Tiềm năng từ vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đồng bộ
Sở hữu diện tích 1.519 km2, đường bờ biển dài trên 125 km, từ lâu, Hải Phòng được biết đến là cảng biển lớn nhất miền Bắc Việt Nam, là trung tâm dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực ASEAN, kết nối hai hành lang - một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Thành phố cảng cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vị trí địa lý đắc địa chính là một trong các lý do giúp Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, kinh tế, khoa học, thương mại lớn nhất cả nước.
Cảng Hải Phòng nhìn từ trên cao. |
Song song đó, Hải Phòng còn sở hữu “điều kiện vàng” là một trong số ít những địa phương hội tụ đủ 5 loại hình giao thông quan trọng: Đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy, đường hàng không. Lợi thế này không những giúp Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đồng bằng Sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ mà còn là cầu nối giao thương với các khu vực trên cả nước.
Hệ thống tuyến đường sắt nối liền với mạng lưới đường sắt Bắc - Nam, đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh và đường sắt Hà Nội - Bắc Kinh; cảng Hàng không quốc tế Cát Bi đạt cấp 4E theo Tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO... cũng giúp thành phố nâng cao năng lực kết nối giao thông liên vùng và quốc tế.
Bên cạnh yếu tố vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, nguồn lực lao động còn là một lợi thế của “thành phố Hoa phượng đỏ”. Với 1,2 triệu lao động, trong đó 75% đã qua đào tạo, có chất lượng cao, Hải Phòng sẵn sàng đáp ứng, bắt nhịp thời đại công nghệ cao và hiện đại.
Ngoài những lợi thế sẵn có, Thành phố chủ động điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tế phát triển và đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế, khu công nghiệp. Điển hình như khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với quy mô 22.540 ha bao gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan đã hoạt động trong khu vực của thành phố. Hạ tầng đô thị cũng được thành phố chú trọng phát triển.
Không chỉ thế, các công trình đô thị tiêu biểu như Tòa tháp 45 tầng Vinhomes Imperia, Vinhomes Marina, Trung tâm thương mại Aeon Mall, Khách sạn Nikko, Khách sạn M’Gallery Cát Bà, hệ thống cáp treo vượt biển có trụ cao nhất thế giới (214m), Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà… đang góp phần thay đổi diện mạo của thành phố cảng.
Tiềm năng du lịch phong phú
Những năm gần đây, ngành du lịch Hải Phòng đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hải Phòng sở hữu quần đảo Cát Bà, từ lâu đã nổi tiếng là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ 4 danh hiệu quốc gia và quốc tế; bán đảo Đồ Sơn chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, cảnh sắc sơn thủy hữu tình.
Bên cạnh đó, Thành phố có nhiều di tích lịch sử, văn hoá; hàng trăm đình, đền, chùa với kiến trúc độc đáo cùng những làng nghề thủ công truyền thống và nhiều lễ hội dân gian đặc sắc. Đó chính là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, tạo nên nét riêng có của mảnh đất và con người Hải Phòng.
Hạ tầng dịch vụ phục vụ khách du lịch cũng được hoàn thiện với hệ thống khách sạn 5 sao, quần thể khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng với tiện ích cao cấp, đủ tầm vóc và quy mô để tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quốc tế. Bên cạnh đó, Thành phố còn sở hữu hệ thống sân golf chất lượng cao, cảnh quan đẹp và điều kiện khí hậu lý tưởng để dịch vụ thể thao golf trở thành một thế mạnh của Hải Phòng cùng với du lịch biển đảo.
Sân Golf Sông Giá - Hải Phòng. |
Đặc biệt, ẩm thực Hải Phòng cũng đặc sắc và tinh tế, từ ẩm thực đường phố đến các món ăn sang trọng đều đậm đà như gói gọn tấm lòng phóng khoáng, thân thiện của người dân miền biển tới thực khách.
Nhờ những lợi thế kể trên, lĩnh vực du lịch đã thu hút một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sungroup, Geleximco đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Kinh tế dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,42%/năm, dịch vụ logistics, dịch vụ hàng không, lượng khách du lịch đều đạt mức tăng trưởng cao.
Điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư
Những năm gần đây, Hải Phòng luôn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung và là điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của cả nước. Tuy nhiên, Hải Phòng luôn nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép. Một mặt, thành phố tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tập trung dự án đầu tư công. Mặt khác, chủ động, quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ sự nỗ lực đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP tăng 13,52% so với cùng kỳ năm 2020, gấp 2,4 lần mức tăng trưởng chung của cả nước (5,64%).
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 800 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn xấp xỉ 20 tỷ USD. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới chọn Hải Phòng là địa điểm tin cậy để đầu tư như: LG, Regina Miracle International, Nipro Pharma, Kyocera Mita... Nhiều nhà đầu tư lớn trong nước cũng đã tin tưởng lựa chọn Hải Phòng là nơi đầu tư sinh lợi, với sự hiện diện của các “ông lớn” trong nước như: Vin Group, Sun Group, Geleximco, FLC...
Song song với đó, Hải Phòng tích cực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc tổ chức các hoạt động như: Hội nghị Xúc tiến đầu tư - Kết nối kinh doanh Việt Nam - Nhật Bản tại Hải Phòng, Hội nghị Kết nối Doanh nghiệp Việt Nam - Hà Lan; Hội nghị Gặp gỡ và kết nối kinh doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc; các hội nghị đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp định kỳ... Môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố liên tục được cải thiện, bên cạnh những nỗ lực của Hải Phòng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng với thế giới, tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, UVKFTA…, Thành phố cũng thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia các lớp tập huấn, hội nghị, đối thoại trực tiếp và trực tuyến về nội dung, cam kết thực thi trong các FTA; phối hợp với Bộ Công Thương và các tỉnh cung cấp thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp về tình hình vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu; quy trình kiểm soát, phòng chống dịch... để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
Cát Bà mùa thu. (Ảnh: Trần Tuấn Anh) |
Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tập trung thu hút đầu tư có định hướng, chọn lọc, ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, có đóng góp ngân sách lớn, cam kết chuyển giao công nghệ có khả năng lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước theo chuỗi giá trị. Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Thành phố thu hút từ 12,5 - 15 tỷ USD vốn FDI.
Cùng với đó, Hải Phòng chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử tin học và các sản phẩm công nghệ cao... Đồng thời, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế.
Với cam kết cải thiện môi trường đầu tư, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng, cùng sự chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Hải Phòng sẽ tiếp tục là địa điểm lý tưởng của các nhà đầu tư để đồng hành cùng phát triển trong tương lai.