Chương trình mang tên "Next-Generation Air Dominance - NGAD" (tạm dịch Thế hệ mới thống lĩnh bầu trời) đã đạt được sự đồng thuận và tiến tới giai đoạn hiện thực hoá ý tưởng. Hiện nay chương trình bắt đầu thiết kế các nguyên mẫu, với mục tiêu cho ra mắt mỗi năm một mẫu tiêm kích mới kể từ sau năm 2030. Kế thừa nguồn tài chính của F/A-18 Theo các quan chức hải quân Mỹ, các lĩnh vực được xem xét hiện nay bao gồm thiết kế máy bay, động cơ, vũ khí, các hệ thống chức năng và chiến tranh điện tử tiên tiến. Các nhà thiết kế đang cân nhắc những lợi thế của việc tận dụng các công nghệ hiện có để áp dụng cho các mẫu mới hoặc nâng cấp, cải tiến các hệ thống vũ khí hiện hữu. Một báo cáo tháng 2 vừa qua của USNI News cho biết, Hải quân Mỹ đang tìm cách cắt giảm ngân sách sản xuất F/A-18 Super Hornet trong năm 2020 để dồn tiền cho chương trình NGAD, theo đó, việc cắt giảm F/A-18 có thể dôi ra khoảng 4 tỷ USD để dùng cho tiêm kích hạm thế hệ 6. Các dự định về một dòng tiêm kích thế hệ 6 với nhiều loại vũ khí và công nghệ mới đầy hứa hẹn đang được thử nghiệm. Ví dụ, một số công nghệ tàng hình thế hệ mới đang được phát triển, bao gồm các khả năng chống radar mới, vật liệu phủ và giảm tín hiệu hồng ngoại tiên tiến... Bên cạnh đó, các cảm biến tàng hình hoặc các tính năng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo có thể mang đến cho dòng tiêm kích này các tính năng vượt trội trong nhiều thập kỷ tới. Vì những lý do đó, đây đang là một ưu tiên cho việc triển khai nghiên cứu và đưa vào ứng dụng của các nhà phát triển máy bay Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, có không ít thách thức liên quan đến dự định trên được đề cập trong một bài tiểu luận của Naval Postgraduate School (Mỹ) có tên là “Tình cảnh của thế hệ thứ 6” (The 6th-Generation Quandry). Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên hoãn việc phát triển dòng tiêm kích thế hệ mới này cho đến khi có tiến bộ đột phá thực sự - trong khi tạm thời sử dụng các biến thể tiên tiến hiện tại như F-35 và có thể tiến hành nâng cấp thêm các tính năng từ các nền tảng hiện hữu? Sự thay đổi liệu có cần thiết? Bài viết từ năm 2016 của Chương trình Nghiên cứu Phát triển thuộc Naval Postgraduate School cũng từng khẳng định về khả năng đầy hứa hẹn của việc tích hợp các công nghệ mới lên các chiến đấu cơ hiện hữu. Bài viết đã viện dẫn ra một số mẫu chiến đấu cơ được nâng cấp mới như F-35, B-21 Raider, C-130,... được chọn để nâng cấp với các công nghệ tiên tiến hiện nay. Với các máy bay chuyên chở vũ khí như B-52, máy bay chiến đấu không người lái... hệ thống cảm biến được tích hợp các thiết kế của trí tuệ nhân tạo, tốc độ xử lý, nâng cấp phần mềm cũng như các công nghệ khác. Theo đó, có thể tạo ra một sự khác biệt không quá lớn giữa các chiến đấu cơ được nâng cấp tốt nhất hiện nay với các chiến đấu cơ thế hệ hoàn toàn mới được chế tạo trong 10 năm tới. Điều này sẽ giảm bớt rủi ro và chi phí cho việc theo đuổi một chương trình phát triển trong thời gian ngắn hạn, và có đủ điều kiện cho chương trình phát triển mang tính đột phá trong dài hạn. Nhưng liệu các hệ thống vũ khí được nâng cấp này có đủ sức tạo ra sức mạnh vượt trội của lực lượng Không quân Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới? Một vấn đề khác được đặt ra, đó là hệ thống các cảm biến, hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí hiện nay đang ngày càng phụ thuộc vào trí tuệ nhân tạo. Giải pháp giúp cải thiện hiệu quả vấn đề này chính là việc phải tích hợp các thuật toán, khả năng phân tích và tốc độ xử lý cao... dẫn đến chi phí cũng rất lớn. Trên thực tế, tất cả những điều này đặt ra câu hỏi là liệu có thực sự cần thiết để đạt được trước năm 2030 một mẫu máy bay hoàn toàn mới mang tính đột phá cho những thập kỷ tới không? Các cuộc tranh luận dường như chưa thể có hồi kết... |