nhưng thực tế không hoàn toàn suôn sẻ, chiến tranh vẫn ác liệt. Mỹ và chính quyền Sài Gòn không nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, cố sức lấn chiếm vùng giải phóng trong kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”. Chúng ta vẫn phải tiếp tục chiến đấu, phản công lại đối phương, đồng thời đấu tranh trong Ban liên hợp quân sự 4 bên và 2 bên ở Tân Sơn Nhất theo đúng lộ trình thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định.
Bà Nguyễn Thị Bình gặp đại diện phụ nữ Việt kiều tại Hội quán, ngày 28/01/1973. |
Việc chuẩn bị cho Hội nghị Hiệp thương giữa hai bên miền Nam theo điều 12 của Hiệp định Paris kéo dài hơn một tháng - từ tháng 3-4/1973 tại lâu đài La Celle Saint-Cloud, Paris không đạt được gì, phải giải tán. Trong lúc đó, trên chiến trường, bom đạn vẫn nổ và máu vẫn đổ.
Đầu năm 1975, tình hình chuyển biến có lợi, ta phản công mạnh, liên tiếp dồn quân đội của chính quyền Sài Gòn vào thế bị động, thất bại ở khắp nơi. Tôi được phân công đi công tác tại các nước châu Âu, đề phòng cho khả năng Mỹ can thiệp trở lại.
Chúng ta cũng đã dự kiến một số kịch bản chuẩn bị cho các tình huống khác nhau trong lúc các lực lượng của ta tiến công mạnh vào Sài Gòn, không dừng lại. Tối 29/04/1975, trở về từ Tanzania, tôi có mặt ở Đà Nẵng, rất vui mừng và phấn chấn khi nghe đài tường thuật quân ta đã vào Sài Gòn và trưa hôm sau, 30/04/1975 giải phóng Sài Gòn - một niềm xúc động vô hạn đối với tôi.
Tháng 11/1975, Hội nghị Hiệp thương thống nhất đất nước đã diễn ra. CPCMLT hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Non sông Việt Nam thống nhất, thu về một mối.
Bà Nguyễn Thị Bình cắt băng khai trương triển lãm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2013). (Nguồn: TTXVN) |
Cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris có rất nhiều bài học. Theo tôi nghĩ, bài học lớn nhất trong các chủ trương của Việt Nam là đường lối độc lập tự chủ, từ các chủ trương cụ thể đến chủ trương chung. Một điều hết sức quan trọng mà các đồng chí lãnh đạo luôn quan tâm khi quyết định chủ trương và quyết sách là đánh giá cục diện chung thế giới, đặc biệt là ý định của các nước lớn có liên quan đến ta và quan hệ giữa họ với nhau.
Chúng ta giữ vững lập trường độc lập tự chủ trong tiến hành chiến tranh cũng như kết thúc chiến tranh, đồng thời vẫn tranh thủ bạn bè quốc tế. Phong trào đoàn kết rộng lớn với Việt Nam chưa từng thấy cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết quốc tế” hay nói “phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”, đó chính là sự kết hợp các nguồn lực bên trong và bên ngoài thành tổng lực thống nhất để đem lại thành công. Chân lý đó mãi mãi đúng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và trong tương lai xa hơn, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, độc lập về chính trị phải đi đôi với độc lập tự chủ về kinh tế.
Dân tộc ta trong hoàn cảnh nào cũng cần sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế; kiên định bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Cũng cần hiểu rằng: có đoàn kết dân tộc vững chắc thì mới có sự đoàn kết quốc tế lớn mạnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Phó Tổng Biên tập Báo Thế giới & Việt Nam Nguyễn Thị Minh Nguyệt thăm bà Nguyễn Thị Bình trước dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris, ngày 06/01/2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |
* Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh năm 1927 tại tỉnh Sa Đéc, hiện sống tại Hà nội. Năm 1969-1976: Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT), kiêm trưởng phái đoàn đàm phán CPCMLT. Năm 1976-1987: Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Năm 1987-1992: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Năm 1992-2002, Phó Chủ tịch nước. Từ năm 2002, bà giữ các vị trí Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc màu da cam, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Quốc tế Kovalevskaia. |
| Hiệp định Paris: Những chặng đường của một chiến thắng* Kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris 27/1/1973 - 27/1/2013 đã cho nhà sử học cao tuổi là tôi cơ hội gửi tới ... |
| Người mang Dự thảo Hiệp định tới Paris Chuyện kể của ông Lưu Văn Lợi - nguyên Cố vấn pháp lý đoàn VNDCCH, về việc được giao nhiệm vụ mang bản Dự thảo ... |
| Hiệp định Paris về Việt Nam: Những điều khoản ký kết và thực hiện Hiệp định Paris là kết quả của một cuộc hội đàm lịch sử trong cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ năm ... |
| Tản mạn chuyện đàm phán ở Paris… Trong gần năm năm diễn ra đàm phán Paris về Việt Nam, không chỉ đồng bào và chiến sĩ trong nước mà nhân dân thế ... |
| Lịch sử là quá khứ hướng tới tương lai* Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973 là kết quả một quá trình vận động lâu dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ ... |