Tàu tuần tra của Philippines và Trung Quốc suýt 'va chạm' trên Biển Đông trong một sự cố gần đây. (Nguồn: AFP) |
Theo các nhà lãnh đạo Philippines và giới phân tích an ninh phương Tây, lực lượng Trung Quốc ở Biển Đông - vùng biển chiến lược mà Philippines và 6 chính quyền khác tuyên bố chủ quyền một phần - trở nên ngày càng quyết đoán, không chỉ đe dọa an ninh Philippines mà còn thách thức nỗ lực do phương Tây dẫn đầu nhằm kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Các nhà phân tích quân sự nhận định, sau nhiều thập kỷ tập trung vào các cuộc chiến du kích nội bộ, quân đội Philippines cần cải tổ năng lực. Gần đây, lần đầu tiên các nhà lập pháp Philippines đã phân bổ phần lớn nhất trong ngân sách hiện đại hóa quân đội cho hải quân. Sau khi chi hàng tỷ USD cho chiến trường rừng rậm, chính phủ hiện đang tăng cường mua sắm tên lửa, máy bay tiêm kích và tàu chiến.
Giới lãnh đạo Philippines cho biết họ có thể thực hiện bước chuyển này vì đất nước đã đạt được hòa bình tương đối với phiến quân ở các đảo phía Nam. Nguồn tiền từng được rót vào các chiến dịch chống nổi dậy giờ có thể được phân bổ lại cho tuần tra trên không và trên biển.
Vào tháng 7, các nhà lãnh đạo quân đội đã thay thế lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố bằng một lực lượng mới về an ninh hàng hải, do hải quân phụ trách. Nhiệm vụ của Lực lượng đặc nhiệm liên hợp Poseidon là tăng cường kiểm soát vùng biển xung quanh các tỉnh đảo Basilan, Sulu và Tawi-Tawi, đặc biệt là eo biển Basilan và eo biển Sibetu - hai kênh đường thủy quan trọng nối Biển Đông với Tây Thái Bình Dương.
Theo dữ liệu chưa được công bố của Hải quân Philippines, trong năm 2024, ít nhất 10 tàu hải quân Trung Quốc đã đi qua eo biển Basilan trong 3 dịp khác nhau.