Nhỏ Bình thường Lớn

Hải Dương: Vùng đất văn hóa hội tụ và tỏa sáng

Sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, tỉnh Hải Dương đang nỗ lực hết mình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch, góp phần gìn giữ văn hiến xứ Đông xưa tiếp tục tỏa sáng, trường tồn.
Chùa Côn Sơn - một trong những di tích tiêu biểu của Hải Dương.
Chùa Côn Sơn - một trong những di tích tiêu biểu của Hải Dương.

Nằm ở vị trí phía Đông Bắc của Đồng bằng Bắc Bộ, Hải Dương có diện tích tự nhiên 1.668 km2, dân số trên 1,9 triệu người. Thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), lại có giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thuỷ do gần cảng biển và cảng hàng không nên việc kết nối rất thuận tiện để Hải Dương phát triển kinh tế và du lịch.

Kho tàng di sản văn hóa

Hải Dương nay - xứ Đông xưa có nhiều cảnh quan có giá trị, từ lâu đã nổi tiếng như Côn Sơn - Kiếp Bạc, Phượng Hoàng, rừng phong lá đỏ Thanh Mai (Chí Linh); An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Kinh Môn); cảnh quan sông Hương với các khu miệt vườn cây ăn trái (Thanh Hà); khu Đảo Cò (Thanh Miện) - hệ sinh thái đất ngập nước với hàng ngàn cá thể cò, vạc… còn lại duy nhất ở vùng Đồng bằng sông Hồng.

Từ bao đời, đây là nơi sinh thành, hội tụ và toả sáng của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ… Là vùng đất có bề dày lịch sử, di sản văn hoá đặc sắc với 3.199 di tích lịch sử, văn hoá và danh thắng, Hải Dương còn có bốn di tích, cụm, quần thể di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt là Côn Sơn- Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn Miếu Mao Điền, đền Xưa - chùa Giám - đền Bia; cùng 142 di tích quốc gia và 271 di tích cấp tỉnh; 11 bảo vật quốc gia và 11 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bên cạnh nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú và những vùng sinh thái hấp dẫn, nơi đây lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như xương động vật, xương người tiền sử hóa thạch, công cụ lao động bằng đá, đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, tiền cổ... khẳng định loài người đã cư trú liên tục ở vùng đất Kinh Môn từ 3-5 vạn năm trước.

Vùng đất vốn nức tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như: chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), khắc ván in Hồng Lục, Liễu Tràng (TP. Hải Dương), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), giày dép Tam Lâm (Gia Lộc), dệt chiếu Tiên Kiều (Thanh Hà)… Đây còn là một miền quê dạt dào các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, tuồng, hát ca trù, hát chầu văn, múa rối nước… đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Đến đây, du khách được thưởng thức nhiều đặc sản ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài nước như: bánh đậu xanh - top 10 đặc sản quà tặng châu Á; bánh khảo, bánh cuốn (TP. Hải Dương); bánh gai (Ninh Giang); bánh đa Kẻ Sặt (Bình Giang); giò chả (Gia Lộc); gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi (Kinh Môn); vải thiều (Thanh Hà); rươi, cáy (Tứ Kỳ, Kim Thành)…

Với trên 800 lễ hội, trong đó có những lễ hội lớn như Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh), Đền Cao (Kinh Môn), Đền Tranh (Ninh Giang)… tỉnh có tiềm năng, thế mạnh lớn về du lịch văn hóa, góp phần phát triển ngành du lịch ở địa phương và của cả vùng Đông Bắc.

Nỗ lực tôn vinh di sản, phát triển du lịch

Sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng, trong những năm qua, tỉnh quan tâm tập trung nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch.

Đáng chú ý, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trên địa bàn ba tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đang được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) khảo sát, thẩm định hồ sơ đề cử để xem xét công nhận trở thành Di sản thế giới. Tầm quan trọng của quần thể di tích danh thắng này được khẳng định thông qua hàng loạt các di tích, danh lam thắng cảnh trong khu di sản được nhận diện xếp hạng ở cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, với đầy đủ bốn loại hình: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, địa điểm danh lam thắng cảnh.

Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ di sản văn hóa đầu tiên có phạm vi triển khai trên cả ba tỉnh, điều chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Để xây dựng hồ sơ khoa học của quần thể này trình UNESCO, UBND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang thực hiện. Nếu được UNESCO ghi danh, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc sẽ là di sản văn hóa thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam, cho thấy nỗ lực tôn vinh di sản của ba tỉnh, trong đó có tỉnh Hải Dương.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, sau khi hát ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2009, tỉnh đã có những đóng góp thiết thực, trách nhiệm để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản hát ca trù trao truyền lại cho thế hệ sau cũng như góp phần bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc.

