📞

Hải Dương tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng

Tống Thoan 13:40 | 05/07/2024
6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 7/63 toàn quốc và thứ 3/11 vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII. (Nguồn: Báo Đảng Cộng sản)

Thông tin trên được Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đưa ra tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII ngày 4/7.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe quán triệt, triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; thảo luận về Kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030; phương án thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; nghe báo cáo, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 cùng các nội dung quan trọng khác.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao hơn so với kịch bản tăng 8,22% đề ra, xếp thứ 7 toàn quốc (sau các tỉnh thành Hải Phòng, Bắc Giang, Khánh Hòa, Trà Vinh, Hà Nam, Thanh Hóa) và đứng thứ 3 ở vùng Đồng bằng sông Hồng (sau tỉnh Hà Nam và TP Hải Phòng).

Phân tích cụ thể số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng quý I sơ bộ đạt 10,11% cao hơn số liệu ước tính trước đó (+9,80%) là 0,31 điểm%; nguyên nhân là do các ngành nông, lâm, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ đều tăng trưởng thực tế cao hơn so với số ước tính. Tăng trưởng quý II ước đạt 9,91% thấp hơn so với tăng trưởng quý I do hầu hết các ngành sản xuất đều tăng chậm lại.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, một số điểm nổi bật trong bức tranh tăng trưởng 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Hải Dương trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản uớc tăng 3,52% do chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản tăng ổn định; Năng suất vụ đông và lúa chiêm xuân đều tăng so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 13,71%. Trong đó, công nghiệp tăng 14,3% do các ngành sản xuất đều tăng trưởng khá đồng đều với 34/36 ngành công nghiệp tăng; xây dựng tăng 7,3% do nhu cầu xây dựng trong dân cư yếu, ít công trình mới khởi công.

Khu vực dịch vụ ước tăng 6,9% chủ yếu do tiêu dùng dân cư vẫn tăng ổn định; vận tải, dịch vụ hỗ trợ sản xuất tăng khá; tác động tích cực từ việc tăng lương cơ sở của công chức, viên chức giữa năm 2023 ở các ngành QLNN, y tế, giáo dục.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 14.284 tỷ VND, đạt 72,7% dự toán, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nửa đầu năm 2024, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 31 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 5.796 tỷ VND, tăng gấp 10,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm ước đạt 14.284 tỷ VND, đạt 72,7% dự toán, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 12.366 tỷ VND, đạt 76% dự toán, tăng 50%; thu xuất nhập khẩu 1.924 tỷ VND, đạt 71% dự toán, tăng 4%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 178,3 triệu USD, bằng 80% so với cùng kỳ năm trước; chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 31 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 5.796,2 tỷ VND, tăng gấp 10,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của Hải Dương đạt 5,33 triệu VND/người/tháng đứng thứ 10 toàn quốc, tăng 8,2% so với năm 2022. Công tác quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác an sinh xã hội được các cấp, ngành quan tâm; đời sống của nhân dân ổn định.

Sản xuất công nghiệp là điểm sáng của nền kinh tế Hải Dương 6 tháng đầu năm 2024. (Nguồn: Báo Hải Dương)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cũng nhìn nhận kinh tế tỉnh vẫn tăng trưởng cao so với năm trước và bình quân của cả nước, nhưng có dấu hiệu chững lại. Một số công việc quan trọng như lập kế hoạch triển khai quy hoạch tỉnh, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, công tác lập quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch phân khu, nâng cấp đô thị, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Một số dự án chậm triển khai chưa được xử lý dứt điểm...

Để phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm và thời gian tới, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương đã đặt ra 16 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đề án phát triển diện tích cấy lúa bằng máy; Nghị quyết hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Chương trình khuyến công; Chương trình hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; tăng cường xúc tiến thương mại, du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn;…

Thời gian tới, Hải Dương sẽ chú trọng triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ...

Đồng thời, tỉnh tiếp tục tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đang và chuẩn bị đi vào hoạt động; tập trung hoàn thiện hạ tầng, tăng cường thu hút đầu tư.

Hải Dương đang thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ hoàn thiện Đề án thành lập Khu kinh tế chuyên biệt, dự án khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long; hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 theo hướng xanh, thông minh, hiện đại; đề án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông.

Nỗ lực chuyển đổi số, Hải Dương phấn đấu đưa Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC) và Trung tâm Điều hành an ninh mạng tỉnh (SOC) vào hoạt động trong quý III/2024; quy hoạch địa điểm đổ chất thải xây dựng; xử lý dứt điểm các tồn tại về rác thải, nước thải sinh hoạt trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động an sinh xã hội; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.