📞

Hai lệnh cấm dầu giáng mạnh xuống Nga, EU và Moscow cùng 'chịu trận'

Linh Chi 09:28 | 08/12/2022
Hầu hết dầu thô của Nga sang châu Âu đã bị cấm - nỗ lực táo bạo nhất của phương Tây nhằm gây áp lực tài chính lên Tổng thống Vladimir Putin khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bước sang tháng thứ mười.
Dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển đã bị EU cấm từ ngày 5/12. Một mức giá trần mới đối dầu Moscow cũng được thông qua cùng ngày. (Nguồn: Reuters)

Hai lệnh cấm song song

Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển, được thống nhất vào cuối tháng 5, đã có hiệu lực tại Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 5/12. Một mức giá trần mới đối với dầu thô của Moscow cũng được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), EU và Australia thông qua.

Mức giá trần ban đầu sẽ là 60 USD/thùng và sẽ được xem xét lại cứ sau mỗi 2 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 1/2023, nhưng vẫn phải đảm bảo rằng mức giá trần mới thấp hơn 5% so với giá trung bình. Mọi thay đổi về giá trần sẽ phải có sự đồng thuận tuyệt đối của 27 nước EU và tiếp đó là G7.

Biện pháp này đặt ra với mục đích hạn chế doanh thu của Điện Kremlin, trong khi cho phép các nước như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua dầu của Nga, miễn là những quốc gia này không trả hơn 60 USD/thùng.

Bên cạnh đó, các công ty có trụ sở tại EU, các nước G7 và Australia bị cấm cung cấp các dịch vụ cho phép vận tải hàng hải, chẳng hạn như bảo hiểm, với giá dầu cao hơn mức giá đó.

EU hiện cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển và đã loại bỏ khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu từ Moscow. Đó là một "thành tựu lớn" khi châu Âu từng nhận khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào năm 2021.

Có một vài trường hợp ngoại lệ. Lệnh cấm vận không nhắm mục tiêu vào dầu, khí đốt nhập khẩu qua đường ống. Điều đó có nghĩa là đường ống Druzhba có thể tiếp tục cung cấp cho Hungary, Slovakia và Czech.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, lệnh cấm vận có tác động đáng kể đến cả Nga và EU. Năm 2021, EU đã nhập khẩu 48 tỷ Euro (50,7 tỷ USD) dầu thô và 23 tỷ Euro (24,3 tỷ USD) sản phẩm dầu tinh chế từ Nga. 2/3 số hàng nhập khẩu đó đến bằng đường biển.

Lệnh cấm các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, chẳng hạn như nhiên liệu diesel, được nhập khẩu bằng đường biển, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2023.

Nhanh chóng loại bỏ hàng nhập khẩu từ Nga, châu Âu hy vọng sẽ hạn chế 'dòng chảy' vào ngân sách của Tổng thống Putin. (Nguồn: Reuters)

Bước đi đúng nhưng chưa đủ?

Bất chấp các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, nền kinh tế Nga và ngân sách của chính phủ vẫn được hỗ trợ nhờ vị thế "béo bở" là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, sau Saudi Arabia.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong tháng 10, Nga đã xuất khẩu 7,7 triệu thùng dầu/ngày, chỉ thấp hơn 400.000 thùng so với mức trước khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Doanh thu từ dầu thô và các sản phẩm tinh chế hiện ở mức 560 triệu USD/ngày.

Bằng cách nhanh chóng loại bỏ hàng nhập khẩu từ Nga, châu Âu hy vọng sẽ hạn chế "dòng chảy" vào ngân sách của Tổng thống Putin, khiến ông khó tiếp tục duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt. Nhưng các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã "bước vào" thị trường dầu mỏ của Moscow và "mạnh tay" mua các thùng dầu dư thừa.

Các nước G7 không muốn dầu của Nga bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường, vì điều đó sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao vào thời điểm lạm phát tăng cao. Bằng cách ban hành giới hạn giá, G7, EU và Australia hy vọng dòng chảy dầu tiếp tục lưu thông nhưng Moscow sẽ thu lợi ít hơn.

Tuy nhiên, mức giá giới hạn 60 USD/thùng vẫn gây nhiều tranh cãi. Các quốc gia như Ba Lan và Estonia muốn giới hạn giá thấp hơn, nhấn mạnh rằng, 60 USD là quá gần với giá thị trường hiện tại. Vào cuối tháng 9, dầu thô Urals của Nga được giao dịch chỉ dưới 64 USD/thùng.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu nhận định về mức giá này rằng: "Thỏa thuận trần giá dầu Nga là một bước đi đúng hướng, nhưng điều này là chưa đủ".

Chuyên gia năng lượng Simone Tagliapietra thuộc Viện Nghiên cứu Bruegel (Bỉ) cũng nhận thấy, ở điều kiện thị trường hiện nay, mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga sẽ không gây phương hại cho Moscow.

Việc thực thi cũng có thể khó khăn. Nga và các khách hàng có thể bắt đầu sử dụng nhiều tàu và nhà cung cấp bảo hiểm bên ngoài châu Âu và Vương quốc Anh để lách luật. Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại Công ty nghiên cứu Energy Aspects cho hay: “Năng lực của đội tàu nói trên đang tăng lên và nó có thể xử lý khối lượng của Nga trong một thời gian".

Bên cạnh đó, Moscow có thể bán bán dầu thô theo đúng quy định của phương Tây rồi xử lý hoặc tinh chế chúng bên ngoài lãnh thổ và tiếp tục bán với giá cao hơn. Việc này không vi phạm quy định liên quan của phương Tây.

Không chỉ Nga, EU "chịu trận"

Giá dầu đã giảm mạnh kể từ mùa Xuân do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu.

Sau khi áp trần giá dầu Nga, mọi con mắt đang đổ dồn vào phản ứng của Mosow. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, mức trần giá là một bước “làm mất ổn định thị trường năng lượng thế giới”. Điện Kremlin cũng đe dọa, Nga có thể giảm sản lượng dầu.

Ông Ryabkov còn cảnh báo, phương Tây sẽ phải đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng tăng trên thị trường năng lượng trong khi Moscow dễ dàng tìm ra khách hàng mới có nhu cầu về dầu mỏ.

Theo IEA, Moscow cần tìm khách hàng thay thế cho 1,1 triệu thùng dầu thô/ngày. Điều đó có thể không dễ dàng.

Giới hạn giá dầu làm tăng thêm sự không chắc chắn. Những khách hàng tiềm năng có thể mua hàng hóa của Nga đang đứng trước quá rủi ro và phức tạp.

IEA đã ước tính, Moscow sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1,4 triệu thùng dầu/ngày vào đầu năm 2023.

Ông Suranjali Tandon tại Viện Chính sách và Tài chính công Quốc gia có trụ sở tại Delhi (Ấn Độ) nhận định, sáng kiến áp giá trần đối với dầu thô Nga có thể có tác động tiêu cực hơn nữa đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ông Suranjali Tandon nhấn mạnh: "Giá dầu tăng cao có thể dẫn đến những khó khăn chính trị cho các quốc gia đang đối phó với sự gia tăng bất bình đẳng và cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu".

Lệnh cấm vận của châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế vào ngày 5/2/2023 cũng có thể là "điểm nóng" đối với giá năng lượng, do khu vực này vẫn phụ thuộc vào dầu diesel của Nga. Vấn đề tìm nguồn cung thay thế chỉ trong hai tháng không phải điều dễ dàng.

(theo CNN)