Hiện nay, cùng với các tỉnh, thành phố đồng bằng trung du Bắc Bộ khác, tỉnh đã xây dựng hoàn thiện Hồ sơ Nghệ thuật chèo trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản, Hải Dương còn chú trọng khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh về văn hóa của tỉnh. Nhiều sản phẩm du lịch đặc thù đã trở thành “thương hiệu” của mình.

Đến với Hải Dương là đến với du lịch văn hóa tham quan danh lam thắng cảnh tại Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, đền Chu Văn An, đền Tranh, đền Khúc Thừa Dụ, Văn miếu Mao Điền... Vùng đất này còn nổi danh nhờ du lịch lễ hội gắn với các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội mùa Xuân, mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ hội đền Cao An Phụ, lễ hội chùa Nhẫm Dương, lễ hội Văn Miếu Mao Điền, lễ hội đền Tranh…

Nhiều loại hình như du lịch sinh thái ở đây cũng hấp dẫn du khách như: khu du lịch cộng đồng tại Đảo Cò xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện); vùng dọc Sông Hương (Thanh Hà)…

Xác định bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phải gắn với cộng đồng văn hóa truyền thống và bảo đảm sinh kế người dân tại chỗ, Hải Dương chú trọng phát triển du lịch làng nghề: gốm Chu Đậu (Nam Sách), giày dép Hoàng Diệu (Gia Lộc), thêu ren Hưng Đạo (Tứ Kỳ), chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), bánh đa Hội Yên, bánh đậu xanh (thành phố Hải Dương), bánh gai, bánh gấc (Ninh Giang)…

Cùng với phát triển các sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh của tỉnh, du lịch nông nghiệp đã được khai thác tại các địa phương có các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như Thanh Hà (vải, ổi, bưởi, rươi, cáy), Kinh Môn (cam, hành, tỏi, đà điểu), Chí Linh (na, nhãn), Nam Sách (hành, tỏi, cà rốt), Gia Lộc (dưa, nho), Tứ Kỳ (rươi, cáy)…

Gốm Chu Đậu.
Gốm Chu Đậu.

Bắt kịp xu thế du lịch thể thao kết hợp giải trí, tỉnh cũng có nhiều địa điểm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách như sân golf Chí Linh (TP. Chí Linh), các sự kiện thể thao trong nhà tại Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (TP. Hải Dương)…

Xác định tầm nhìn cho tương lai, tỉnh đã và đang xây dựng tám sản phẩm du lịch đặc thù theo Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Có thể kể đến như “Về với nghệ thuật rối nước vùng Đồng bằng sông Hồng” (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang), “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” (thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách kết nối với Bảo tàng tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Dương), Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt” (khu vực sông Hương, huyện Thanh Hà), “Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông” (xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ)…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Hải Dương tích cực kết nối thị trường quốc tế, đặc biệt tập trung vào thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Việc hợp tác được thực hiện qua trao đổi, giao lưu và tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch mang tính khu vực hoặc quốc tế, qua giao lưu, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống (ca trù, chầu văn, chèo, rối nước...).

Là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, Hải Dương nay - xứ Ðông xưa luôn tự hào về những di sản văn hóa tốt đẹp và đang nỗ lực kế thừa, phát huy những truyền thống văn hóa đó, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của tỉnh trong bản đồ văn hóa du lịch Việt Nam.

Hải Dương xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch tại thị trường Áo và Italy rộng mở

Hải Dương xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch tại thị trường Áo và Italy rộng mở

Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, Hải Dương mong muốn các nhà đầu tư của Áo và Italy tiếp tục tìm hiểu sâu hơn ...

Khảo sát, nghiên cứu hải dương học hỗn hợp Việt-Pháp ở vùng biển Việt Nam

Khảo sát, nghiên cứu hải dương học hỗn hợp Việt-Pháp ở vùng biển Việt Nam

Chuyến khảo sát hải dương học hỗn hợp Việt - Pháp trong vùng biển Việt Nam, sử dụng tàu nghiên cứu khoa học ANTEA diễn ...

Hải Dương tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng

Hải Dương tăng trưởng kinh tế đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng

6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương ước tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 7/63 toàn ...

Hải Dương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng trên 9%, quyết nghị vì lợi ích của nhân dân

Hải Dương phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng trên 9%, quyết nghị vì lợi ích của nhân dân

Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) của HĐND tỉnh ...

Hải Dương khai phá tiềm năng hợp tác đầu tư với Đức

Hải Dương khai phá tiềm năng hợp tác đầu tư với Đức

Từ ngày 22-25/7, đoàn công tác tỉnh Hải Dương do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng dẫn ...